12/01/2019 11:09 GMT+7

Sao cha mẹ không tin con?

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Hơn 90% học sinh bất đồng với cha mẹ trong giao tiếp - đó là kết quả của đề tài nghiên cứu 'Những bất đồng trong giao tiếp với cha mẹ của học sinh THPT'.

Sao cha mẹ không tin con? - Ảnh 1.

Triệu Minh Tài (bìa trái) giải thích về sự bất đồng giữa cha mẹ và con cái với bạn đồng trang lứa - Ảnh: H.HG.

Đề tài do Triệu Minh Tài, học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM thực hiện.

Gian hàng của Tài tại Hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học (do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong sáng 8-1) có rất nhiều học sinh tập trung như tìm sự chia sẻ.

Không tin con điều gì

Hai nam sinh Đ. và D. đứng rất lâu tại gian hàng rồi Đ. bộc bạch: "Mình quan tâm đến đề tài này vì chính bản thân mình cũng rơi vào trường hợp tương tự. Mẹ không bao giờ nghe và cũng không bao giờ tin mình nói.

Lúc nào mẹ cũng nghĩ mình là đứa kém cỏi, chỉ mê chơi chứ không chịu học hành đàng hoàng. Học kỳ 1 vừa qua, mình bị điểm môn hóa thấp và đã giải thích lý do. Bù lại, điểm các môn còn lại của mình khá cao.

Thế nhưng, mẹ không thèm quan tâm đến những điều mình nói mà cứ một mực chất vấn với các câu hỏi: Học hành gì kỳ vậy? Điểm như vậy làm sao đạt học sinh giỏi?...

Khi họp phụ huynh về, mẹ cầm cuốn sổ liên lạc trong tay và tiếp tục chất vấn những câu cũ. Điều đó chứng tỏ mẹ không hề lắng nghe và rất coi trọng điểm số. Mẹ đâu biết thời gian học và làm dự án sẽ phát triển được rất nhiều kỹ năng cần thiết, ích lợi hơn rất nhiều con điểm 10".

Dường như còn buồn, Đ. nhận xét luôn: "Mà bây giờ các bậc phụ huynh giống nhau lắm. Thằng bạn em nè (chỉ sang D.), nó đang ngồi trên máy tính để làm dự án cho kịp tiến độ thì mẹ chạy đến quát: làm gì mà khuya không chịu đi ngủ, còn chat chit?

Thế là tắt máy cái "bụp", không cần nghe giải thích gì cả. Mình phải thức nguyên đêm làm thay cho bạn, nếu không thì nhóm sẽ không hoàn thành nhiệm vụ".

D. kể mẹ không bao giờ nghe D. giải thích rằng mình đã học lớp 10, thầy cô cho làm dự án, cần học và làm bài trên máy tính. Cứ mỗi lần thấy D. mở máy là mẹ la: học không lo học, suốt ngày lo chat chit với chơi game. Mấy lần đầu D. còn phân bua, những lần sau nghe riết rồi "chai" luôn, mẹ nói gì D. cũng im.

"Nhưng kinh khủng hơn, cứ mỗi tối thấy mình ngồi trên máy tính là mẹ hạch hỏi: Làm gì đến giờ không đi ngủ? Khi mình giải thích là làm bài, mẹ lại "vặn" sao không làm từ chiều? Trời, chẳng lẽ mẹ không biết buổi chiều mình còn đi học thêm, rửa chén, chuẩn bị bài cho ngày mai. Đến tối mình mới có thời gian làm dự án. Lâu dần mình không muốn nói chuyện với mẹ nữa" - D. phân trần.

Các môn đều phải giỏi (?)

Triệu Minh Tài cho biết lý do chọn đề tài này vì câu chuyện thực tế của một người bạn thân. Bạn ấy học giỏi các môn khoa học xã hội nhưng điểm thi các môn khoa học tự nhiên lại rất yếu. Thế là cha mẹ bạn ấy thường xuyên chất vấn với những câu hỏi tại sao. Thậm chí còn kết luận "suốt ngày lo yêu đương vớ vẩn" khiến bạn ấy rất bức xúc, cãi lại cha mẹ. Bất đồng giữa hai bên càng ngày càng lớn...

H., một học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đứng ở gian hàng nghe vậy cũng đồng tình: "Mình cũng tương tự. Ba mẹ muốn mình phải giỏi đều tất cả các môn, thật sự là ngoài khả năng của mình. Các môn được 9-10 thì không có lời khen, các môn thấp thì hàng loạt câu chất vấn. Những câu hỏi của ba mẹ khiến mình và ba mẹ cảm thấy ngày càng xa nhau".

Đ. còn kể với giọng đầy tâm tư: "Khó chịu nhất là cái vụ so sánh con cái với một hình mẫu nào đó. Ngay cả phương pháp học tập của mình cũng bị đem ra so sánh.

Mình có chị họ đi học cách đây cả chục năm với môn tiếng Anh chủ yếu là đọc và viết. Còn mình bây giờ học tiếng Anh có cả nghe và nói, không chỉ học qua tài liệu mà còn lên YouTube để học hỏi thêm, thế cũng bị mắng là vẽ vời, nhiều chuyện. Dần dần, mình đâm ra ghét chị họ luôn".

Với câu hỏi về tần suất xảy ra những bất đồng trong giao tiếp giữa học sinh và cha mẹ ở 600 học sinh khối 10, 11, 12 tại Trường THPT Lương Thế Vinh, có 40% học sinh trả lời: rất thường xuyên xảy ra, 55% là khá thường xuyên.

Tài cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến các bất đồng trong giao tiếp giữa cha mẹ và con cái là học sinh THPT chính là thiếu sự thấu cảm. Người lớn không hiểu cho cảm giác, mong muốn của con cái, học sinh không đặt mình vào vị trí của cha mẹ để thấu hiểu cho những áp lực của đấng sinh thành.

Tại sao con phải 9, 10 điểm cha mẹ mới an lòng? Tại sao con phải 9, 10 điểm cha mẹ mới an lòng?

TTO - Dù con giỏi hay chưa giỏi, các con vẫn là tài sản vô giá của cha mẹ. Tại sao cha mẹ cứ mặc định con phải giỏi, phải đạt 9, 10 thì mới an lòng?

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên