07/09/2019 18:18 GMT+7

Quản chặt 'quy hoạch' đất đai sau di dời cơ sở ô nhiễm

L.PHAN - C.TUẤN - B.NGỌC
L.PHAN - C.TUẤN - B.NGỌC

TTO - Ngoài các phương án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, có nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư, vấn đề đặt ra là việc sử dụng, quản lý các khu đất trống có được sau khi di dời các cơ sở này sao cho hiệu quả.

Quản chặt quy hoạch đất đai sau di dời cơ sở ô nhiễm - Ảnh 1.

Nhiều cơ sở sản xuất trong khu dân cư nằm trên hai tuyến đường Phan Văn Hớn và Tân Thới Nhất 8 (quận 12, TP.HCM) gây ô nhiễm - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo các chuyên gia, hành lang pháp lý để xử lý các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm, cháy nổ trong các khu dân cư hiện nay chưa sát với thực tế, từ đó gây khó khăn cho chính quyền khi muốn xử lý các đơn vị này.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, cho biết trước đây UBND TP có ban hành quyết định số 200/2004/QĐ-UB quy định 17 ngành nghề sản xuất ô nhiễm không được cấp phép, điều chỉnh giấy phép kinh doanh trong khu dân cư tập trung để ngăn ngừa tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Tuy nhiên, hiện nay quyết định này đã bị bãi bỏ bởi vướng một số quy định.

"Do thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không đòi hỏi phải có ý kiến của địa phương về nội dung bảo vệ môi trường cũng như quy hoạch ngành nghề dẫn đến doanh nghiệp ô nhiễm tiếp tục hình thành và hoạt động trong khu dân cư.

Cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn trong việc xử lý, vừa phải di dời các cơ sở cũ vừa phải tiếp tục kiểm tra, xử lý các cơ sở mới", bà Mỹ bày tỏ.

Hà Nội 200, Đà Nẵng 150, TP.HCM tới 10.000 cơ sở sản xuất Hà Nội 200, Đà Nẵng 150, TP.HCM tới 10.000 cơ sở sản xuất 'đáng sợ' sát nách nhà dân

TTO - Sau vụ cháy tại Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông, rất nhiều người lo lắng bởi các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, nguy cơ cháy nổ vẫn đang nằm sát nách nhà mình. Vì sao các cơ sở này vẫn chậm di dời sau bao năm lên kế hoạch?

Nhìn ở góc độ khác, KTS Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Hà Nội - chia sẻ thêm: Việc di dời cơ sở công nghiệp ra khỏi khu vực nội đô được xác định rõ trong quy hoạch chung thủ đô từ nhiều năm qua.

Định hướng quy hoạch chung thủ đô cũng xác định rõ phải sử dụng đất đúng chức năng trong quy hoạch.

Đến nay, Hà Nội đã có khoảng 60 quy hoạch phân khu phủ kín khu vực nội đô, chức năng đất đai các khu vực làm gì đã được xác định trong quy hoạch.

Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội cũng xác định đất đai các cơ sở sau khi di dời chủ yếu sử dụng vào mục đích phát triển không gian xanh và các trung tâm dịch vụ thương mại để nâng cao chất lượng sống của người dân.

Thế nhưng, theo KTS Nghiêm, thời gian qua có hiện tượng đất các cơ sở sau khi di dời đã được sử dụng xây dựng chung cư cao tầng quá nhiều, gây áp lực cho giao thông đô thị.

"Đất các cơ sở sau di dời phải kiên quyết thực hiện theo quy hoạch và quản lý sau quy hoạch để không làm tăng dân số khu vực nội đô. Chẳng hạn sau khi Hà Nội di dời nhà máy rượu đã xây dựng thêm được hai trường học. Di dời nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo đã xây dựng được trung tâm thương mại Bà Triệu" - KTS Nghiêm nói.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục (viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư) cho rằng việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội đô là chủ trương lớn Chính phủ đã giao cho Hà Nội. Điều này cũng được cụ thể hóa trong Luật thủ đô, quy hoạch chung thủ đô, quy chế quản lý 4 quận nội đô lịch sử của Hà Nội.

Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội đã đề cập tới việc di dời 186 cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, độc hại. Nhưng hàng loạt các khu cơ sở sản xuất di dời như khu cao xà lá, dệt kim Đông Xuân đều cấp phép xây dựng nhà cao tầng.

Việc cấp phép xây nhà cao tầng vào đất đai các cơ sở di dời sẽ tác động trực tiếp đến tương lai đô thị, làm cho sự bế tắc đô thị ngày càng lớn.

Ông Nguyễn Minh Nhựt (phó trưởng Ban đô thị HĐND TP.HCM):

Điều chỉnh quy định xử lý cơ sở gây ô nhiễm

Vừa qua, TP đã chọn một số khu phố tại quận 12 để thí điểm việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số cơ sở chưa di dời được do vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật.

Theo nguyên tắc, các cơ sở gây ô nhiễm không được tồn tại trong khu dân cư, nhưng do lịch sử để lại nên TP không quá mạnh tay mà có chính sách tạo điều kiện cho các cơ sở này được dời về khu công nghiệp hoạt động.

Bên cạnh đó, TP cần kiến nghị điều chỉnh các quy định pháp luật về đình chỉ hoạt động, cưỡng chế di dời sao cho đủ sức răn đe mới xử lý dứt tình trạng trên.

CHÂU TUẤN ghi

Ngày đầu khám bệnh vụ cháy Công ty Rạng Đông: 52 người phải đi điều trị Ngày đầu khám bệnh vụ cháy Công ty Rạng Đông: 52 người phải đi điều trị

TTO - Hôm nay 6-9 là ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện khám miễn phí cho người sống trong bán kính 500m từ hàng rào vụ cháy Công ty Rạng Đông. 179 người đã đến khám, 52 người được cho là có sự bất thường, được chuyển bệnh viện xét nghiệm và điều trị.

L.PHAN - C.TUẤN - B.NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên