27/07/2020 10:11 GMT+7

Singapore 'dĩ bất biến, ứng vạn biến'

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã công bố nội các mới hôm 25-7 với sự hiện diện của nhiều gương mặt cũ trong chính phủ kỳ trước.

Singapore dĩ bất biến, ứng vạn biến - Ảnh 1.

7 gương mặt mới trong nội các mới 37 người của Thủ tướng Lý Hiển Long - Ảnh chụp màn hình báo Straits Times

Có người bình luận nội các mới đã cho thấy tinh thần "dĩ bất biến, ứng vạn biến" của ông Lý: giữ lại những người đã chứng minh được năng lực (bất biến) để đương đầu với những tác động khôn lường của COVID-19 (vạn biến).

"Không ai có thể nói tình hình COVID-19 sẽ phát triển như thế nào hoặc cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ kéo dài bao lâu. Tôi sẽ chỉ trao lại một Singapore vận hành tốt cho lớp kế nhiệm và tôi sẽ làm điều đó ngay khi có thể" - ông Lý nói về quyết định tiếp tục làm thủ tướng trong cuộc họp báo ngày 25-7.

“Tôi đã đưa tới đây tất cả những người trẻ mà tôi nghĩ là có tiềm năng nhất, có thể tiếp tục phát triển và trở thành những rường cột trong nội các mới của một nhà lãnh đạo mới.

Thủ tướng Singapore LÝ HIỂN LONG

Khủng hoảng thế hệ đòi hỏi "giải pháp thế hệ"

Theo danh sách báo Straits Times công bố ngày 26-7, Thủ tướng Lý Hiển Long đã giữ lại gần như toàn bộ các bộ trưởng trong nhiệm kỳ trước và điều duy nhất ông làm là thay đổi nơi làm việc của họ. Chẳng hạn, người trước đây là bộ trưởng giáo dục giờ chuyển sang làm bộ trưởng giao thông vận tải, bộ trưởng phát triển quốc gia chuyển về bộ giáo dục.

"Tôi đang luân chuyển các bộ trưởng, đặc biệt là những người nhỏ tuổi hơn, tới các lĩnh vực mới để tiếp xúc và học hỏi kinh nghiệm. Họ phải có cả chiều sâu lẫn chiều rộng để hiểu được những vấn đề của đất nước và nhìn mọi thứ bằng nhiều lăng kính khác nhau" - ông Lý giải thích chuyện "bình mới rượu cũ" như cách gọi của một số người chống đối.

Theo ông Lý, bởi vì các chính trị gia mới vẫn còn quá trẻ trong lúc Singapore đang trải qua "một cuộc khủng hoảng thế hệ", ông tự thấy cần phải tiếp tục giữ lại các chính trị gia thuộc thế hệ thứ 3 như những người cố vấn và chỉ dạy lớp trẻ. "Đây không phải là một thời gian bình thường. Chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đối phó với một tình huống không chắc chắn và biến đổi mỗi ngày. Chúng ta đang chạy đua để giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát và nếu không muốn bị vùi dập bởi các biến cố, phải ưu tiên cho kinh nghiệm".

Trong lúc nhiều người Singapore đồng ý cần phải có sự ổn định vào thời điểm hiện tại, phát ngôn của ông Lý khiến vài người nghĩ ông sẽ "buông rèm nghe chính sự" sau khi rời ghế thủ tướng. Chính trị gia năm nay 68 tuổi này đã từng tuyên bố sẽ rút khỏi chính trường trước năm 70 tuổi, nhưng sự xuất hiện của dịch COVID-19 dường như đã làm chệch hướng mọi dự định.

"Tôi muốn sát cánh tiếp cùng các đồng đội của mình, những người đã tham gia cuộc chiến với đại dịch từ buổi đầu đến nay. Tôi không ngại chuyện dùng những người trẻ tài năng. Nhưng không phải ai tôi cũng thuyết phục được họ dấn thân vào chính trường hay thắng cử để đàng hoàng bước vào nội các. Tôi đã đưa tới đây tất cả những người trẻ mà tôi nghĩ là có tiềm năng nhất, có thể tiếp tục phát triển và trở thành những rường cột trong nội các mới của một nhà lãnh đạo mới" - Thủ tướng Lý trấn an những lo ngại ông tham quyền cố vị.

Phẩm chất lãnh đạo thời loạn

Với việc Đảng Hành động nhân dân của ông Lý chỉ giành được 61% phiếu ủng hộ trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, nhiều người tin rằng sẽ có một cuộc "thay máu" trong nội các mới để vớt vát lại niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, người ta chỉ thấy duy nhất một gương mặt mới trong dàn bộ trưởng là ông Tan See Leng - người lần đầu tiên đắc cử nghị sĩ. Sự xáo trộn mạnh nhất diễn ra ở trong cấp quốc vụ khanh, với 6/16 người là những nghị sĩ mới thắng cử và chưa từng giữ vị trí chính trị nào trước đây.

Do đó, không ngạc nhiên khi ông Lý bị chất vấn về năng lực của những người mới ngay ở câu hỏi đầu tiên trong họp báo. "Nhiều nghị sĩ vừa mới đắc cử đã được đẩy lên vị trí cao, như ông Tan See Leng chẳng hạn. Ông nghĩ họ có phẩm chất gì và liệu họ đủ sức đảm nhận trọng trách lớn khi được cất nhắc trong thời gian ngắn như vậy không, nhất là trong lúc Singapore đang trải qua một cuộc khủng hoảng?" - phóng viên của Đài Channel News Asia nêu vấn đề.

"Các cam kết với nhân dân, khả năng lãnh đạo và kinh nghiệm - chúng tôi đã luôn đặt lên hàng đầu 3 tiêu chí đó khi tìm kiếm các gương mặt mới và phải nói đó không phải là việc dễ dàng" - ông Lý nêu 3 tiêu chí. Thủ tướng Singapore lập luận rằng nội các cần những người thuộc khu vực tư nhân, dù "non" kinh nghiệm chính trị nhưng am hiểu cuộc sống.

"Họ là những người đã điều hành một công ty để biết lời lỗ ra sao, hiểu rõ những tác động cuối cùng của các chính sách mà chính phủ đã ban hành, cách mà các chính sách này tác động tới từng người dân và doanh nghiệp ra sao. Những người đó sẽ giúp chính phủ của tôi biết làm thế nào để tốt cho mọi người và giúp họ giải quyết vấn đề thay vì làm mọi thứ trở nên phức tạp dù trong đầu đã có ý tốt" - ông Lý bảo vệ sự lựa chọn của mình.

Ở thời điểm mà nhiều người Singapore tin rằng đây là giai đoạn khó khăn nhất đời họ, không ít người đã ca ngợi quyết định "không nhảy khỏi thuyền" của ông Lý và những lựa chọn của ông cho chính phủ mới. Nhưng vẫn sẽ không thiếu sự hoài nghi - những thứ sẽ không biến mất cho đến khi ông Lý giữ được con thuyền "Singapore" tiến về phía trước, nhưng trước mắt là không bị chìm trong "bão tố" COVID-19.

Huawei gặp thách thức lớn ở Đông Nam Á khi bị Singapore, Việt Nam phớt lờ Huawei gặp thách thức lớn ở Đông Nam Á khi bị Singapore, Việt Nam phớt lờ

TTO - Ưu thế của nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới Huawei tại khu vực Đông Nam Á có nguy cơ bị đe dọa sau khi Singapore, Việt Nam lựa chọn hợp tác với các đối thủ của Huawei tại châu Âu.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên