19/01/2020 08:30 GMT+7

'Phượt' về ăn Tết miền Tây

NGỌC KHẢI - MẬU TRƯỜNG - SƠN LÂM
NGỌC KHẢI - MẬU TRƯỜNG - SƠN LÂM

TTO - Tết Canh Tý đã đến gần, người người gác lại một năm ngược xuôi nơi phố thị về quê đón Tết. Với nhiều người dân miền Tây, hành trình về nhà ngày cuối năm còn như một chuyến "phượt" ngắm cảnh sắc thi vị trong cảm giác nôn nao đoàn tụ gia đình.

Phượt về ăn Tết miền Tây - Ảnh 1.

Đi trên quốc lộ N2 có thể nhìn thấy nhiều loại hoa rực rỡ sắc màu do người dân trồng để bán vào dịp Tết - Ảnh: NGỌC KHẢI

Tuyến đường N2 nối từ huyện Đức Hòa, Long An đến TP Cao Lãnh, Đồng Tháp những ngày cuối năm thường nhộn nhịp hơn cả quốc lộ 1. Đây là cung đường mà đa số người dân vùng Đồng Tháp Mười và các tỉnh An Giang, Kiên Giang ưa thích.

Về quê đã hết lụy phà

Từ tỉnh lộ 10 thoát ra khỏi cảnh bức bí của TP.HCM, cặp vào quốc lộ N2 ở khu vực Đức Hòa là đã bắt đầu chìm vào cảnh sắc miền Tây Nam Bộ. Từ đây xuôi về Đồng Tháp, An Giang, người về quê sẽ băng qua những khu trồng hoa Tết rực rỡ sắc màu, những cánh đồng trồng thơm, trồng tràm, đến những cánh đồng trồng sen và ruộng lúa bạt ngàn. Nơi lúa vàng trĩu bông chờ thu hoạch, nơi đồng xanh mơn mởn vụ mới.

Hai bên đường N2 giờ quán xá cũng rất nhiều, đặc biệt trên đoạn qua huyện Thạnh Hóa, Long An. Người đi đường có thể ghé vào nghỉ ngơi những quán ven đường gọi các món ăn đồng quê, hoặc ghé vào các quầy bán các sản phẩm từ sen như ngó sen, củ sen, hạt sen. 

Những tiệm sửa xe bên đường cũng sửa nhiều xe hơn so với ngày thường, một phần do có xe của khách về quê không may bị hỏng hóc, một phần do người dân địa phương mang xe đến tân trang để vi vu đón Tết.

Tấp vào gốc cây bên đường, anh Phước Nguyên (28 tuổi, quê Kiên Giang) cho biết anh làm công nhân ở Bình Dương, tranh thủ năm nay công ty cho nghỉ Tết sớm nên anh chạy xe máy một mình về quê. 

"Mấy năm trước tôi đều đi xe máy về quê ăn Tết trên cung đường này, đường này trống trải không kẹt xe như quốc lộ 1, cảnh vật hai bên đường rất thơ mộng, người dân thì rất thân thiện. Do đường này thưa thớt nhà dân cũng như ít thấy tiệm sửa xe nên tôi phải đưa xe đi kiểm tra kỹ lưỡng trước khi về quê, nếu không lỡ xe có hư dọc đường thì không biết phải làm sao" - anh Nguyên chia sẻ.

Trong khi đó, chị Phan Song Ngọc (quê An Giang) cho biết đây là lần thứ 2 đi về quê trên con đường này. "Tôi chọn đường N2 vì xem trên Google Maps thấy tuyến đường này về quê gần hơn so với quốc lộ 1. Đường này khá trống trải, không thấy kẹt xe như trên quốc lộ 1 những năm trước mà tôi từng gặp. Cảnh vật hai bên đường thì yên bình và rất quen thuộc khiến tôi thấy quãng đường dài về quê bớt phần mệt mỏi. Đặc biệt đến đoạn qua cầu Ranh Giới nối địa phận huyện Tân Thạnh (Long An) với huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), nhìn hàng tấn bí rợ vừa được người dân thu hoạch chất đống ven đường để bán rất thích mắt " - chị Ngọc nói.

Phượt về ăn Tết miền Tây - Ảnh 2.

Đoạn qua cầu Ranh Giới nối địa phận huyện Tân Thạnh (Long An) và huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), nơi có nhiều cánh đồng lúa chín đang vào vụ mùa thu hoạch - Ảnh: NGỌC KHẢI

Với những người dân An Giang, Kiên Giang khi chọn tuyến đường này về quê không chỉ để "no mắt" với những cảnh đồng quê mà tuyến đường N2 bày ra mà còn vì hai cây cầu dây văng Cao Lãnh và Vàm Cống nối tiếp nhau đưa người về qua sông Tiền, sông Hậu.

Giữa hai chiếc cầu dây văng hiện đại này là khoảng châu thổ được bồi đắp phù sa của hai dòng sông, nên quanh năm đều có những vườn cây trái mướt mắt. Sau khi cầu Cao Lãnh thông xe, tháng 5-2019 đến lượt cầu Vàm Cống khánh thành, giúp đường về quê đón Tết Canh Tý 2020 ở dải phía tây đồng bằng không còn phải lụy phà. 

Nhiều người lần đầu tiên chạy xe bon bon trên cầu Vàm Cống không cưỡng được cảm xúc đã dừng lại chụp hình đánh dấu kỷ niệm trên cây cầu bắc qua sông Hậu nối huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) với quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ).

Phượt về ăn Tết miền Tây - Ảnh 3.

Người đi đường cũng có thể ghé nghỉ ngơi ở những quán ăn ven đường có các món ăn đồng quê - Ảnh: NGỌC KHẢI

Thăm thú đường lạ

12h ngày 24 tháng chạp, hàng vạn xe máy chen kín mặt đường quốc lộ 1 từ TP.HCM về miền Tây, các loại xe chỉ chạy được tốc độ còn khoảng một nửa so với ngày thường. Những gương mặt xa quê hớn hở trước thời khắc Tết đoàn viên nhưng không giấu nổi vẻ căng thẳng khi phải giành nhau từng mét đường, thậm chí có những đoạn phải chiếm luôn vỉa hè để di chuyển.

Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng Đạo (24 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cùng bạn gái chọn đường dân sinh dọc theo tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương để về quê. Con đường khá vắng, thỉnh thoảng một vài nhóm bạn trẻ vai khoác balô, hoặc những gia đình chở nhau trên xe máy chạy vụt qua.

Anh Đạo cho biết sáng nay là buổi làm cuối cùng, anh được nghỉ sớm hơn thường lệ khoảng 1 tiếng. Hành lý đã chuẩn bị sẵn, vừa ra khỏi công ty, anh cùng bạn gái phóng xe máy về quê Bến Tre chơi. 

"Biết trước hôm nay kiểu gì cũng kẹt xe nên tôi bàn với người yêu đi đường này cho khỏe. Vừa về quê vừa trải nghiệm như đi phượt. Chỉ tiếc là mùa này lúa đã gặt, nếu về sớm hơn chừng nửa tháng chắc đẹp lắm" - anh Đạo chép miệng tiếc rẻ.

Như một dân phượt thực thụ, anh Đạo nói: "Từ TP.HCM có nhiều cách để đi vào đường này, có thể đi đường Nguyễn Hữu Trí ngay dốc cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh), sau đó gặp đường cao tốc thì quẹo vào đường cặp để đi".

Theo anh Đạo, tuy có một số đoạn bị sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây chia cắt nhưng có thể đi phà hoặc chịu khó đi ra quốc lộ 1 một đoạn rồi quẹo vào. Tuy xa hơn chút xíu nhưng chạy khỏe re, không phải chen lấn.

"Không những tránh được cảnh chen chúc trên quốc lộ 1, khi đến địa phận Tiền Giang tôi cũng không cần thiết phải xếp hàng qua cầu Rạch Miễu mà đi thẳng ngã tư Đồng Tâm rồi đi qua Bến Tre bằng đò. Nhà gần bến đò Phú Túc (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) nên cũng tiện lắm" - anh Đạo nói.

Cung đường cặp mé (đường song hành) đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương vốn được xây dựng để phục vụ xe chuyên dụng bảo trì đường cao tốc, bên cạnh đó tuyến đường cũng có nhiệm vụ kết nối, làm đường gom dân sinh nên lượng xe qua lại không nhiều. Tuyến đường được đưa vào sử dụng song song với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhưng đến nay vẫn rất ít người biết đến cung đường này.

Áp lực xe cộ trên quốc lộ 1 và các cầu ở miền Tây sẽ tăng 5 lần Áp lực xe cộ trên quốc lộ 1 và các cầu ở miền Tây sẽ tăng 5 lần

TTO - Hàng triệu người từ TP.HCM về quê ăn tết ở các tỉnh miền Tây sẽ làm cho các tuyến quốc lộ, các cầu bị ùn tắc giao thông. Cục Quản lý đường bộ 4 đề xuất các giải pháp chống kẹt xe.

NGỌC KHẢI - MẬU TRƯỜNG - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên