02/12/2021 17:38 GMT+7

Sáng tạo nghệ thuật qua Zoom: Tìm tự do trong bó buộc

XUÂN TÙNG
XUÂN TÙNG

TTO - Những giới hạn của nền tảng họp mặt trực tuyến, nơi kết nối con người khó lòng được tái tạo trọn vẹn, cũng có thể trở thành ngọn nguồn để giới nghệ sĩ tiếp tục suy tư và lao động sáng tạo.

Sáng tạo nghệ thuật qua Zoom: Tìm tự do trong bó buộc - Ảnh 1.

Tác phẩm video "Hồi ký tưởng tượng (?) của người phụ nữ Bắc bộ (?)" được nghệ sĩ Quỳnh Lâm thực hiện trong lúc mắc kẹt ở Mỹ vì dịch COVID-19 - Ảnh: XUÂN TÙNG

Gói ghém những chiêm nghiệm về khoảng cách thời đại dịch, 17 dự án nghệ thuật thể nghiệm đang được trưng bày ở triển lãm nghệ thuật Khoảng cách trắng diễn ra tại Tổ hợp Complex 01 (Hà Nội) đến hết ngày 12-12. Triển lãm là thành quả từ trại sáng tác "Tháng thực hành nghệ thuật MAP" lần thứ 7 do Heritage Space tổ chức.

Năm nay, 20 nghệ sĩ từ nhiều quốc gia được mời cùng suy tưởng về "khoảng cách trắng", đề tài lớn của MAP. Không còn những cuộc gặp trực tiếp, họ tận dụng Zoom và các công cụ họp trực tuyến để thúc đẩy nhau tiếp tục sáng tạo. Trong thành quả của họ, có thể thấy không ít những suy tư về không gian trực tuyến và những giới hạn của nó.

Sáng tạo nghệ thuật qua Zoom: Tìm tự do trong bó buộc - Ảnh 2.

"Cuốn sách của sự hàn gắn tập thể", tác phẩm dài 6 feet (182cm), tượng trưng cho khoảng cách an toàn 6 feet được người Ấn Độ duy trì trong thời kỳ COVID - Ảnh: XUÂN TÙNG

Trong thời gian đại dịch, nghệ sĩ Mỹ Daniel Kerkhoff không khỏi ngần ngại khi phải bật camera, trưng gương mặt mình trong cuộc họp trực tuyến. Ở MAP, Daniel tìm cách biến một cuộc gặp trực tuyến trở thành một buổi thiền đi bộ, nơi người tham gia dạo quanh nơi họ đang sống và chia sẻ hình ảnh họ thấy trên đường đi. Chuyến đi gần một tiếng trên Zoom sau đó được phát lên một bức tường dài tại triển lãm.

Trong một không gian chánh niệm vừa kỳ khôi, vừa thân mật, người tham gia trực tiếp và cả các khách tham quan được nhìn không gian quen thuộc quanh mình bằng một con mắt khác, giúp ta nhận ra nhiều điều mà guồng quay bận rộn thường ngày không cho ta thấy.

Cũng sử dụng nền tảng Zoom, nhà làm phim Mai Huyền Chi (Việt Nam) và nghệ sĩ thị giác Katja Jug (Thụy Sĩ) mời bạn bè và người lạ khắp thế giới chia sẻ các bữa sáng-chiều-tối họ đã ăn trong ngày.

Thời gian được coi như một tấm khung tranh hay một studio trống, nơi vẻ đẹp của sự đa dạng được thể hiện bởi sự thật đơn giản rằng dù ở bất cứ đâu, ta đều nghĩ về câu hỏi "hôm nay ăn gì nhỉ?" đều đặn ba lần một ngày.

Hồng Anh, một nhà làm phim thể nghiệm đang sống tại Hà Nội, tụ họp một nhóm nghệ sĩ qua khuôn khổ trực tuyến của MAP. Họ làm những đoạn phim ngắn bằng ảnh tĩnh theo phong cách hiện thực huyền ảo kiểu Haruki Murakami để gửi cho nhau.

Kết quả những thực tại tách biệt: Hà Nội và Minnesota, hư và thực, mơ mộng và lo âu, ký ức và hy vọng, chìm trong một làn sương phi lý tính nơi chúng có thể cùng tồn tại, cũng là nơi người xem tin rằng có điều gì đó thần kỳ trong những mảnh đời thực của mỗi chúng ta.

Sáng tạo nghệ thuật qua Zoom: Tìm tự do trong bó buộc - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Till Ansgar Baumhauer (Đức) chụp ảnh một tấm thảm Afganistan in hình vũ khí bị rút dần các sợi len như một ẩn dụ cho việc lực lượng quốc tế rút khỏi Afghanistan tháng 8-2021 - Ảnh: XUÂN TÙNG

Số khác nghĩ về các chiều kích vật lý kết nối con người mà các cuộc gặp online thời COVID-19 khó lòng khỏa lấp.

Ruchika Wason Singh (Ấn Độ) trưng bày Cuốn sách của sự hàn gắn tập thể, một cuộn giấy có chiều dài 6 feet (182cm), tượng trưng cho khoảng cách an toàn 6 feet được người Ấn Độ duy trì trong thời kỳ COVID.

Cuốn sách đã chu du từ Ấn Độ đến Sapporo (Nhật Bản), Zurich (Thụy Sĩ), trước khi trở về Ấn Độ. Khoảng cách dài 182cm trong sách cũng được lấp đầy bởi thơ và tranh từ các nghệ sĩ tại mỗi điểm nó đi qua. Không còn màu trắng, thay vào đó là những sắc màu đa dạng từ khao khát kết nối của con người.

Sự kiện trưng bày nhiều cảnh sống đa dạng trên khắp thế giới, với nhiều trường hợp còn xa lạ, hoặc sẽ mãi mãi tách biệt với trải nghiệm của khán giả Việt. Thế nhưng, đây có lẽ cùng là lời mời để mỗi cá nhân "tư duy lại những vùng trống sẵn có trong đời sống thực thể và tâm lý của con người" theo như lời ban tổ chức đề ra.

Thấy gì mới ở Việt Nam qua con mắt nhiếp ảnh gia quốc tế? Thấy gì mới ở Việt Nam qua con mắt nhiếp ảnh gia quốc tế?

TTO - Qua 177 tác phẩm từ 93 tác giả từ khắp thế giới, triển lãm "Việt Nam qua ống kính nhiếp ảnh gia quốc tế" cho thấy hai góc nhìn song đối về Việt Nam.

XUÂN TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên