31/03/2018 12:36 GMT+7

Samsung xúc tiến lan tỏa phương pháp giáo dục STEM ở Việt Nam

BÔNG MAI
BÔNG MAI

Samsung Vina cho hay vừa tổ chức hội thảo “Kiến Tạo Tương Lai Từ Giáo Dục STEM” và công bố hợp tác chiến lược với Lego Education, hướng đến mục tiêu truyền cảm hứng học hỏi và tinh thần tự tin bước vào kỷ nguyên mới cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Samsung xúc tiến lan tỏa phương pháp giáo dục STEM ở Việt Nam - Ảnh 1.

Hội thảo "Kiến tạo tương lai từ giáo dục STEM" do Công ty Điện tử Samsung Vina tổ chức, nhận được sự quan tâm và sự tham gia của nhiều chuyên gia uy tín của UNESCO, Sở GD&ĐT TP.HCM, giáo viên các trường tiểu học, trung học và phụ huynh, học sinh trên địa bàn TP.HCM.

Sự kiện đánh dấu một giai đoạn mới trong chuỗi hoạt động Trách nhiệm Doanh nghiệp với cộng đồng (CSR) của Samsung, vốn tập trung vào lĩnh vực giáo dục, truyền cảm hứng học  hỏi cho thế hệ trẻ bằng công nghệ và những mô hình học tập tiên tiến trong nhiều năm qua.

Cuộc đua giáo dục STEM diễn ra trên toàn thế giới

Theo McKinsey Global Institute (Viện nghiên cứu toàn cầu, thuộc Tập đoàn tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới), vào năm 2030 máy tính sẽ thay thế 60% công việc hiện tại, tức là trên 800 triệu người sẽ mất việc.

Thế giới đang chuẩn bị và hành động để thích ứng sự thay đổi. Giáo dục STEM là con đường kiến tạo, là công cụ thay đổi thế giới.

Phương pháp giáo dục bằng các môn khoa học STEM là chữ viết tắt tiếng Anh của bốn từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học).

Phương pháp này cho phép học sinh tham gia giải quyết các vấn đề thực tế thông qua áp dụng kiến thức, hiểu biết và kỹ năng về 4 môn khoa học ứng dụng kể trên một cách tích hợp. STEM đề cao phong cách học hỏi sáng tạo - yếu tố kích thích niềm đam mê học tập của trẻ.

Samsung xúc tiến lan tỏa phương pháp giáo dục STEM ở Việt Nam - Ảnh 3.

Ông Lê Đình Hiếu (Giám đốc Chương trình tìm kiếm tài năng trẻ Talent Hub, Trung tâm Văn hóa Giáo dục UNESCO) chia sẻ tầm quan trọng của giáo dục STEM.

Tại hội thảo "Kiến tạo tương lai từ giáo dục STEM" do Công ty Điện tử Samsung Vina vừa tổ chức, ông Lê Đình Hiếu (Giám đốc Chương trình tìm kiếm tài năng trẻ Talent Hub, Trung tâm Văn hóa Giáo dục UNESCO) dẫn chứng: Trong hai nhiệm kỳ hoạt động, ngay năm đầu tiên 11/2009, Tổng thống Barack Obama đã đưa ra cải tiến giáo dục Educate to Innovate (giáo dục để đột phá). Với cải tiến này, nước Mỹ đã bỏ ra 700 triệu USD và 100.000 giáo viên STEM để thực hiện chiến dịch này.

Năm cuối cùng của nhiệm kỳ (2016), Barack Obama cũng đưa ra một sáng kiến Computer Science forAll (khoa học máy tính và công nghệ), ngân sách chi ra được nâng lên 4 tỷ USD. Điều đó cho thấy người Mỹ đang chi trả rất nhiều cho sự thay đổi của thế giới, trong đó có đầu tư STEM.

Samsung xúc tiến lan tỏa phương pháp giáo dục STEM ở Việt Nam - Ảnh 4.

Hoạt động trải nghiệm thực tế ảo VR tại hội thảo.

Không chỉ riêng cường quốc Mỹ đã hành động, ngay tại quốc gia nhỏ bé Estonia chỉ có tầm 1 triệu người, 50% diện tích bao phủ bởi đồi núi cũng đa đưa STEM vào giáo dục. Nhờ đó giúp Estonia vươn lên thứ 7 thế giới, với nền tảng khoa học kỹ thuật mạnh mẽ. 

Tại nước này, 100% người dân được bầu cử online, 100% trường học được trang bị máy tính và mạng internet khuyến khích nữ giới tham gia vào trong những lĩnh vực như STEM và điều đó đã giúp cho Estonia trở thành nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ có bằng đại học. 

Điều ngạc nhiên nhất là Estonia cho dạy STEM "proge Tiger" từ mẫu giáo, các em học sinh được học lego, logictic từ nhỏ. Điều này giúp học sinh phát triển team work, leader, tư duy sáng tạo, tư duy giải quyết vấn đề cho các em

Không để thế hệ tương lại chịu lạc hậu

Samsung xúc tiến lan tỏa phương pháp giáo dục STEM ở Việt Nam - Ảnh 5.

Tham gia cuộc thi First LEGO League, nhiều học sinh được thể hiện khả năng, trí tuệ, bản lĩnh của mình và đồng đội.

Bây giờ, xã hội đang phát triển, không phải nhanh mà là quá nhanh. Những điều chúng ta học trong nhà trường chỉ 5 đến 10 năm nữa là sẽ hoàn toàn lạc hậu. Do đó, không quan trọng chúng ta học cái gì mà quan trọng là chúng ta học như thế nào. Từ đó có thể thấy rằng, chúng ta bắt buộc phải cho STEM vào trong giáo dục nếu chúng ta không muốn lạc hậu trong tương lai. Ông Bill Gate - Lãnh đạo Tập đoàn Microsoft đã nói rằng, nếu không có STEM thì nước Mỹ sẽ mất vai trò cường quốc.

Ông Phạm Ngọc Tiến - Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào Tạo TP.HCM .

Samsung xúc tiến lan tỏa phương pháp giáo dục STEM ở Việt Nam - Ảnh 7.

Ông Lê Duy Tân (Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM) đánh giá rằng giáo dục STEM không chỉ là một xu thế, mà còn là một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Do đó người Việt, đặc biệt là giới trẻ phải biết để chuẩn bị, để thích ứng.

Hiện nay, một số cơ sở giáo dục tại nước ta, đặc biệt tại TP.HCM đang dần áp dụng mô hình giáo dục STEM.Việc đưa STEM vào giáo dục Việt Nam không chỉ được các đơn vị giáo dục quan tâm, mà các doanh nghiệp cũng ra tay tương trợ.

Samsung xúc tiến lan tỏa phương pháp giáo dục STEM ở Việt Nam - Ảnh 8.

Ông Nguyễn Trí Thông (Giám đốc Truyền thông Công ty Điện tử Samsung Vina) chia sẻ tại hội thảo "Kiến tạo tương lai từ giáo dục STEM".

 "Là tập đoàn điện tử hàng đầu trên thế giới, Samsung luôn quan niệm mang tính nhân văn vào công nghệ, giúp phát triển con người, nâng tầm cuộc sống và kiến tạo một tương lai tốt đẹp là nhiệm vụ trọng tâm. 

Cùng với Lego Education, chúng tôi sẽ đẩy mạnh quá trình nâng cao nhận thức về STEM trong cộng đồng và mang đến những trải nghiệm giáo dục STEM liền mạch, từ trang thiết bị công nghệ đến giải pháp và nội dung", ông Nguyễn Trí Thông (Giám đốc Truyền thông Công ty Điện tử Samsung Vina) tâm huyết.

Về phía Lego Education, bà Đặng Ngọc, đại diện độc quyền của Lego Education tại Việt Nam, chia sẻ: 

"Tại các nước phát triển, giáo dục STEM là tất yếu và chúng tôi muốn nhân rộng điều tất yếu đó tại Việt Nam. Cùng với sự đồng hành của Samsung, tôi tin rằng chúng tôi sẽ có thể đi nhanh và đi xa hơn nữa trong việc khơi gợi niềm cảm hứng học hỏi của các em học sinh, và chúng ta có quyền kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp vì STEM là một trong những công cụ đang làm thay đổi thế giới."

Samsung xúc tiến lan tỏa phương pháp giáo dục STEM ở Việt Nam - Ảnh 9.

Các cuộc thi tạo nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ về khoa học, kỹ thuật cần được quan tâm nhiều hơn.

Khi một đứa trẻ quan sát một con chuồn chuồn, nếu được hướng dẫn với STEM, trẻ sẽ không chỉ dừng lại ở việc biết gọi tên sự vật. Xa hơn, trẻ sẽ được tìm hiểu nguyên lý giúp chuồn chuồn có thể giữ thăng bằng và bay giỏi với đôi cánh mỏng (khoa học), học cách phân tích tỉ lệ hoàn hảo của cơ thể chuồn chuồn (toán học), khám phá cách thức con người áp dụng thuật mô phỏng để chế tạo máy bay (kỹ thuật)… và trên hết, tất cả được hỗ trợ sinh động bởi các thiết bị thông minh (công nghệ).

Hiện nay, một số học sinh, sinh viên Việt Nam cũng đã tiếp cận  STEM.

Anh Trịnh Nhật Đông, phụ huynh em Trịnh Nhật Nam cho biết thay vì chờ đợi, anh tìm hiểu và cho con mình tham gia sinh hoạt ngoại khóa về STEM của ĐH Khoa học Tự nhiên. 

Sau 2 năm con mình tiếp xúc với STEM, anh hào hứng nói về con: "Tôi nhận thấy con phát triển tư duy hơn, đặc biệt về Toán, khả năng suy luận phát triển nhanh và lẹ hơn".

Với làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa, từ khóa STEM nổi lên như một xu hướng giáo dục tất yếu tại các quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. 

Nhiều thời cơ và không ít thách thức cho Việt Nam để bắt nhịp cùng các nước tiên tiến trong việc học hỏi và ứng dụng hiệu quả phương pháp giáo dục STEM.

Samsung xúc tiến lan tỏa phương pháp giáo dục STEM ở Việt Nam - Ảnh 11.

Ông Nguyễn Trí Thông, Giám đốc Truyền thông Cty Điện tử Samsung Vina và bà Đặng Ngọc – đại diện độc quyền của Lego Education tại Việt Nam.

Nội dung hợp tác giữa Samsung và Lego Education trong năm 2018 bao gồm, nhưng không giới hạn, những hoạt động (1) xây dựng và vận hành Học viện STEM thiếu nhi tại TP.HCM với diện tích lên đến 400m2 trong Q2, (2) tổ chức các cuộc thi khuyến khích học hỏi và tìm hiểu về STEM cho giới trẻ như cuộc thi khoa học ứng dụng Robotacon trong Q3, (3) tiến hành các hoạt động đào tạo và sinh hoạt ngoại khóa về STEM cho hệ thống các trường học, với tổng giá trị ban đầu khoảng 300.000 USD.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên