25/11/2013 12:12 GMT+7

Sôi động công nghệ do thám tư nhân

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Phần chìm của tảng băng “bê bối nghe lén” vẫn trôi vô kiểm soát trên thị trường tư nhân, nơi những hệ thống, kỹ thuật theo dõi không kém gì của các cơ quan tình báo chuyên nghiệp được rao bán tràn lan.

lNL9825i.jpgPhóng to
Một thiết bị do thám điều khiển từ xa siêu nhỏ được giới thiệu trong năm 2013 - Ảnh: Reuters

Nguồn tài liệu của Tổ chức nghiên cứu Privacy International cho thấy các công ty tư nhân trên thế giới đang tích cực bán những công cụ gián điệp và kỹ thuật do thám hàng loạt đến các quốc gia đang phát triển từ châu Phi, châu Á đến Trung Đông. Những thiết bị “có sẵn” này được quảng cáo sẽ giúp rút thông tin từ hàng triệu thư điện tử, tin nhắn và cuộc gọi.

Trên trang web của mình, Privacy International cho biết cơ sở dữ liệu trực tuyến Chỉ số công nghiệp do thám gồm 1.203 thư chào hàng được các công ty tư nhân đem đến những hội nghị ở Dubai, Prague, Brasilia, Washington, Kuala Lumpur, Paris hay London. Các nhà phân tích của Privacy International đã giả dạng khách hàng tiềm năng để tiếp cận những hội chợ kín đáo này. Họ được các công ty từ Anh, Israel, Đức, Pháp và Mỹ chào mời những hệ thống cho phép bí mật xâm nhập các đường cáp Internet truyền dữ liệu cuộc gọi và thư từ. Tổng cộng tổ chức này ghi nhận được 338 công ty cung cấp gần 100 loại dịch vụ do thám khác nhau.

Một tỉ vụ can thiệp mỗi ngày

Những công cụ mà các công ty này quảng cáo chào bán tưởng chừng chỉ những cơ quan tầm cỡ như Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) hay GCHQ của Anh mới có khả năng làm được, từ theo dõi xe, điện thoại đến quay và ghi âm lén. Có công ty thậm chí khẳng định thiết bị theo dõi hàng loạt của họ có thể thực hiện đến 1 tỉ vụ can thiệp mỗi ngày.

Một công ty ở Dubai tên Advanced Middle East Systems bán thiết bị Celebro hoạt động tương tự chương trình Tempora của cơ quan tình báo Anh GCHQ nhờ khả năng rút thông tin từ các cáp quang. Celebro có thể theo dõi tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử, chat và các mạng xã hội trong thời gian thực. Quan trọng hơn là “không cần phải hợp tác với nhà cung cấp mạng”. Còn một công ty khác quảng cáo hệ thống theo dõi điện thoại “xuyên biên giới” của họ có thể sử dụng được trên một máy tính xách tay và xác định được vị trí người gọi ở bất cứ đâu trên thế giới với độ chính xác chỉ xê xích khoảng 200m.

Một số công ty bán những sản phẩm gián điệp không khác gì dụng cụ trong phim điệp viên 007. Chẳng hạn trên một chiếc xe hơi, xe máy thông thường có thể được gắn thêm máy quay, ghi âm siêu nhỏ trên gương chiếu hậu, đèn trước, logo nhãn hàng hay thậm chí đồng bộ với hệ thống theo dõi hàng loạt để thu thập thông tin liên lạc trong một khu vực nhất định. Máy quay còn có thể được ngụy trang như lon nước ngọt, cục gạch trong khi máy thu âm biến thành bút viết, bật lửa. Một tờ rơi còn quảng cáo hệ thống camera sinh trắc học cầm tay của một công ty Anh viết rằng nó có thể nhận dạng người thông qua tay, mặt, mống mắt và đang được quân đội Anh sử dụng để nhận diện khủng bố ở Afghanistan.

Ngoài tầm kiểm soát

Bà Ann McKechin, thuộc ủy ban Xuất khẩu vũ khí của Anh, cho biết lĩnh vực xuất khẩu công nghệ ngày càng tăng và việc quản lý cũng trở nên khó khăn. Bộ Kinh doanh, sáng tạo và kỹ năng (DBIS) của Anh - cơ quan chịu trách nhiệm việc xuất khẩu các công nghệ trên - cũng thừa nhận chúng có thể bị sử dụng cho mục đích gián điệp. “Chính phủ cho rằng cần có thêm các quy định quản lý” - người phát ngôn của bộ nói. Dù vậy DBIS khẳng định có đủ khả năng để kiểm soát và đảm bảo các công nghệ mới không bị bán cho “các quốc gia đáng lo ngại”. VASTech, một công ty của Nam Phi, cũng giải thích rằng thiết bị của họ phục vụ mục đích trấn áp tội phạm xuyên biên giới như buôn người, ma túy, rửa tiền...

Tuy nhiên, trong khi cơ sở pháp lý quản lý những mua bán công nghệ theo dõi còn nhiều mập mờ, nhiều ý kiến lo ngại những công nghệ này có thể bị các chính phủ sử dụng để nghe lén những thành phần đối lập. Theo ông Lord Ashdown, cựu lãnh đạo Đảng dân chủ tự do Anh, các công nghệ theo dõi đang “nằm ngoài tầm kiểm soát”. Không chỉ ở Anh, các nước như Mỹ, Pháp, Đức cũng buông lỏng thị trường này.

“Thị trường do thám tư nhân hầu như miễn nhiễm vì không có sự kiểm soát khắt khe nào - báo Guardian dẫn lời cố vấn nghiên cứu Matthew Rice của Privacy International - Thị trường này kiếm lợi trên sự chịu đựng của mọi người trên thế giới”. Privacy International cho rằng các công ty xuất khẩu công nghệ nên chịu sự quản lý nghiêm ngặt như những nhà sản xuất vũ khí và hi vọng báo cáo mới sẽ thúc đẩy một cuộc tranh luận về kiểm soát công nghệ do thám.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên