04/10/2019 07:41 GMT+7

Quốc hội sẽ có nghị quyết về nạn xâm hại trẻ em

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về "việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em" ngày 3-10.

Quốc hội sẽ có nghị quyết về nạn xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Nga - chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - tại buổi làm việc - Ảnh: TRUNG TÂN

Bà Lê Thị Nga, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết thời gian qua trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em gây chấn động dư luận. Vì vậy, Quốc hội quyết định lập 3 đoàn công tác để khảo sát, đánh giá. 

"Sau đó sẽ có một nghị quyết của Quốc hội về thực trạng này để có những giải pháp căn cơ" - bà Nga nói.

Ngoài bị xâm hại, trẻ em còn bị bóc lột sức lao động

Theo bà Nga, chỉ tính riêng huyện Cư M’gar, nơi bà trực tiếp kiểm tra trong 5 năm (từ 2015 đến 2019), đã có 31 vụ xâm hại, tức mỗi năm có 6 em bị xâm hại và tất cả đều xâm hại tình dục. 

"Trong các vụ xâm hại tình dục đối với trẻ ở huyện này có 51% là hiếp dâm trẻ em (mức độ cao nhất của xâm hại tình dục trẻ em). Đây là tình trạng khá nghiêm trọng, cần có giải pháp" - bà Nguyễn Thị Thủy, ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, đặt vấn đề.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Pha - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, người trực tiếp giám sát ở huyện Krông Bông - cho biết điều đáng lo ngại là ở huyện vùng sâu này trong 5 năm qua đã có hơn 300 cháu bỏ học đi làm ăn xa (theo số liệu của Sở GD-ĐT, từ 2015 đến 2019 có hơn 3.000 học sinh bỏ học đi làm - PV). 

Các gia đình chỉ thấy các cháu gửi tiền về mà không biết các cháu mỗi ngày làm 12-14 tiếng, hít thở bụi nhôm, nhiễm độc.

"Tiền kiếm được chẳng bao nhiêu nhưng sức khỏe của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều đó cho thấy công tác phòng ngừa chưa tốt, dẫn đến các em bị lừa đi làm ăn xa. Một bộ phận cha mẹ nhận thức không đầy đủ để bảo vệ con em mình. Do đó, cần phải xử lý nghiêm các hành vi xâm hại, kể cả những đối tượng trực tiếp lẫn những người lôi kéo, dụ dỗ" - ông Pha đề nghị.

Gốc rễ vẫn là gia đình

Trao đổi bên lề, ông Pha cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bị xâm hại, bóc lột, đánh đập. Một trong những nguyên nhân chính là điều kiện kinh tế khó khăn nên cha mẹ thường vắng nhà.

Ngoài ra, theo ông Pha, nhận thức và kỹ năng chống xâm hại đối với trẻ em của bản thân các cháu lẫn gia đình, người thân chưa cao. Nhiều người chỉ mới phòng tránh nạn xâm hại trẻ từ người lạ nhưng theo thống kê của riêng tỉnh Đắk Lắk, có hơn 60% các vụ xâm hại tình dục trẻ em lại do người thân quen...

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Hữu - chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk - cho biết trẻ bị xâm hại rơi rất nhiều vào các trường hợp gia đình tan vỡ, bố mẹ bỏ nhau. 

Ông Hữu nêu ví dụ: "Án ly hôn ở Đắk Lắk đang ở mức báo động. Chỉ tính riêng TAND TP Buôn Ma Thuột mỗi năm giải quyết 3.200 vụ ly hôn, chiếm 60% các án do tòa án này giải quyết". 

Vì gia đình tan vỡ, các cháu không được yêu thương, giáo dục nên lang thang ngoài đường. Chính tâm lý lứa tuổi dậy thì muốn thể hiện mình dẫn đến các vụ xâm hại, đặc biệt bị xâm hại tình dục rất nhiều.

Thủ tục giám định sẽ được tiến hành nhanh hơn

Nói về góc độ pháp lý bên ngoài hội nghị, thượng tá Đỗ Khắc Hưởng - cán bộ Cục Pháp chế, Bộ Công an - cho biết nhiều vụ án xâm hại trẻ em rất khó xử lý bởi các căn cứ vật chất để cấu thành tội phạm không còn, hoặc mất nhiều thời gian để chứng minh.

"Vì vậy, thời gian tới sẽ có những quy định cụ thể để các thủ tục thụ lý, điều tra loại án này hiệu quả hơn. Trong đó, thủ tục giám định của loại án này sẽ được tiến hành nhanh hơn và sớm củng cố hồ sơ" - thượng tá Hưởng góp ý.

Kiến nghị tăng hình phạt tội xâm hại tình dục trẻ em Kiến nghị tăng hình phạt tội xâm hại tình dục trẻ em

TTO - UBND quận Tân Bình kiến nghị Quốc hội tăng hình phạt đối với tội xâm hại tình dục trẻ em, các bộ, ngành trung ương cần sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn quy định của Bộ luật hình sự về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên