Rào cản ngôn ngữ: Không vấn đề!

TRƯỜNG SƠN 08/12/2016 02:12 GMT+7

Loài người nói chung một ngôn ngữ có thể là ước vọng không bao giờ thành hiện thực. Nhưng việc xóa bỏ rào cản ngôn ngữ nhanh chóng, chính xác và dễ dàng là chuyện không còn là chuyện ngoài tầm tay...

Tiếng gì đây? - Yên tâm đi
Tiếng gì đây? - Yên tâm đi


Con người có thể giao tiếp mà không cần học lời ăn tiếng nói của nhau là ước vọng từ lâu vẫn được bày tỏ trong văn chương, phim ảnh, từ truyện tranh với “bánh mì chuyển ngữ” của Doraemon đến chú cá dịch Babel Fish trong loạt tiểu thuyết The Hitchhiker’s Guide to the Galaxy.

Và rồi những công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), học sâu (deep learning) và neural network (mạng máy tính mô phỏng bộ não con người) đã biến những điều trên thành sự thật khi chúng ngày càng giải quyết được các vấn đề vốn nan giải của việc dịch thuật như sự phức tạp của ngữ pháp, các từ đa nghĩa, chuyển ngữ không đơn giản chỉ là dịch từng từ một rồi ghép lại thành câu...

... Dịch như máy

Từ tháng 9 đến nay, Google liên tiếp gây ồn ào với những tuyên bố hoành tráng về ứng dụng chuyển ngữ Google Translate của họ. Đầu tiên là tuyên bố ứng dụng công nghệ neural network để cải thiện chất lượng bản dịch, giảm tỉ lệ lỗi đến 60% hôm 27-9.

Neural network, hay còn gọi là “mạng nơron nhân tạo”, là một hệ thống gồm cả phần mềm lẫn phần cứng, được thiết lập và kết nối với nhau theo cách hoạt động của các nơron thần kinh trong não người.

Với khả năng học sâu (deep learning), các hệ thống này có thể nhận biết với dữ liệu đầu vào (input) này thì phải cho ra dữ liệu đầu ra (output) nào thông qua quá trình “học hỏi” dưới sự huấn luyện của người dùng.

Google đã ứng dụng công nghệ này để tạo nên mạng nơron nhân tạo của riêng họ có tên là Google Neural Machine Translation (GNMT). Hệ thống này sẽ học từ người dùng và tự học bằng cách tra cứu các tài liệu, bản dịch cho sẵn trên Internet để cải thiện khả năng chuyển ngữ của mình.

Đến giữa tháng 11 Google tiếp tục tuyên bố GNMT của họ đã nhanh chóng “học hỏi” và đạt được bước tiến mới để có thể dịch bằng cách phân tích văn bản theo cả câu hoàn chỉnh, thay vì chẻ nhỏ ra thành từng từ một như trước đây.

Người dùng thi thoảng vẫn chê các bản dịch của Google Translate là ngô nghê, khó hiểu, song gã khổng lồ Internet tự tin các cải tiến mới sẽ giúp chất lượng bản dịch tường minh hơn.

“Công nghệ của chúng tôi sẽ tham khảo ngữ cảnh rộng hơn của văn bản để chọn ra cách dịch có liên quan nhất và sẽ sắp xếp, điều chỉnh các câu văn, từ ngữ để bản dịch thật hơn, giống người hơn, và có ngữ pháp chỉn chu hơn” - Barak Turovsky, trưởng nhóm phát triển Google Translate, chia sẻ.

Các tính năng cải tiến này trước mắt sẽ được áp dụng cho chín ngôn ngữ (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hoa, Nhật, Hàn và Thổ Nhĩ Kỳ), vốn chiếm 35% các yêu cầu chuyển ngữ mà Google Translate nhận được. Google tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển để hỗ trợ tính năng này cho cả 103 thứ tiếng Google Translate hiện “thông thạo”.

Không dừng ở đó, hôm 23-11, Google tiếp tục tuyên bố một “tin khó tin” khác về trí tuệ nhân tạo dịch thuật của mình: GNMT có thể đã tự tạo ra một ngôn ngữ của riêng nó để hỗ trợ việc chuyển ngữ.

Theo bài báo do các kỹ sư Google công bố, GNMT giờ có thể tự học cách dịch qua lại giữa hai ngôn ngữ mà nó chưa từng được cung cấp dữ liệu trước đó. Ví dụ, nếu Google Translate đã từng học cách dịch Hàn - Anh và Nhật - Anh, nó sẽ tự biết dựa vào các kiến thức này để có thể dịch luôn từ tiếng Hàn sang Nhật và ngược lại, dù trước đó chưa từng được “dạy” với cặp ngôn ngữ này. Google sẽ dịch Nhật - Hàn mà không cần thông qua tiếng Anh làm trung gian.

Khi rào cản ngôn ngữ không còn là vấn đề
Khi rào cản ngôn ngữ không còn là vấn đề

 

Ông nói gà, bà nói vịt: chuyện nhỏ

Ba người nói ba thứ tiếng khác nhau, có thể trò chuyện thoải mái với nhau cùng một lúc mà không phải ngại chuyện rào cản ngôn ngữ. Chuyện khó tin này có thể trở thành thực tế vào cuối năm nay, khi Microsoft, vốn cũng “dấn thân” vào lĩnh vực phát triển công nghệ dịch, ra mắt ứng dụng dịch thuật mới.

Các ứng dụng chuyển ngữ hiện chỉ có thể dịch từng cặp ngôn ngữ một, song Microsoft tuyên bố tại sự kiện Microsoft Future Decoded ở London hôm 1-11, ứng dụng họ đang phát triển có thể dịch các cuộc trò chuyện với ba ngôn ngữ trở lên theo thời gian thực.

Microsoft đã trình diễn thử ứng dụng trên bằng cách cho ba người nói tiếng Anh, Pháp và Đức cùng trò chuyện với nhau. Mỗi người sẽ cầm smartphone có cài app Microsoft Translator, khi ai nói đến đâu thì ứng dụng này sẽ nghe, dịch lại thành ngôn ngữ người dùng và hiển thị ở dạng văn bản. Microsoft tuyên bố ứng dụng này khi ra mắt sẽ hỗ trợ chín ngôn ngữ phổ biến nhất.

Năm 2014, Microsoft từng khiến thế giới kinh ngạc khi ra mắt tính năng dịch theo thời gian thực cho phần mềm chat Skype. Khi hai người trò chuyện với nhau qua Skype Translator, mỗi người chỉ việc nói ngôn ngữ của mình, người bên kia sẽ nghe Skype “nói lại” bằng ngôn ngữ của họ.

Để làm được điều này, Skype Translator phải nghe, chuyển giọng nói thành chữ, sau đó dịch, rồi lại chuyển chữ thành giọng nói, phát ra cho phía người nhận nghe.

 

 

“Thầy thông ngôn” trong tai

Các ứng dụng chuyển ngữ trên di động, dù dịch nhanh và chính xác, vẫn buộc người dùng phải liên tục nhìn vào điện thoại để xem bản dịch. Có cách nào tiện lợi hơn không, làm sao để người kia nói bằng ngôn ngữ của họ và thứ ta nghe trong tai lại là thứ tiếng mà ta quen thuộc?

Waverly Labs, một công ty công nghệ Mỹ, tuyên bố đã biến giấc mơ đó thành sự thật với thiết bị Pilot, chiếc tai nghe có khả năng chuyển ngữ bằng giọng nói theo thời gian thực.

Để trò chuyện với nhau mà không cần dùng chung một ngôn ngữ thứ ba, hai người chỉ việc đeo Pilot vào tai, chọn ngôn ngữ nguồn và đích thông qua ứng dụng tương thích trên smartphone rồi... quên chiếc điện thoại đi.

Vì khi đó, Pilot sẽ tự bắt giọng nói của người kia, chuyển ngữ và “thì thầm” vào tai người nghe nội dung đã dịch. Waverly Labs chọn “Thế giới không rào cản ngôn ngữ” làm slogan cho mình và hiện đã gây quỹ cộng đồng được hơn 3,5 triệu USD để cho ra mắt sản phẩm vào tháng 5-2017.

Mỗi cặp Pilot có giá đặt trước 300 USD, hỗ trợ năm ngôn ngữ (Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha) và nhà sản xuất tuyên bố sẽ sớm mở rộng khả năng cho thiết bị này. Giới công nghệ hào hứng chờ đợi vì Pilot được xem là “đi thẳng từ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng ra đời thực”.

Giới công nghệ xem Pilot là phiên bản thật của Babel Fish (chú cá chui vào tai người và phiên dịch mọi ngôn ngữ trong tiểu thuyết dựng thành phim The Hitchhiker’s Guide to the Galaxy) hay như thiết bị Universal Translator trong phim Star Trek.

Nếu không thích đeo máy dịch vào tai, bạn có thể tậu cho mình một “trợ lý dịch” gọn nhẹ khác có thể đeo vào cổ và “nói lời tạm biệt với mọi rào cản ngôn ngữ”: thiết bị ili do Công ty công nghệ Logbar (Nhật) sản xuất, nhỏ gọn như một chiếc USB, dịch mọi lời nói của bạn sang tiếng Nhật, sau đó phát ra thành tiếng rõ ràng thông qua chiếc loa nhỏ gọn gắn kèm.

Điều kỳ diệu nằm ở chỗ thiết bị này hoạt động không cần Internet. Logbar cho biết ili được thiết kế riêng để phục vụ khách du lịch đến Nhật. “Được tích hợp một “ngân hàng” từ vựng chuyên dành cho du lịch, và nếu dùng cho mục đích du lịch, ili đánh bại mọi giải pháp dịch hiện có” - nhà sản xuất Logbar tự tin tuyên bố trên website. Có màn ra mắt ấn tượng tại triển lãm công nghệ điện tử CES 2016, nhưng đáng tiếc là người dùng chưa thể mua vì ili cần được hoàn thiện.

 

“xách balô lên, và đi”

Khi trí tuệ nhân tạo bắt đầu được đưa vào lĩnh vực ứng dụng dịch thuật, phải chăng biên phiên dịch sẽ là ngành nghề tiếp theo bị “mất nồi cơm”? Trang Engadget cho rằng “điều này khá đáng sợ, nhất là khi bạn là “thầy thông ngôn” chuyên nghiệp”.

Nhưng với đại chúng thì sao? Với cặp tai nghe Pilot, mọi rào cản ngôn ngữ sẽ bị phá bỏ. Trải nghiệm những thứ giả tưởng trong đời thật, điều đó không thật tuyệt hay sao?

Các ứng dụng, thiết bị dịch thuật hiện tại đều giúp gỡ bỏ rào cản ngôn ngữ một cách nhanh chóng và hiệu quả, và lợi ích của nó là vô chừng. Nhưng nếu có ai đó thật sự hưởng lợi từ sự phát triển mạnh mẽ của ứng dụng dịch thuật, thì đó chính là những người ưa du lịch nước ngoài.

“Hãy học vài từ địa phương (ở nơi bạn đến) và dùng một app dịch thuật” - đôi vợ chồng người Mỹ Larissa và Michael Milne, cặp đôi "phượt thủ" nổi tiếng, chia sẻ như vậy trong một bài viết đầu tháng 11.

Vợ chồng nhà Milne kể lại việc Google Translate đã giúp ích cho họ thế nào trong các chuyến đi (“vì chúng tôi đâu thể học hết mọi thứ tiếng ở bất kỳ nơi nào mình đến”).

Kinh nghiệm của Milne, mà ai cũng có thể áp dụng ngay: cài Google Translate lên smartphone hay iPad, chọn tải bộ từ điển của ngôn ngữ cần dùng vào máy trước chuyến đi để có thể sử dụng offline (không cần Internet).

Vợ chồng Milne cũng thích thú với tính năng dịch từ giọng nói hoặc đọc nội dung đã dịch của Google Translate (cần gì cứ nói vào điện thoại để Google dịch và tự nói lại bằng tiếng địa phương cho người bản địa nghe). Nhưng ấn tượng hơn hết là khả năng dịch từ hình ảnh của ứng dụng này: khi hướng camera về biển báo bất kỳ, Google Translate sẽ hiển thị đúng tấm ảnh đó, với nội dung trên biển báo được dịch sang ngôn ngữ được chọn.

Nếu du lịch sang các nước dùng chữ tượng hình như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, bạn cũng có thể chọn dùng ứng dụng Waygo. Waygo hoạt động tương tự tính năng dịch hình ảnh của Google Translate nhưng không cần Internet, chỉ cần hướng camera vào biển báo hay menu...■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận