30/10/2020 13:50 GMT+7

Sống lệ thuộc công nghệ, nhiều người Hàn Quốc cần 'thải độc kỹ thuật số'

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Thời đại dịch, các thiết bị kỹ thuật số chính là biện pháp giúp nhiều người kết nối với nhau bất chấp những biện pháp giãn cách xã hội.

Sống lệ thuộc công nghệ, nhiều người Hàn Quốc cần thải độc kỹ thuật số - Ảnh 1.

Một giáo viên tổ chức một lớp học trực tuyến tại một trường trung học ở Seoul vào ngày 9 tháng 4 năm 2020. Ảnh: straitstimes.com

Do dịch bệnh chưa biết chừng nào kết thúc nên phương thức sống lệ thuộc công nghệ còn kéo dài, không ít người dân Hàn Quốc đã phàn nàn về nỗi mệt mỏi khi cuộc sống của họ xoay quanh điện thoại và máy tính theo đúng nghĩa 24/7: Họp Zoom trực tuyến ngày qua ngày, tin tức mới về tình hình dịch bệnh xuất hiện liên tục cũng như tiếng chuông thông báo của mạng xã hội kêu suốt ngày.

Nhiếp ảnh gia kiêm blogger (người viết nhật ký mạng) tên Dianoma, 30 tuổi, là một trong số những người vừa tham gia phong trào 'thải độc số'. Cô phân bổ thời gian rõ ràng mỗi ngày để có thể gác xuống các thiết bị điện tử và tập trung vào cuộc sống 'ngoại tuyến'.

'Một sáng tôi thức dậy, nhìn thấy cả ngàn tin nhắn chồng chất trong tài khoản Kakaotalk. Việc này khiến tôi kinh ngạc. Thứ mà tôi xem như phương tiện liên lạc lại trở thành một gánh nặng', Dianoma nói. Chuyện này xảy ra không lâu sau khi cô chuyển các lớp học chụp ảnh sang hình thức trực tuyến. Điều đó đồng nghĩa với việc cô cần viết nhiều blog hơn, mở thêm nhóm liên lạc, nhận thêm nhiều thông báo và dành nhiều thời gian hơn trên Youtube và Instagram. Hồi tháng 5, Dianoma dành trung bình 10 tiếng để lên mạng mỗi ngày.

Cô gái này cho rằng tình trạng trên tác động xấu đến mình cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Cổ tay cô bắt đầu đau nhức, đồng thời ngày càng khó tập trung vào công việc. 'Tôi không thể ngắt kết nối toàn bộ vì công việc phụ thuộc vào mạng xã hội. Tôi phải tìm cách đối phó với nó'.

Sau khi quyết định 'thải độc kỹ thuật số', cô tắt tất cả tính năng thông báo của các tài khoản mạng xã hội. Từ nửa đêm đến sáng hôm sau, điện thoại cô bật chế độ máy bay. Nữ nhiếp ảnh gia chia sẻ bởi vì mỗi người đều có cách làm việc và nhu cầu riêng nên không có phương pháp 'thải độc' khỏi thế giới trực tuyến nào phù hợp với tất cả.

Đối với Lee Min-jee, sinh viên, 31 tuổi, cô chọn cách tắt nguồn điện thoại khoảng 2 tiếng mỗi ngày. Từ tán gẫu với bạn bè đến đọc tin tức, tập thể dục theo hướng dẫn trên Youtube, học bài hay xem phim, cuộc sống của Lee có thể gặp lỗ hổng lớn nếu thiếu kết nối internet. Cho đến khi cô cảm thấy mối kết nối đó 'cần thiết nhưng vẫn ngột ngạt', Lee quyết định 'thải độc kỹ thuật số'. Cô nói: 'Hóa ra cuộc sống vẫn tốt đẹp ngay cả khi tôi tắt điện thoại hai tiếng'.

Theo cuộc khảo sát do Diễn đàn Nghiện Hàn Quốc (KAF) tổ chức, 44% người dân nước này cho biết họ sử dụng điện thoại nhiều hơn trong thời kỳ dịch bệnh. Tỷ lệ này gia tăng đối với toàn bộ các nhóm tuổi. Khảo sát được tiến hành trên 1.017 người trưởng thành tuổi từ 19 trở lên trong thời gian từ 20 – 29/5.

Ông Lee Hae-kuk, Giáo sư tâm thần học tại Đại học Công giáo Hàn Quốc, cho biết: 'Giãn cách xã hội đặt ra thách thức lớn về các vấn đề tâm thần. Một xã hội không liên hệ làm tăng nguy cơ sử dụng quá nhiều thiết bị kỹ thuật số, dẫn đến lo lắng, trầm cảm và căng thẳng'.

Kim Youn-ji, một người thực hành 'thải độc số' khác, chia sẻ đó là quyết định 'thay đổi cuộc đời' khi tự giác hạn chế sử dụng thiết bị điện tử. Cô tâm sự: 'Bất cứ lúc nào bạn bè tôi kể rằng họ không thể tập trung vào cuộc sống hoặc cảm thấy tuyệt vọng, tôi liền đề xuất sao bạn không thử tạm thời rời bỏ mạng xã hội'.

Giới chuyên gia cảnh báo quá lệ thuộc vào thiết bị di động có thể tác động đặc biệt nguy hiểm đến trẻ em và thanh thiếu niên – những đối tượng dễ bị nghiện điện thoại. Theo một cuộc điều tra trực tuyến của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình trên 1,3 triệu học sinh tại 11.705 trường hồi tháng 7, có đến 228.120 học sinh nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ quá phụ thuộc vào internet hay điện thoại di động, tăng lên so với con số 206.102 của năm 2019.

'Bọn trẻ dán mắt vào màn hình gần như cả ngày', bà Chung Haeng-eun, 44 tuổi chia sẻ. Bà cho biết hai con của bà đều phải ở nhà học trực tuyến sau khi chính phủ ra lệnh đóng cửa tất cả trường học tại Seoul từ cuối tháng trước. Với bà Chung, ngày 'thải độc' hàng tuần của gia đình bà là các Chủ nhật – không điện thoại thông minh, không mạng internet – là biện pháp quan trọng để ngăn con cái dành quá nhiều thời gian trên mạng. Bà mẹ hai con này hiện hy vọng có thể sớm dành ngày 'thải độc' để đi dạo chơi ngoài trời. 'Khi kế hoạch giãn cách xã hội chặt chẽ hơn được triển khai, con gái tôi rất buồn vì không được ra ngoài chơi, gặp gỡ bạn bè. Tôi nhiều lần mở Zoom cho con bé nói chuyện với bạn nhưng chuyện đó chẳng vui vẻ gì đối với một đứa trẻ tiểu học'.

Ngày 28/10, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) cho biết nước này ghi nhận 103 ca nhiễm mới, trong đó có 96 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 26.146 ca.

Giới chức Hàn Quốc lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch tiềm tàng do các ca nhiễm mới tiếp tục được báo cáo rải rác tại những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện và nhà dưỡng lão.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên