17/12/2021 18:18 GMT+7

Phú Yên lại lo ngập lụt, Bình Định sợ sạt lở đất trở lại

DUY THANH - LÂM THIÊN
DUY THANH - LÂM THIÊN

TTO - Trong khi Phú Yên yêu cầu các ngành chức năng vừa ứng phó với bão Rai vừa phòng tránh lũ lụt, thì Bình Định yêu cầu các địa phương chú trọng đối phó với nguy cơ sạt lở đất trở lại.

Phú Yên lại lo ngập lụt, Bình Định sợ sạt lở đất trở lại - Ảnh 1.

Ngư dân phường Phú Đông (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) chằng cột tàu thuyền để tránh bị hư hỏng trước ảnh hưởng của bão số 9 - Ảnh: DUY THANH

Chiều 17-12, tại cuộc họp Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên triển khai phương án ứng phó với bão Rai, ông Trần Hữu Thế - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - yêu cầu các địa phương phải lên phương án kép, vừa phòng tránh bão số 9 vừa ứng phó với nguy cơ lũ lụt có thể xảy ra do mưa lớn sau bão.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các thủy điện trên địa bàn và Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam theo dõi sát tình hình, thực hiện quy trình xả lũ để đón lũ phù hợp. "Tôi đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh lập ngay một trang riêng cho công tác điều hành xả lũ để nắm bắt tình hình nhanh nhất và có chỉ đạo sát sao, kịp thời, hiệu quả công tác này", ông Thế chỉ đạo.

Đến đầu giờ chiều 17-12, các hồ chứa thủy điện ở Phú Yên đang tích nước, đón lũ, xả nước qua tràn phổ biến từ 6,5-100m3/s; các chủ hồ chứa thủy điện đã vận hành, điều tiết, xả nước qua tràn theo quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba.

Hiện 51 hồ chứa thủy lợi tại Phú Yên cơ bản đầy nước, trong đó có 3 hồ chứa lớn (dung tích hơn 10 triệu m3/hồ).

Trong khi đó, tại Bình Định, để ứng phó với mưa lớn, lãnh đạo tỉnh này chỉ đạo các địa phương phải tăng cường việc kiểm tra, triển khai công tác thực hiện việc thông thoáng dòng chảy các sông, suối. Đặc biệt, tại các địa điểm có nguy cơ sạt lở đất như khu vực núi Cấm (xã Cát Thành, huyện Phù Cát) và vùng bị ngập lụt, sơ tán dân đến nơi an toàn khi cần thiết.

Theo ông Nguyễn Đức Chiêu - chủ tịch UBND xã Cát Thành, địa phương sẵn sàng sơ tán khoảng 100 hộ dân sống bên dưới khu vực núi Cấm, nơi đã xảy ra 2 vụ sạt lở lớn, trong trận mưa lũ tháng 11-2021, đến nơi an toàn.

Tại huyện An Lão - nơi có nhiều điểm sạt lở, ông Trương Tứ, chủ tịch UBND huyện, cho biết: "Đã vận động người dân ở những khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở sơ tán. Đặc biệt ở hai xã có nguy cơ sạt lở cao là An Vinh và An Quang".

Ninh Thuận, Khánh Hòa cấm biển

UBND tỉnh Ninh Thuận nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển từ 14h ngày 17-12.

Bộ đội biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh kêu gọi tất cả tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn tại các khu tránh trú bão Ninh Chữ, Đông Hải, Cà Ná. Hiện còn 263 chiếc/2.162 lao động đang hoạt động trên biển, đã liên lạc được.

UBND tỉnh Khánh Hòa ra văn bản yêu cầu ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, các tàu du lịch, các phương tiện đi lại trên biển biết thời gian phải ngưng các hoạt động đánh bắt, vận chuyển, lưu thông trên biển kể từ 18h ngày 17-12 cho đến khi kết thúc bão.

Bên cạnh đó kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn đối với các hoạt động du lịch, trên các đảo; tổ chức rà soát, thống kê số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển để triển khai sơ tán dân kịp thời.

MINH TRÂN - MINH CHIẾN

Phó thủ tướng: Bão cuối mùa dễ gây tâm lý chủ quan Phó thủ tướng: Bão cuối mùa dễ gây tâm lý chủ quan

TTO - Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết cuối năm thường ít khi có bão, nhất là khi vào mùa rét. Cơn bão Rai theo dự báo rất mạnh, người dân hay gọi bão cuối mùa, dễ gây tâm lý chủ quan của bà con, nhất là người dân ở vùng biển.

DUY THANH - LÂM THIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên