26/10/2021 08:39 GMT+7

Sau nghị quyết 128, chữa trị F0 có gì khác?

HOÀNG LỘC - XUÂN MAI
HOÀNG LỘC - XUÂN MAI

TTO - Trong bối cảnh mở cửa "sống chung với dịch", dự báo số ca F0 trong cộng đồng có thể gia tăng ở một số địa phương, trong đó có TP.HCM, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh phía Bắc.

Sau nghị quyết 128, chữa trị F0 có gì khác? - Ảnh 1.

Bác sĩ Đặng Vũ Hiệp (trạm y tế lưu động phường 11, quận Tân Bình) thăm khám cho F0 điều trị tại nhà - Ảnh: D.PHAN

Tuy nhiên, tâm thế và cách ứng xử với các ca F0 cũng sẽ rất khác khi các địa phương đã có căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch theo nghị quyết 128 của Chính phủ và quyết định số 4800 của Bộ Y tế.

Y tế phường rất quan trọng

Trao đổi Tuổi Trẻ ngày 25-10, bác sĩ Lâm Phước Trí - trưởng Trạm y tế phường Tân Quý (quận Tân Phú) - cho biết hiện toàn quận và phường Tân Quý đang thuộc vùng vàng và qua xét nghiệm nhanh người có triệu chứng và khu vực nguy cơ cao đã phát hiện nhiều trường hợp dương tính với COVID-19.

Quy trình xử lý F0 tại phường được thực hiện theo hình thức "cuốn chiếu", nghĩa là phát hiện ca F0 ở khu vực nào, xử lý nhanh khu vực đó. Nếu F0 đủ điều kiện thì sẽ cách ly tại nhà, chính quyền địa phương không phong tỏa mà chỉ giăng dây, treo bảng trước nhà. Riêng với trường hợp người bệnh không đủ điều kiện mới phải đưa đi cách ly tập trung.

Theo ông, hiện phường quản lý 62 trường hợp F0 đang cách ly tại nhà, ghi nhận tất cả đều tiêm vắc xin mũi 1 và mũi 2, không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. 

Người bệnh ngoài được cấp túi thuốc, khi cần hỗ trợ hay gặp bất kỳ triệu chứng gì bất thường sẽ chủ động liên lạc qua nhóm Zalo nhân viên y tế hoặc gọi đến số tổng đài của trạm y tế phường để được hướng dẫn, xử trí. "Đường dây nóng trạm y tế vẫn hoạt động 24/24 giờ để hỗ trợ người dân" - bác sĩ Trí chia sẻ thêm.

Tuy vậy, với việc cùng lúc phải đảm trách công việc từ khối điều trị lẫn dự phòng (tiêm ngừa vắc xin, các bệnh truyền nhiễm khác), trạm y tế phường cũng đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt sau khi lực lượng bác sĩ quân y rút quân. 

Theo bác sĩ Trí, hiện trạm chỉ còn 9 nhân viên y tế nhưng phải lo cho khoảng 70.000 người dân, do đó phát sinh nhiều việc phải xử lý, có khi làm liên tục, không có ngày nghỉ.

Tại quận "vùng xanh" Gò Vấp, phó chủ tịch UBND quận Đỗ Anh Khang cho biết dù lực lượng bác sĩ quân y đã dần rút quân nhưng quận vẫn đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ phòng chống dịch. 

Việc xử lý F0 trong tình hình mới được triển khai theo quy trình chung của TP, tức áp dụng xét nghiệm nhanh có trọng điểm tại khu vực nguy cơ cao nhằm đánh giá mức độ dịch, từ đó quyết định phạm vi khoanh vùng hẹp nhất có thể. 

Các trạm y tế lưu động, tổ phản ứng nhanh, các khu tiếp nhận điều trị trên địa bàn vẫn sẽ duy trì hoạt động và chú tâm những phường có nguy cơ cao, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Huyện Bình Chánh là địa phương đầu tiên của TP áp dụng quy trình phát hiện, xử lý F0 trong tình hình mới. Và nhờ áp dụng quy trình này, địa phương đã kịp thời phát hiện, xử trí 78 ca F0. 

"Sau khi TP nới lỏng giãn cách, người dân được ra đường và tiếp xúc nhiều hơn dẫn đến việc lây lan dễ dàng hơn. Do đó để vừa kiểm soát được dịch vừa duy trì các hoạt động xã hội, người dân cần tuân thủ nghiêm túc 5K và tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19" - vị đại diện địa phương này khuyến cáo.

Sau nghị quyết 128, chữa trị F0 có gì khác? - Ảnh 2.

Chỉ giăng dây nhà có F0, không phong tỏa cả con hẻm như trước đây (ảnh chụp ở phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM tháng 9-2021) - Ảnh: N.C.THÀNH

Khi nào F0 phải vào bệnh viện?

Ngành y tế TP.HCM vừa có tờ trình xin ý kiến ban hành hướng dẫn tạm thời về "quy trình phát hiện và xử lý F0 tại cộng đồng". 

Theo hướng dẫn này, việc xác định và quản lý chăm sóc các ca F0 trong tình hình mới được dựa trên nhiều nguồn, bao gồm tra cứu danh sách F0 được công bố trên phần mềm quản lý chuỗi lây nhiễm, từ xét nghiệm tầm soát, từ ổ dịch và từ người dân tự làm xét nghiệm. 

Trạm y tế, đặc biệt y tế lưu động, vẫn đóng vai trò quan trọng, là cầu nối tiếp nhận, chăm sóc cũng như quản lý các F0.

Theo đó, với một F0 điều trị tại nhà sẽ được thăm khám, đánh giá dấu hiệu suy hô hấp; nếu thở nhanh hoặc khó thở hoặc SpO2 (nồng độ oxy bão hòa trong máu) dưới 96% khẩn trương gọi tổ phản ứng nhanh cấp cứu hoặc chuyển vào bệnh viện. 

Còn với người bệnh không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ sẽ được cách ly điều trị tại nhà (nếu đủ điều kiện hoặc chuyển bệnh viện nếu không đủ điều kiện), được cấp túi thuốc A-B-C.

Trong thời gian này, hộ gia đình có F0 phải cách ly trong 14 ngày, đồng thời dán biển cảnh báo trước nhà với nội dung: "Địa điểm cách ly y tế phòng chống COVID-19". Hộ gia đình sẽ được lấy mẫu vào ngày thứ 14 để kết thúc cách ly. Trong thời gian cách ly, nếu phát hiện thêm F0 cùng hộ thì những người còn lại trong hộ cũng không bị tính thêm thời gian cách ly.

Bên cạnh đó, ổ dịch trong cộng đồng được xác định dựa vào các yếu tố như số hộ gia đình có ca F0; tính chất của địa bàn dân cư (đặc điểm nhà ở, mức độ giao lưu, mật độ dân số...); tình trạng tiêm chủng; đã từng là ổ dịch cũ (trong vòng 6 tháng)... 

Việc điều tra, bao vây dập dịch được triển khai thông qua việc huy động lực lượng xét nghiệm nhanh trong vòng 2 - 4 giờ cho tất cả người dân nhằm xác định các hộ có F0 mới; xét nghiệm 2 ngày/lần cho đến khi không còn phát sinh F0 mới.

Tương tự như xử lý ca F0 tại hộ gia đình, trạm y tế lưu động sẽ vào cuộc chăm sóc F0 và quyết định việc cho cách ly điều trị tại nhà hay chuyển đến bệnh viện. Trong quá trình quản lý ổ dịch, các lực lượng chuyên môn thường xuyên đánh giá, từ đó có quyết định mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi các ổ dịch.

Trạm y tế lưu động: "Tinh gọn theo số F0 phát sinh"

PGS.TS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho rằng hiện số ca mắc mới của TP có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao (tương ứng mức 3 - nguy cơ cao).

Tuy vậy, nhờ tỉ lệ tiêm vắc xin của người trên 18 tuổi đạt trên 99% và nhất là tỉ lệ tiêm đủ liều của người trên 65 tuổi đã đạt gần 90%, do đó TP được "đặc cách" xếp vào nhóm nguy cơ trung bình (mức 2).

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, một đại diện Sở Y tế TP cho biết sau khi lực lượng chi viện hỗ trợ các trạm y tế lưu động rút lui, các trạm này vẫn sẽ được duy trì theo hướng tinh gọn tùy thuộc vào số lượng F0 trên địa bàn.

"Nhân lực chăm sóc điều trị F0 hiện tại sẽ do các quận huyện làm nòng cốt, nếu cần các bệnh viện TP sẽ chi viện. Trước mắt, TP có kiến nghị Bộ Y tế chưa rút quân chi viện tại một số quận huyện có số ca F0 còn cao" - đại diện ngành y tế TP nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long:

Còn địa phương áp dụng cứng nhắc

Qua 10 ngày thực hiện nghị quyết 128 và quyết định 4800, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá các địa phương cơ bản đáp ứng, linh hoạt triển khai theo tinh thần thực tế của địa phương. Tuy nhiên vẫn còn một vài nơi áp dụng cứng nhắc.

Theo ông Long, một trong những tiêu chí phân loại cấp độ dịch là độ bao phủ vắc xin. Do đó đề nghị các địa phương đã được phân bổ vắc xin phải tăng tốc tiêm chủng.

Bên cạnh đó, ông Long lưu ý các địa phương cần phong tỏa và cách ly nhỏ nhất có thể, theo phạm vi chỉ vài nhà trong một ngõ hay một vùng nhỏ trong một xã, phường. Trong vùng phong tỏa, cách ly nhỏ cần làm xét nghiệm nhiều vòng lặp lại.

"Xác định khoanh vùng nhỏ nhất để dập dịch, không ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của người dân và không lãng phí nguồn lực chống dịch" - bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Vẫn có tỉnh muốn chống dịch ngặt hơn NQ 128

Hòa Bình

Hòa Bình là tỉnh đầu tiên có kiến nghị. Ngày 25-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Toàn - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hòa Bình - cho biết theo ghi nhận thực tế vừa qua tỉnh có tiếp nhận nhiều công dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam trở về, thông báo đã khỏi bệnh hoặc âm tính song khi xét nghiệm lại phát hiện dương tính.

Vì vậy, những trường hợp từ vùng dịch trở về tỉnh Hòa Bình vẫn yêu cầu cách ly tập trung 7 ngày và tỉnh hỗ trợ toàn bộ chi phí cách ly, xét nghiệm.

Ông Toàn cho biết nguồn lực của tỉnh Hòa Bình còn hạn chế, nếu xảy ra bùng phát dịch bệnh trên diện rộng thì khả năng đáp ứng của tỉnh rất khó đảm bảo cho công tác cách ly, điều trị với số lượng lớn. Số người đã được tiêm vắc xin mũi 1 trong tỉnh hiện cũng chưa đến 50%.

"Hiện tại Chính phủ chưa có trả lời về đề nghị của tỉnh, nhưng qua hội nghị đánh giá kết quả thực hiện 10 ngày nghị quyết 128, lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhất trí các tỉnh phải kiểm soát chặt chẽ hơn và áp dụng linh hoạt các quy định phòng chống dịch" - ông Toàn nói.

Quảng Ninh

Từ ngày 12-10 đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 38 ca dương tính, trong đó có 9 trường hợp di chuyển về từ các địa bàn có dịch và có dấu hiệu đã cách ly tại nhà chưa nghiêm.

Trước tình hình trên, ngày 25-10 tỉnh Quảng Ninh quyết định người đến từ các địa bàn có dịch (cấp 4 - vùng màu đỏ, cấp 3 - vùng màu cam) nếu đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 thì cách ly y tế tập trung 7 ngày.

Người chưa tiêm đủ liều hoặc liều thứ hai chưa qua 14 ngày thì cách ly tập trung 14 ngày. Chi phí cách ly tập trung (gồm phí sinh hoạt, ăn uống) của người dân trong thời gian cách ly tập trung sẽ do UBND cấp huyện bố trí, người dân không phải chi trả.

Người mới được công bố khỏi bệnh COVID-19 chưa quá 6 tháng khi về tỉnh phải cách ly y tế tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7.

Hải Phòng

Trước đó, ngành y tế Hải Phòng đã ban hành hướng dẫn biện pháp kiểm soát giống với biện pháp như Quảng Ninh vừa áp dụng. Tuy nhiên, phần kinh phí cách ly sẽ do người dân tự chi trả, trường hợp vướng mắc phải báo cáo UBND TP để xem xét, giải quyết.

Trước tình hình nhiều tỉnh ở phía Bắc xuất hiện F0, một số tỉnh đã có công văn gửi Thủ tướng đề nghị được áp dụng các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ hơn so với quy định tại nghị quyết số 128.

Xét nghiệm, cách ly là phù hợp

Bà Phạm Thu Xanh, tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh phòng chống COVID-19 TP Hải Phòng, cho rằng việc quy định xét nghiệm và thực hiện cách ly đối với người đến từ một số vùng nguy cơ là phù hợp theo nghị quyết 128 của Chính phủ, trong đó có nêu rõ UBND các tỉnh thành có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung nhưng không trái với quy định của trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh.

D.TRỌNG - T.THẮNG

Miền Tây bình tĩnh xử lý ca F0 tăng

teim vc an giang

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại huyện Phú Tân (An Giang) - Ảnh: B.ĐẤU

Việc nới lỏng đi lại đã kéo theo số ca F0 tăng lên tại một số địa phương ở ĐBSCL, nhưng khác với trước đây, hiện tại các địa phương đã bình tĩnh xử lý, khoanh vùng dịch trong phạm vi hẹp và thần tốc truy vết, cuộc sống của người dân theo đó cũng ít bị xáo trộn hơn.

Chẳng hạn trong ngày 24-10, tỉnh Tiền Giang đã phát hiện 2 công ty chế biến thủy hải sản không thực hiện đúng quy định phòng chống dịch nên đã phát sinh 2 ổ dịch tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành. Xã này được ngành y tế địa phương chuyển từ "cấp độ 1" (vùng xanh) lên "cấp độ 4" (vùng đỏ) nhưng chỉ phong tỏa phạm vi hẹp đối với 2 doanh nghiệp nói trên chứ không phong tỏa diện rộng như cách làm trước đây.

Tương tự, tại Bến Tre, ông Ngô Văn Tán - giám đốc Sở Y tế Bến Tre - cho biết thời gian qua xuất hiện một vài ổ dịch trên địa bàn và tỉnh cũng chỉ phong tỏa phạm vi hẹp, truy vết thần tốc.

Ngoài việc truy vết và khoanh vùng dập dịch, một số nơi vẫn đang tiếp tục thành lập bệnh viện dã chiến để đề phòng dịch bùng phát trở lại. Như tại huyện Chợ Mới (An Giang), ngoài việc công bố dịch cấp độ 4 còn thành lập bệnh viện dã chiến có sức chứa 500 giường.

Ông Lê Nguyên Châu - chủ tịch UBND huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) - cho biết: "Bây giờ phải sống chung với dịch COVID-19 theo hướng thích ứng, an toàn, linh hoạt. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều đó phải bao phủ vắc xin toàn huyện. Hiện tại 18 xã, thị trấn của huyện đã có trên 70% tiêm mũi 1, mũi 2 đạt 11%. Dự kiến cuối tháng 11 sẽ đạt độ bao phủ 100% mũi 1.

Tại Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh - cũng cho biết ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch được nâng cao. Người dân, doanh nghiệp bắt đầu thích nghi với cuộc sống mới, đây là tín hiệu rất mừng.

"Qua tuyên truyền, người dân Sóc Trăng ý thức được ý nghĩa của việc tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19 nên hưởng ứng nhiệt tình. Điều này lý giải vì sao tiến độ tiêm vắc xin của tỉnh trong những ngày gần đây tăng nhanh" - ông Lâu chia sẻ.

Từ chỗ chỉ đạt tỉ lệ tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 chỉ hơn 18% dân số trên 18 tuổi, chỉ trong 10 ngày qua, con số này ở Sóc Trăng tăng lên gần 82% (tính đến ngày 24-10). "Ngoài đẩy mạnh tiêm ngừa vắc xin, Sóc Trăng đang tập trung công tác dịch tễ, quyết tâm phủ 100% tiêm ngừa cho người dân" - ông Lâu cho biết.

M.TRƯỜNG - B.ĐẤU - K.TÂM

TP.HCM yêu cầu khẩn trương xác định cấp độ dịch theo nghị quyết 128 TP.HCM yêu cầu khẩn trương xác định cấp độ dịch theo nghị quyết 128

TTO - UBND TP.HCM yêu cầu Sở Y tế khẩn trương xác định cấp độ dịch của TP, tham mưu xây dựng kế hoạch về triển khai thực hiện nghị quyết số 128 của Chính phủ, trình UBND TP thông qua trong ngày 22-10.

HOÀNG LỘC - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên