03/09/2012 05:54 GMT+7

Sớm loại bỏ cán bộ, công chức yếu kém

DIỆP VĂN SƠN
DIỆP VĂN SƠN

TT - Lâu nay, việc loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức yếu kém không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là việc làm gặp không ít khó khăn, cản trở.

Mặc dù yêu cầu này là thông điệp mạnh mẽ của nhiều nghị quyết, diễn đàn, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên báo chí, từ các vị lãnh đạo cấp cao...

Dự tuyển công chức phải được đào tạo chính quyVinh danh 14 "cán bộ, công chức, viên chức trẻ, giỏi, thân thiện"

Pq0eOojM.jpgPhóng to
Thi tuyển cạnh tranh các chức danh từ nhân viên đến lãnh đạo để có đội ngũ công chức giỏi. Trong ảnh: các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển công chức tại Trường Cán bộ TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Có một khảo sát điều tra của Vụ Công chức và viên chức (Bộ Nội vụ) cách đây vài năm cho thấy trong bộ máy nhà nước chỉ có 40% công chức và viên chức đủ chuẩn, 40% còn thiếu một vài tiêu chuẩn, còn lại 20% thiếu chuẩn trầm trọng không thể giao việc. Chuẩn ở đây chỉ mới xét trên bằng cấp đào tạo, chưa nói đến năng lực thực tế. Nếu cộng thêm phẩm chất gọi chung là chữ tâm thì con số thiếu chuẩn chắc sẽ còn cao hơn nữa. Với một bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, trách nhiệm không rõ ràng giữa cá nhân và tập thể, cách sử dụng và đề bạt bổ nhiệm cán bộ còn mù mờ, nạn chạy chức hoặc chạy ô dù còn lộng hành... thì quả thật cũng khó loại ai!

Trong nhiều năm làm công tác tổ chức nhà nước, người viết bài này biết thực tế có trường hợp từ thủ trưởng đến tập thể cơ quan đều thống nhất nhận xét về một đương sự rất kém về phẩm chất. Người này bị ít nhất sáu lần cảnh cáo (ba của Đảng, ba của chính quyền) nhưng rốt cuộc cũng không loại ra được khỏi bộ máy vì theo pháp lệnh cán bộ, công chức trước đây và ngay cả luật sau này, vẫn chưa quy định rõ ràng về thế nào là lỗi nặng “buộc thôi việc”.

Hơn nữa, các đương sự loại này không ngần ngại kiện cáo lung tung, tung hỏa mù đánh lận đen trắng. Nếu cấp trên chủ quản quan liêu thì những đối tượng này tìm cách khoét sâu những chính kiến chưa gặp nhau giữa cấp trên và cấp dưới trực tiếp, gây ra sự việc phức tạp theo chiều hướng khác rất khó xử lý đương sự.

Ở nhiều đơn vị “trên không thuận dưới không hòa”, có trường hợp một vị phó nhăm nhe “ghế” của vị trưởng xui bẩy công chức thoái hóa trong đơn vị - những công chức này thường bị thủ trưởng phê bình - có hành vi gây gổ bất tuân mệnh lệnh... Vị phó lúc này nhảy ra “làm trung gian hòa giải”, chủ đích là hạ uy thế của ông trưởng. Công chức thoái hóa lúc này sẽ được “bảo kê” và trong lãnh đạo đơn vị khó lòng có được sự thống nhất để loại người này ra.

Nói dài dòng như vậy để thấy phần nào tính phức tạp trong việc loại một công chức thoái hóa ra khỏi bộ máy, nói chi đến loại bỏ công chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tinh thần nghị quyết trung ương 4 (khóa XI) về kiện toàn và chỉnh đốn Đảng là một dịp thuận lợi để thực hiện làm trong sạch vững mạnh đội ngũ cán bộ công chức.

Vấn đề còn lại là cần cương quyết chỉ đạo thực hiện và thực hiện một cách cương quyết với lương tâm trong sáng vì sự nghiệp, vì lòng dân. Trong đó cần làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu đơn vị sử dụng công chức đối với việc tuyển dụng, phân công, kỷ luật, đề bạt, buộc thôi việc đối với công chức sau khi tham khảo dân chủ ý kiến đồng thuận của tập thể người lao động trong đơn vị.

Ngoài ra, cần phải bổ sung chế định sát hạch định kỳ đối với công chức, tăng cường thanh tra công vụ, thay thế chế độ biên chế bằng chế độ ký hợp đồng linh hoạt đối với công chức hành chính, thi tuyển cạnh tranh các chức danh từ nhân viên đến lãnh đạo, tính toán chế độ lương bổng hợp lý đủ sống để công chức thi hành công vụ một cách thanh cao...

DIỆP VĂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên