06/04/2014 20:30 GMT+7

Quyền riêng tư trên mạng: Hãy tự bảo vệ!

LOAN PHƯƠNG
LOAN PHƯƠNG

TTCT - LTS: Trong khi nhiều khách hàng chưa ý thức được những thông tin mình đưa lên trên Internet sẽ có lúc chống lại mình (xem TTCT từ số ra ngày 16-3), thì các loại công ty kinh doanh những thông tin này ngày càng ăn nên làm ra. Đặc biệt là những công ty bảo vệ quyền riêng tư.

Thế giới ảo & thực: “Đụng” phải một con dao hai lưỡi...Khi mạng xã hội... phản chủ!

sXBRxHG4.jpg
“Chia sẻ không phải là ăn cắp”, một cuộc biểu tình của những người ủng hộ quyền riêng tư trên Internet và nhóm ẩn danh Anonymous - Ảnh: Reuters

Ngành kinh doanh tăng trưởng nhanh nhất trên Internet hiện nay là tìm hiểu thông tin của người sử dụng mạng, và cùng với đó là ngành bảo mật thông tin cá nhân và uy tín trên mạng.

Theo dõi và chống theo dõi

Google và Facebook kiếm được bao nhiêu từ bạn

Rất nhiều người dùng Internet biết rằng họ sử dụng không ít dịch vụ tuyệt vời trên mạng hoàn toàn miễn phí, tìm kiếm, mạng xã hội, chơi game, thậm chí là tin tức, nhưng có quả thật là chúng “miễn phí”?. Đó thật ra cũng là một cuộc trao đổi. Lợi ích cho người dùng là rõ ràng, nhưng các công ty cũng thu thập dữ liệu, bán cho các hãng quảng cáo và kiếm tiền không ít.

Hãng Privacy Choice mới đây đã tiến hành một dự án ước tính xem các đại gia Internet thu được bao nhiêu tiền cho mỗi lần truy cập.

“Chúng tôi muốn mọi người hiểu rằng đó là một cuộc trao đổi” - người sáng lập Privacy Choice Jim Brock nói. Theo phân tích của họ, Google kiếm được 14,7 USD cho mỗi 1.000 lần tìm kiếm năm 2010. Tất nhiên, những ai bấm quảng cáo nhiều thì giá trị hơn hẳn những người dùng thông thường.

Bản thân Brock tự ước tính Facebook chỉ kiếm được từ tài khoản của ông 1,68 USD trong một năm, nhưng con gái ông thì giá trị hơn hẳn: 12 USD/năm. Ngược lại, “giá trị Google” của Brock lại tới 700 USD mỗi năm.

HẢI MINH

Những công ty như Lotame Solutions ở New York, Mỹ đang mọc lên ngày càng nhiều. Ngành kinh doanh của Lotame là thu thập thông tin chi tiết của những người sử dụng Internet. Từ các bình luận về phim ảnh, sở thích du lịch cho tới quan điểm về làm bố mẹ và mang thai... Lotame đóng gói tất cả các thông tin đó, nặc danh, và bán lại cho những công ty muốn nghiên cứu khách hàng.

Chẳng hạn, Lotame bán gói “phim yêu thích nhất của 1.000 người yêu điện ảnh” hay “những người miền nam 26 tuổi yêu thích phim “50 First Dates”” với giá 1 USD. “Chúng tôi có thể phân loại tới từng người một” - Eric Porres, giám đốc tiếp thị của Lotame, nói.

Một nghiên cứu của báo Mỹ The Wall Street Journal năm 2013 cho thấy 50 trang web hàng đầu của Mỹ có trung bình 64 công nghệ khác nhau để theo dõi những người truy cập, hầu hết là không có cảnh báo (chỉ duy nhất trang phi lợi nhuận Wikipedia là không theo dõi người truy cập). Những thông tin thu thập được từ các cá nhân sau đó được mua bán như các gói chứng khoán trên thị trường.

Theo dõi, và chống theo dõi, càng được dịp bùng nổ. Sarah Downey, chuyên gia về quyền riêng tư trên mạng của Công ty phần mềm Abine, giải thích: “Các trang mạng xã hội rõ ràng đã lộ rõ là một chuỗi cung cấp dữ liệu. Các công ty tư nhân thu thập dữ liệu này và bán lại cho các công ty khác, hoặc giao cho chính quyền. Vì thế, nếu muốn riêng tư hơn, bạn phải giới hạn các dữ liệu mà những công ty thu thập về bạn”.

Nói cách khác, nếu bạn không muốn trở thành một nạn nhân của các vụ “boomerang”, khi thông tin cá nhân lan tràn trên mạng của bạn phản chủ, trước hết bạn phải làm sao để không lọt vào dữ liệu của các công ty tiếp thị và Internet, như Google và Facebook, vốn dựa nhiều vào quảng cáo để mở rộng hoạt động kinh doanh của họ.

Theo Yahoo Finance, sau vụ cựu điệp viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ E. Snowden tiết lộ các công ty mạng trao thông tin khách hàng cho chính quyền, các khách hàng của phần mềm ngăn theo dõi người dùng Internet DoNotTrackMe đã tăng 54%.

Phần mềm này của Abine ngăn các công ty tư nhân theo dõi các hoạt động của người dùng trên Internet. Phần mềm này là miễn phí, nhưng Abine thu lợi nhờ các phiên bản nâng cấp như DeleteMe - một nỗ lực xóa hẳn người dùng khỏi Internet, hay MaskMe - một phần mềm che giấu nhân thân trên mạng.

Một ví dụ khác là lượng truy cập vào DuckDuckGo, chuyên bảo vệ sự riêng tư cho người dùng Internet, đã tăng 55%. DuckDuckGo cam kết không lưu trữ thông tin cá nhân của người dùng, khác hẳn Google, vốn sử dụng thông tin từ các lần đăng nhập để cá nhân hóa các kết quả tìm kiếm. “Chúng tôi không lưu trữ thông tin người dùng, nên DuckDuckGo đơn giản là vô dụng với các chương trình do thám và thu thập dữ liệu của chính phủ” - Gabriel Weinberg, người sáng lập DuckDuckGo, nói trên Silicon Angle.

Một lựa chọn khác là FoxyProxy, một phiên bản mở rộng của phần mềm trình duyệt mạng Firefox, sử dụng một mạng lưới cá nhân ảo giúp che giấu vị trí và nhân thân người dùng.

Phần đông những người dùng Internet thật ra không có gì quá riêng tư và bí mật để che giấu, nhưng cũng không ít người khó tính, hoặc từng “lỡ bộ” trên mạng và không muốn bị những gì mình đã đăng tải quay lại như một chiếc boomerang, và các gợi ý trên sẽ là những lựa chọn đáng cân nhắc.

Chủ động bán thông tin cá nhân

Một giải pháp khác còn mang tính đột phá hơn, là nền tảng cho hoạt động của các công ty như Allow và Personal: thay vì bị thu thập thông tin cá nhân một cách thụ động trên mạng, họ sẽ chủ động giúp bạn bán thông tin của mình cho những hãng tiếp thị đáng tin cậy.

Allow, có trụ sở tại London, sẽ đứng ra đại diện cho bạn thương lượng với các hãng tiếp thị trên Internet và thu một khoản phí nhỏ nếu bạn chấp nhận bán các dữ liệu cá nhân của mình.

Điều này càng giá trị ở Anh khi năm 2013, luật bảo vệ thông tin đã được thông qua, cho phép một người dùng Internet được yêu cầu các trang mạng phải xóa dữ liệu cá nhân của họ (ở Mỹ và các nước khác, do chưa có luật như ở Anh, tiến trình tự xóa mình khỏi Internet sẽ rất tốn kém và mất thời gian).

Các lãnh đạo của Allow dự đoán rằng trong khi hiện giờ mạng xã hội là miễn phí thì trên mạng trong tương lai, nếu bạn chia sẻ những riêng tư của mình, bình luận, thông tin cá nhân, sở thích..., bạn còn có quyền đòi lại tiền cho phần công sức, thời gian và những chia sẻ đó.

Nếu là người dùng Internet, bạn hẳn mỗi ngày phải thấy vài lần những mẩu quảng cáo như “tham gia thăm dò, trúng ngay iPad”. Đó thật ra cũng là một cách trả tiền (cơ hội nhỏ nhoi để trúng iPad) để bạn chia sẻ thông tin của mình.

Không chỉ trên Internet, với các mạng di động viễn thông (mà ngày nay ranh giới với Internet đã trở nên rất mờ nhạt vì các loại điện thoại thông minh tân kỳ), bảo vệ thông tin cá nhân cũng đang trở thành một xu hướng thời thượng.

Nicholas Merrill, 39 tuổi và đang làm trong ngành công nghệ ở New York, nói ông đang huy động vốn để tạo ra một “nhà cung cấp dịch vụ viễn thông quốc gia bảo vệ tuyệt đối quyền riêng tư” với giá 20 USD mỗi tháng. Mục tiêu của Merrill là giúp khách hàng tuyệt đối riêng tư, vĩnh biệt các tin nhắn rác, các cuộc gọi quảng cáo phiền hà và nghiêm trọng hơn, cả việc bị nghe lén hoặc thu thập thông tin mà mình không hay biết.

Merrill hiện đã lập được một tổ tư vấn bao gồm những người cùng tôn chỉ mục đích với ông, như Sasch Meinrath của Quỹ New America, cựu giám đốc kỹ thuật của NSA Brian Snow, và Jacob Appelbaum từ Dự án Tor. Bước tiếp theo của Merrill là huy động 2 triệu USD.

Cứ như thế, cuộc chiến thu thập và chống thu thập dữ liệu cá nhân đã hình thành nên xu hướng của các ngành kinh doanh Internet hiện đại, và cùng với nó là cuộc chiến pháp lý sẽ còn dai dẳng, với rất nhiều địa hạt mới mà ngay cả những nước phát triển với công nghệ cao cũng vẫn chỉ đang đi từng bước dò dẫm.

Trong lúc này, người dùng Internet không có cách nào khác hơn là phải cực kỳ cẩn trọng. “Chúng ta rất dễ bị bẽ mặt về những thứ chúng ta làm trên mạng vì khi online, chúng ta đều có thể cư xử bột phát và kỳ quặc - Kyle Wagner của trang blog công nghệ nổi tiếng Gizmodo nói - Điều chúng ta lo sợ là một ngày nào đó những gì chúng ta đã làm trên mạng vào một thời bồng bột sẽ quay lại khiến chúng ta hổ thẹn cả đời”.

Bất ngờ đi bán... viagra!

Một lần trong khi sử dụng Facebook, tôi “dính chưởng” một chuyện khá hài hước. Hôm đó, thấy trang “hàng xách tay giao tận nhà” có một hiệu nước hoa yêu thích, tôi liền nhấp chuột đặt mua. Giao dịch chưa thành công vì tôi không chuyển tiền vào tài khoản như yêu cầu (trang web đòi chuyển tiền trước khi nhận hàng, tôi nghi ngờ nên ngưng giao dịch).

Không ngờ ba hôm sau, chính trang này sử dụng tên tôi chào mời tất cả bạn bè trong Facebook của tôi mua một thứ thuốc viagra từ nước ngoài đưa về. Khổ nỗi, trong những ngày trang này liên tục dùng tên tôi, mạo danh trắng trợn để đạt được mục đích riêng của mình thì tôi không lên Facebook vì đi công tác ở một vùng quê.

Về lại thành phố, mở Facebook, tôi thấy vô số tin nhắn hài hước của bạn bè như: “Chuyển nghề nhanh vậy em?”, “Thuốc này uống vào lúc nào?”, “Anh cùng làm chung công ty với em được không?”... Có cả tin nhắn của những bạn bè từ lâu không liên lạc với những tràng cười, trêu chọc.

Tôi viết báo cáo sai phạm và một vài dòng thông báo trên trang mình là tôi chưa “chuyển nghề” bao giờ. Rõ ràng có nhiều “màn chơi xỏ” bất ngờ mà chúng ta khó chống đỡ hoặc phải chống đỡ khi “dính đòn” khá nặng.

B.N. (TP.HCM)

LOAN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên