23/11/2013 14:36 GMT+7

Startup Việt tranh tài tại Đại hội Khởi nghiệp châu Á

HẢI NGUYỄN - THANH TRỰC
HẢI NGUYỄN - THANH TRỰC

TTO - Đại diện cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam tham gia tranh tài tại Đại hội Khởi nghiệp châu Á (Startup Asia 2013) đã đoạt giải 3 với dự án Smart Bike sau đêm chung kết vào tối 22-11.

KgmYE1gI.jpgPhóng to
Các diễn giả và đại diện cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cùng quy tụ về Đại hội Khởi nghiệp châu Á (Startup Asia 2013) - Ảnh: Hải Nguyễn

Sự kiện năm nay đánh dấu sự hợp tác mạnh mẽ giữa các công ty và cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam và các nước trong khu vực. Một trong những đối tác hỗ trợ tổ chức Startup Asia là Silicon Valley Vietnam, một dự án phát triển startup đến từ Hà Nội.

Giải pháp chống trộm xe máy Smart Bike ghi dấu ấn

Bất ngờ năm nay cho cộng đồng startup Việt Nam là Công ty Khởi nghiệp Smart Bike đã đoạt giải 3 sau khi xuất sắc lọt vào vòng chung kết gồm 8 đội startup tiêu biểu nhất của đại hội. Trong hai ngày trước đó, các đại diện sẽ thi đấu để tham gia vào nhóm hơn 100 startup khu vực châu Á được đề cử. Vòng 2 đã loại ra rất nhiều dự án, chỉ còn 20 startup tranh tài cho vòng chung kết, chọn ra 8 đội thuyết trình trước đại hội.

Giải nhất thuộc về đại diện của Singapore, sản phẩm Garuda Robotics, một thiết bị robot bay, đã trình diễn tiết mục giao ly cà phê, đặt trên robot bay đến giao cho ban giám khảo. Giải nhì cũng thuộc về một đại diện của Singapore, Bio3D, thiết bị in 3D sử dụng trong lĩnh vực y tế. Và giải ba thuộc về đại diện đến từ Việt Nam, SmartBike, thiết bị chống trộm xe máy bằng cách theo dõi và kiểm tra xe thông qua hệ thống GPS.

cGPE1RTd.jpgPhóng to
Hai đại diện team Smart Bike (trái) và anh Hàn Tuấn Linh, trưởng dự án hỗ trợ startup: Silicon Valley Vietnam - Ảnh: Hải Nguyễn
Theo Hoàng Phúc, Smart Bike được đánh giá cao qua các điểm sáng tạo như: chủ sở hữu xe máy biết được vị trí xe mình chỉ bằng 1 cú gọi điện đơn giản, nhanh chóng; chủ sở hữu xe có thể tắt động cơ xe máy của mình, hú còi báo động bằng một tin nhắn di động; sản phẩm cũng tận dụng kết nối Bluetooth, tắt động cơ xe ngay cả khi người chủ xe máy không có điện thoại gần chiếc xe, và chỉ có thể khởi động động cơ xe khi có smartphone đã kết nối trước đó.

Trao đổi nhanh với Blog Khởi nghiệp, bạn Nguyễn Hoàng Phúc, giám đốc đối ngoại Công ty Smart Bike, cho biết khác với các startup đến từ các nước khác, Smart Bike đại diện Việt Nam nhắm đến giải quyết một vấn đề nan giải trong lĩnh vực giao thông ngay tại Việt Nam và các thị trường lân cận trong Đông Nam Á.

Smart Bike chế tạo ra 1 thiết bị điện tử giúp người sử dụng xe máy có thể kiểm tra và theo dõi xe máy của mình theo phương thức GPS. Smart Bike hi vọng sản phẩm sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng trộm cắp xe máy, phương tiên giao thông phổ biến ở Đông Nam Á.

Tự tin với dự án, Hoàng Phúc thẳng thắn đưa ra đề nghị được đầu tư 500.000 USD từ ban giám khảo cũng như các quỹ đầu tư có mặt tại đại hội.

Đại diện ban giám khảo cũng đưa ra một số nhận định về sản phẩm Smart Bike. Khailee Ng, đại diện Vườn ươm doanh nghiệp nổi tiếng 500 Startups, tỏ ra rất hào hứng về ý tưởng cũng như khả năng thực hiện, tuy nhiên anh nhấn mạnh đến mô hình kinh doanh của Smart Bike, vì trong phần thuyết trình Phúc chưa đưa ra được số liệu về số sản phẩm đã bán được, cũng như số hợp đồng ký kết với các đối tác tiềm năng.

Saemin Ahn, đại diện Quỹ đầu tư mạo hiểm Ratuken, chia sẻ chiến lược phát triển cho Smart Bike nên tập trung vào xây dựng một hệ sinh thái bao gồm các tiện ích liên quan cho sản phẩm hơn là chỉ bán một sản phẩm đơn lẻ.

Bên lề đại hội, đại diện cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam, anh Đỗ Anh Minh, đồng sáng lập StartUp.vn, đã có buổi chia sẻ và thảo luận cùng với Talmon Marco, tổng giám đốc Viber, về vai trò và tác động của các ứng dụng chat trên nền tảng OTT, với cộng đồng khởi nghiệp và khách hàng cá nhân.

k2Df0MPo.jpgPhóng to
Anh Đỗ Anh Minh (trái), đồng sáng lập StartUp.vn, chia sẻ và thảo luận cùng ông Talmon Marco, tổng giám đốc Viber, tại Đại hội Startup Asia 2013 - Ảnh: Hải Nguyễn

Ông Marco cho biết những app chat trên điện thoại như Viber, Whatsapp, Line, KakaoTalk đã giúp cho khách hàng cá nhân có thêm nhiều sự lựa chọn trong cách giao tiếp hằng ngày, giúp họ liên lạc dễ dàng và tiện lợi hơn. Ngoài ra, các ứng dụng nhắn tin còn mở ra một cánh cửa các cơ hội hợp tác cho các công ty startup trong lĩnh vực truyền thông.

Đại hội Khởi nghiệp châu Á (Startup Asia) là sự kiện thường niên tổ chức ở Jakarta, Indonesia giới thiệu các sản phẩm công nghệ của cộng đồng khởi nghiệp (startup) ở châu Á. Sự kiện là một chuỗi hội nghị gặp gỡ kết nối giữa các khởi nghiệp (startup) và nhà đầu tư khu vực châu Á, cũng như là một sự kiện tranh tài giới thiệu sản phẩm công nghệ tiêu biểu và tiềm năng nhất đại diện cho thị trường châu Á. Đại hội có sự tham dự của hơn 1.000 đại diện từ các chính phủ, quỹ đầu tư mạo hiểm, truyền thông, startup, các tập đoàn đa quốc gia, đến từ khắp nơi trong khu vực.

DkATlwyi.jpgPhóng to
Đại hội có tổ chức các không gian để những nhà đầu tư tư nhân, đại diện các quỹ đầu tư trao đổi nhanh với các tác giả dự án khởi nghiệp có tiềm năng - Ảnh: Hải Nguyễn
3sWqKzTc.jpgPhóng to
Không gian tự giới thiệu dự án khởi nghiệp của mỗi startup, kêu gọi vốn đầu tư, tại Đại hội Startup Asia 2013 (Indonesia) - Ảnh: Hải Nguyễn
HẢI NGUYỄN - THANH TRỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên