27/11/2021 08:09 GMT+7

Số ca F0 tăng mạnh tại Tây Nam Bộ, ngành y tế quá tải

T.LŨY - K.TÂM - C.HẠNH - L.ANH
T.LŨY - K.TÂM - C.HẠNH - L.ANH

TTO - Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 mới tại TP Cần Thơ liên tục tăng cao, từ 800 đến trên 1.300 ca/ngày.

Số ca F0 tăng mạnh tại Tây Nam Bộ, ngành y tế quá tải - Ảnh 1.

Các thành viên đội y tế lưu động thuộc Trường ĐH Y dược Cần Thơ hỗ trợ thăm khám, phát thuốc tại nhà cho F0 - Ảnh: THANH PHƯƠNG

Và không chỉ Cần Thơ, số ca nhiễm mới tại hầu hết các tỉnh miền Tây Nam Bộ cũng liên tục tăng trong thời gian gần đây. Từ đó tạo áp lực lên hệ thống y tế từ cơ sở chăm sóc F0 tại nhà đến các bệnh viện tiếp nhận điều trị và cấp cứu.

Tây Nam Bộ oằn mình chống dịch

Số mắc COVID-19 tại khu vực Tây Nam Bộ đang gia tăng mạnh trong hơn 1 tuần gần đây và là khu vực có số mắc cao nhất nước. Cụ thể ngày 25-11 Tây Nam Bộ đã xếp ở vị trí đầu về số mắc, với tổng số 5.043 ca của cả 13 tỉnh thành, "đẩy" Đông Nam Bộ xuống vị trí thứ 2, với 4.486 ca.

Trong danh sách các tỉnh thành có số mắc cao, Cần Thơ đang là địa phương có số ca tăng nhanh. Ngày 25-11 Cần Thơ ở vị trí số 2 cả nước về số ca mắc mới. 

Theo số liệu của Sở Y tế Cần Thơ, hiện có 8 bệnh viện tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 ở cả 3 tầng điều trị. Tổng số ca bệnh đang điều trị là 3.056, số giường kế hoạch là 3.100 giường. 

Trong đó, đặc biệt lo ngại quá tải ở tầng điều trị bệnh nhân nặng (tầng 3) hiện nay là 139 bệnh nhân, trong khi tổng số giường dành cho bệnh nhân tầng 3 là 200 giường.

Ông Cao Hoàng Anh - phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - cho biết trước mắt ngành y tế chỉ đạo các bệnh viện kê thêm giường, nâng công suất tiếp nhận bệnh. Tăng cường tiếp nhận điều trị ca F0 nhẹ tại nhà. 

Hiện có 6.841 F0 đang điều trị tại nhà và 7.319 F1 đang cách ly y tế tại nhà. Do tình trạng quá tải điều trị bệnh nhân nặng, sở đã có văn bản trình UBND TP đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị y tế và nhân lực điều trị; đồng thời xin tạm ứng thuốc để phục vụ bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.

Để hỗ trợ ngành y tế trong công tác chăm sóc, cấp phát thuốc cho F0 đang điều trị tại nhà, TP đã tổ chức 83 trạm y tế lưu động và nhờ Đại học Y dược Cần Thơ tăng cường nhân lực. 

Hơn 200 sinh viên y dược và bác sĩ của trường đã tham gia 50 đội y tế lưu động, đến tận nhà thăm khám và cấp phát thuốc, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm, kết nối với trạm y tế cho các F0, F1 đang theo dõi tại nhà.

Nhằm tăng khả năng điều trị, Sở Y tế TP Cần Thơ cũng đã triển khai kế hoạch sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát trong điều trị các trường hợp mắc COVID-19. Thời gian triển khai từ 25-11-2021 đến 25-1-2022.

Còn theo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, số ca mắc COVID-19 những ngày gần đây liên tục tăng. Ngày 15-11, lần đầu tiên Sóc Trăng lập kỷ lục khi có 532 ca mắc mới. 

Bác sĩ Trần Văn Dũng - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng - cho biết dù đã nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống dịch nhưng cũng như một số tỉnh ở miền Tây, số ca mắc mới của Sóc Trăng trong những ngày qua vẫn tăng mạnh.

Ông Dũng dự báo số ca mắc mới tại tỉnh sẽ còn khả năng tăng trong khoảng 10 ngày tới, sau đó mới giảm dần. 

Theo bác sĩ Dũng, tuy số ca mắc tăng song do Sóc Trăng mạnh dạn cho F0 không triệu chứng cách ly tại nhà nên chưa xảy ra quá tải cho các bệnh viện điều trị COVID-19. Để dự phòng, Sóc Trăng đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 3 hệ thống oxy cho bệnh viện tuyến huyện.

3 đoàn công tác của Bộ Y tế đến điểm nóng

Trước tình hình dịch trên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế đã cử 3 đoàn công tác của Cục Quản lý khám chữa bệnh đi làm việc với các tỉnh thành. 

Ngoài ra, Bệnh viện Nội tiết trung ương đang có 12 y bác sĩ chi viện cho tỉnh Vĩnh Long. Bệnh viện Bạch Mai đang có một đoàn hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk.

Ông Sơn cũng khuyến cáo với tình hình dịch bệnh như hiện nay, rất cần các tỉnh thành tăng cường phát hiện bệnh nhân sớm, phát thuốc, chuyển sớm ca có diễn biến nặng đến cơ sở y tế, từ đó giảm số ca chuyển nặng và tử vong. 

Mở cửa trở lại (trong khi miền Tây phủ vắc xin chậm hơn Đông Nam Bộ) số mắc sẽ tăng nhưng nếu không sớm có giải pháp thì miền Tây sẽ nóng.

Tại Vĩnh Long, theo Sở Y tế, trong 3 ngày gần đây số ca mắc COVID-19 ghi nhận trên địa bàn tỉnh luôn ở mức cao, khoảng 500 ca nhiễm mỗi ngày khiến số ca mắc từ trước đến nay tăng lên 8.072 ca.

Đặc biệt trong ngày 23-11, Vĩnh Long ghi nhận 505 ca mắc, tăng gần 70% so với trung bình 10 ngày trước đó.

Trước tình trạng này, Vĩnh Long vừa kích hoạt thêm bệnh viện dã chiến số 7, với quy mô 1.000 giường bệnh tại ký túc xá Trường ĐH Xây dựng miền Tây.

Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long Văn Công Minh cho biết số ca mắc tăng cao liên tục trong thời gian gần đây đã gây áp lực lớn lên hệ thống y tế và cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh.

"Sở Y tế đang lên kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt cho cách ly, điều trị F0 tại nhà. Nếu được phê duyệt, dự kiến trong tuần sau sẽ tiến hành cách ly, điều trị F0 tại nhà" - ông Minh cho hay.

Sở Y tế Vĩnh Long cũng đang triển khai các biện pháp để khống chế dịch bệnh, sẽ kiểm tra lại phương án phòng chống dịch của doanh nghiệp, buộc phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 mới được hoạt động.

Ngoài ra, các địa phương cũng xét nghiệm diện rộng đồng loạt ở các khu vực nguy cơ cao để nhanh chóng tách F0, hạn chế lây lan trong cộng đồng.

Ca nhiễm COVID-19 tăng, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên lại căng thẳng Ca nhiễm COVID-19 tăng, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên lại căng thẳng

TTO - Nhiều tỉnh thành miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên những ngày gần đây lại đang đối diện thực trạng số ca nhiễm COVID-19 ngày một tăng.

T.LŨY - K.TÂM - C.HẠNH - L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên