31/10/2022 14:58 GMT+7

Sau 5 năm bị thẻ vàng IUU, bức tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam ở EU ra sao?

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Dù giá trị xuất khẩu hải sản Việt Nam sang EU vẫn tăng nhưng trong cả bức tranh chung xuất khẩu thủy sản, vị thế của EU ngày càng mờ nhạt và thu hẹp vì ảnh hưởng thẻ vàng IUU.

Sau 5 năm bị thẻ vàng IUU, bức tranh xuất khẩu thủy sản Việt Nam ở EU ra sao? - Ảnh 1.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU ngày càng mờ nhạt và thu hẹp vì ảnh hưởng thẻ vàng IUU - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Đó là nhận định của Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) khi những ngày cuối tháng 10, trước sự kiện phái đoàn thanh tra EU sang kiểm tra thực tế ngành khai thác hải sản Việt Nam thực hiện các khuyến nghị chống khai thác IUU như thế nào, có những cải thiện nào đáng ghi nhận.

Theo thống kê của Cục Hải quan, hiện nay khối thị trường EU27 (Liên minh châu Âu gồm 27 nước thành viên) chiếm 12% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đứng thứ 4 sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hong Kong.

Đến hết quý 3, thị trường EU đóng góp một gam màu tươi sáng với giá trị đã chạm mốc 1 tỉ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, xuất khẩu các sản phẩm hải sản khai thác biển chỉ chiếm 26% giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU, tăng 29%. 

Theo VASEP nhận định, một năm đầy biến động như chiến sự, lạm phát, mất giá tiền tệ… doanh nghiệp thủy sản ảnh hưởng nặng nếu thẻ vàng IUU vẫn chưa được tháo gỡ hoặc xảy ra tình thế xấu hơn…

"Bản thân thẻ vàng IUU có những ảnh hưởng, nhưng càng rõ nét hơn khi xung đột Nga - Ukraine khiến cho giá xăng dầu tăng vọt; ngư dân các tỉnh ven biển không thể ra khơi. Nguyên liệu khai thác vốn khan hiếm lại càng bị thắt chặt và riêng cho thị trường EU còn thiếu hụt hơn nữa vì những thủ tục làm giấy xác nhận, chứng nhận bất cập và khó khăn", VASEP nhận định. 

Hết quý 3, nếu như xuất khẩu hải sản khai thác của Việt Nam đã mang về trên 3,4 tỉ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái và thị trường dẫn đầu là Nhật Bản, tiếp theo là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc thì thị trường EU chiếm tỉ trọng thấp nhất (sản phẩm hải sản khai thác như cá ngừ, mực, bạch tuộc, điệp, cá tuyết, ghẹ… hiện EU chỉ chiếm 8% tổng giá trị xuất khẩu).

Như vậy, dù giá trị xuất khẩu hải sản sang EU vẫn tăng nhưng trong cả bức tranh xuất khẩu thủy sản nói chung và hải sản nói riêng của Việt Nam, vị thế của EU ngày càng mờ nhạt và thu hẹp, chủ yếu vì ảnh hưởng của thẻ vàng IUU.

Nguyên nhân khác nữa là EU và nhiều thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản đang ngấm đòn lạm phát, những tháng cuối năm, giá cả hàng hóa và sinh hoạt đều tăng, do vậy người tiêu dùng phải cân nhắc và thắt chặt chi tiêu. Vì thế, xuất khẩu thủy sản sang EU chững lại, nhiều đơn hàng bị đề nghị hoãn lại.

Cũng theo VASEP, dự kiến xuất khẩu thủy sản 3 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 2,3 tỉ USD và mục tiêu 10 tỉ USD dự kiến sẽ đạt được vào cuối tháng 11. Trong đó, thị trường EU dự kiến đạt khoảng 1,3 tỉ USD năm 2022.

Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Năm 2017, Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh cáo thẻ vàng vì không tuân thủ quy định IUU. Điều này đồng nghĩa thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất, tức doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh hơn.

Kinh tế EU suy thoái, các nước Đông Nam Á bị ảnh hưởng Kinh tế EU suy thoái, các nước Đông Nam Á bị ảnh hưởng

TTO - Do những hợp tác gắn bó về kinh tế và thương mại với châu Âu, khu vực Đông Nam Á chắc chắn không tránh khỏi những tác động lớn nếu một cuộc suy thoái kinh tế xảy ra tại Liên minh châu Âu (EU).

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên