26/10/2021 12:08 GMT+7

Quốc hội tranh luận sôi nổi việc mua máy bay cho cảnh sát cơ động

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Sáng 26-10, thảo luận dự thảo Luật cảnh sát cơ động, nhiều đại biểu tranh luận sôi nổi việc có nên hay không trang bị tàu bay, tàu thuyền cho cảnh sát cơ động.

Quốc hội tranh luận sôi nổi việc mua máy bay cho cảnh sát cơ động - Ảnh 1.

Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên chi viện cho Bà Rịa - Vũng Tàu chống dịch - Ảnh: T.TÂN

Dự thảo luật quy định cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề: "Lực lượng phòng không, không quân, cũng như cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư đã có tàu bay, tàu biển sẵn có, tại sao chúng ta không phối hợp sử dụng phương tiện kỹ thuật này của các lực lượng này khi cần thiết". 

Theo ông Hòa, quân đội sẵn sàng hỗ trợ tích cực, đắc lực cho lực lượng công an, lực lượng cảnh sát cơ động để thực hiện nhiệm vụ. Trong khi, nếu mua tàu bay, tàu biển cho cảnh sát cơ động phải trang bị kỹ thuật, sân bay riêng... rất tốn kém.

Cùng ý kiến, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng việc cảnh sát cơ động sử dụng máy bay khi làm nhiệm vụ trong một số tình huống đặc biệt là cần thiết. Mặt khác, quy định cho cảnh sát cơ động được phối hợp với cảnh sát, quân đội hoặc lực lượng khác để làm nhiệm vụ là phù hợp.

Tuy nhiên, ông Thắng đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ, đánh giá tác động nhiều chiều và lấy ý kiến đại biểu về việc mua sắm máy bay riêng cho cảnh sát cơ động. Thay vì mua sắm riêng có thể nghiên cứu hướng để cảnh sát cơ động có thể phối hợp sử dụng máy bay của quân đội hoặc các lực lượng khác nhằm hạn chế việc tiêu tốn nhiều nguồn lực quốc gia.

"Việc phối hợp huy động lực lượng, phương tiện sẵn có sẽ tiết kiệm, hiệu quả hơn mua sắm riêng", đại biểu Thắng nêu.

Điều kiện nước ta hiện nay đang rất khó khăn, có cần thiết trang bị không? Khi sử dụng tàu bay của quân đội hay hơn. Quân đội và công an là anh em ruột thịt, như anh em sinh đôi, tại sao chúng ta không sử dụng thiết bị sẵn có.

Đại biểu Phạm Văn Hòa

Tranh luận lại, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) chia sẻ với hai đại biểu trên việc đất nước còn khó khăn và phải tiết kiệm. Tuy nhiên, cảnh sát cơ động là lực lượng nòng cốt quan trọng nhất của công an, tham gia chống khủng bố, bảo đảm an ninh trật tự, chống bạo loạn. Không thể vì tiết kiệm mà không mua cho họ tàu bay, tàu thủy. 

"Nếu họ ngăn chặn được những vụ khủng bố, bạo loạn, đảm bảo trật tự an ninh quốc gia thì không thể đo đếm được bằng tiền. Kinh nghiệm quốc tế lực lượng này phải trang bị hiện đại nhất", ông Thịnh nói.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội - cho hay theo các công ước quốc tế, các quốc gia không bao giờ được sử dụng lực lượng quân đội để thực hiện hành vi trấn áp khi có xung đột dân sự. Do vậy khi có tình huống xảy ra phải sử dụng lực lượng cảnh sát. 

Theo ông Đức, có những báo cáo về hiện tượng bao loạn, gây hấn, biểu tình ảnh hưởng đến an ninh quốc gia có thể xảy ra, khi đó phải sử dụng lực lượng cảnh sát. Nếu không sớm trang bị các loại phương tiện sẽ rất khó khăn để lực lượng làm nhiệm vụ.

Quy định chặt chẽ quyền hạn, tránh lạm quyền, vượt quyền

Cũng tại buổi thảo luận, một trong những nội dung của dự thảo luật được nhiều đại biểu quan tâm là về quyền hạn của cảnh sát cơ động.

Theo đó, lực lượng này được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong một số trường hợp; xử lý vi phạm hành chính và huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam khi cấp bách.

Đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) đồng tình với dự thảo luật bổ sung một số quyền hạn của cảnh sát cơ động. Tuy nhiên, bà Huyền đề nghị cần có những quy định chặt chẽ hơn, bao gồm cả các cơ chế giám sát việc thực hiện quyền hạn khi thi hành công vụ, tránh lạm quyền, vượt quyền gây khó khăn, trở ngại cho người vi phạm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng nhiều quyền hạn của cảnh sát cơ động quy định trong dự thảo luật hết sức đặc thù, có những trường hợp liên quan quyền con người, quyền tài sản. Trong khi dự thảo luật sử dụng nhiều lần dùng từ "cấp bách", "tình huống cấp bách" nên bà Nga đề nghị bổ sung giải thích, làm rõ ngữ nghĩa của từ cấp bách để tránh việc lạm dụng không cần thiết.

Đề xuất cho cảnh sát cơ động mang vũ khí lên máy bay ngăn khủng bố Đề xuất cho cảnh sát cơ động mang vũ khí lên máy bay ngăn khủng bố

TTO - Cảnh sát cơ động được mang vũ khí theo người vào cảng hàng không và lên máy bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin... là một trong những quyền hạn mới của dự thảo Luật cảnh sát cơ động.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên