Sức nén khôn cùng của một ngày

TRẦN QUỐC TÂN (DỊCH) 04/08/2022 05:15 GMT+7

TTCT - Cuốn sách vừa đoạt giải Pulitzer 2022 hạng mục hư cấu, Nhà Netanyahu (The Netanyahus) của Joshua Cohen là bức chân dung hài hước về một gia đình quyền lực ở Israel trong chuyến thăm của người cha tới trường đại học Mỹ vào thập niên 1960

Ta cũng thấy trong cuốn sách mặt trái của thế giới học thuật, nơi an ủi người ta sống trong ảo tưởng về sự tách biệt rạch ròi giữa khoa học và chính trị.

148aa675-gettyimages-1174940438-696x454 (Read-Only)

Joshua Cohen, nhà văn 41 tuổi, từng được tạp chí Granta năm 2017 xếp vào danh sách nhà văn trẻ triển vọng nhất nước Mỹ của thập niên. Nhà phê bình lỗi lạc Harold Bloom từng đánh giá cuốn tiểu thuyết Book of Numbers của Cohen là một trong bốn cuốn sách xuất sắc nhất được viết bởi nhà văn Do Thái sống ở Mỹ, sánh ngang với các tác phẩm của Henry Roth, Nathanael West và Philip Roth.

Cuốn tiểu thuyết thực ra là câu chuyện diễn ra trong vòng một ngày, qua lời kể của Ruben Blum, một giảng viên trẻ mới được cất nhắc vào biên chế khoa sử của trường đại học Corbin, ngôi trường hư cấu nằm hẻo lánh ở rìa phía tây bang New York.

Nói chính xác hơn, Blum là người Do Thái đầu tiên được nhận vào trường. Một ngày đầu đông năm 1959, Blum được chủ nhiệm khoa giao trọng trách đón tiếp một ứng viên "sáng giá", theo cách nhìn của vị này, đến phỏng vấn và thỉnh giảng để có thể được cất nhắc vào vị trí chính thức: Ben-Zion Netanyahu đến từ Israel.

Sự đãi bôi của giới hàn lâm

Là thành viên bất đắc dĩ của hội đồng bổ nhiệm, Blum nhận được hai lá thư đánh giá từ đồng nghiệp ở ngoài trường. Giáo sĩ Edelman, chủ tịch một trường đào tạo cao học về lịch sử Do Thái ở Mỹ, hết lời ca ngợi Netanyahu. Ông ta cho rằng những khoảng trống học thuật trong lý lịch của ứng viên này, nếu có, là điển hình cho những trí tuệ Do Thái buộc phải xa xứ và đi tìm chốn nương náu học thuật ở trường đại học Mỹ, như Albert Einstein hay Hannah Arendt.

Bức thư thứ hai từ một giáo sư ở Jerusalem, chỉ trích ý nhị nhưng thống thiết lý tưởng phục quốc Do Thái có phần cực đoan của Netanyahu. Người này tìm cách thuyết phục Blum rằng điều duy nhất có thể khiến các đồng nghiệp nghiên cứu nghiêm túc về lịch sử ở Israel cảm thấy thoải mái là Netanyahu được nhận vào một trường ở Mỹ, thay vì tiếp tục cống hiến ở quê nhà. 

Dưới áp lực từ trưởng khoa, Blum không còn cách nào khác ngoài phải miễn cưỡng đón tiếp vị khách quý, dầu với lý do chính anh cũng không hiểu nổi: chỉ vì họ đều là người Do thái.

Ngày đón Netanyahu của Blum diễn ra kịch tính cho tới tận giây phút cuối cùng. Ngoài trời giá rét nhưng tâm trạng rối bời, anh ghim lời thủ trưởng, rằng việc đón tiếp chu đáo những học giả tiềm năng ở chính tại nhà của một người trong khoa giúp thể hiện truyền thống hiếu khách của trường Corbin. 

Sự choáng váng đến ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên. Chiếc xe Ford hoen gỉ đời 1940 đỗ xịch trước cửa (sau này được tiết lộ là xe mượn của giáo sĩ Edelman), và bước ra khỏi xe không chỉ có người cha, nhân vật tới Mỹ phỏng vấn, mà còn có cả bà vợ Tzila và ba đứa con tinh nghịch: Jonathan, Benjamin và Iddo.

Sự om sòm náo động, đôi khi cả vồn vã và bộp chộp của gia đình Netanyahu, phá tan bầu không khí mùa đông yên ả của khu cư xá đại học. Sự thân thuộc lẫn xa lạ của một người được xem như cùng căn cước (Do Thái) với Blum khiến chính anh bất an. Đó không chỉ là nỗi bất an về khả năng tiếp đãi và tương lai công việc. 

Dần dà, khi "cái ngày Netanyahu" nặng nề ấy trôi qua, anh còn bị sứt mẻ niềm tin về tính cương trực của người làm khoa học, sự thành thực với lương tâm và với cứ liệu lịch sử, và cả cách bản thân anh trước giờ đối mặt với những điều giả tạo, xởi lởi diễn ra trong đời sống thường ngày. Những mối lo âu ấy đan cài vào nhau và mắc mứu như tơ vò, lại còn được tiểu thuyết gia nén chặt vào trong phạm vi của một ngày.

Cuốn tiểu thuyết về "thời đại Trump"

Không khó để độc giả nhận ra, nhân vật Ben-Zion chính là cha của Benjamin Netanyahu, cựu thủ tướng gạo cội của Israel, người khuynh loát thượng tầng quyền lực của nước này từ những năm 1990 cho tới khi buộc phải từ nhiệm năm 2019.

Những năm cuối Bibi (tên thân mật của Benjamin) cầm quyền chứng kiến sự xích lại gần hơn bao giờ hết giữa Nhà nước Israel và chính phủ của Trump, với nhiều dấu mốc gây tranh cãi ở Trung Đông: Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, công nhận chủ quyền của Israel với cao nguyên Golan (từng là phần lãnh thổ của Syria từ thời xa xưa), và nước Mỹ của Trump giúp Israel bình thường hóa quan hệ với nhiều nhà nước Ả Rập.

Sức nén khôn cùng của một ngày - Ảnh 3.

Bìa sách

Xuất hiện trong một chương trình podcast của tuần báo Haaretz (Israel), Joshua Cohen nói rằng mình chủ đích viết một cuốn tiểu thuyết về "thời đại Trump". Bằng lát cắt một giai đoạn không quá nhiễu nhương trong quá khứ, cuốn sách truyền tải nỗi bất an quá lớn mà một con người chịu đựng dưới áp lực của tương lai và hiện tại (với Blum là cả quá khứ nữa), nhất là khi họ đối mặt với sự xa lạ ở mức độ cực đoan nhất của nó: những xung đột về hệ giá trị được lật tung và phơi bày, phá toang cái vỏ bọc giả tạo là sự thân thuộc được quy định bởi kết cấu xã hội và mối dây vô hình của lịch sử.

Sự vô tình của lịch sử khiến vị trưởng khoa nghĩ rằng vì cả Blum lẫn Netanyahu đều là người Do Thái, nên Blum (chuyên về mảng kinh tế nước Mỹ thời kỳ Anh chiếm đóng) cũng có quyền thẩm định một giáo sư chuyên về mảng lịch sử Do Thái thời Trung Cổ ở bán đảo Tây - Bồ. 

Tình tiết này và những lời tự vấn của Blum về thế nào là "dân sử học" đều có liên quan đến thời hiện tại, khi ở nước Mỹ thời của Trump, không ít những người của công chúng và cả các học giả ở Mỹ tranh cãi miệt mài xem ai mới là ngụy khoa học, ai mới xiển dương cho thời đại hậu chân lý (post-truth).

Kết cấu xã hội ở giới hàn lâm quy định Blum không thể làm trái ý cấp trên vì anh mới chỉ ở giai đoạn hai năm thử việc trước khi được bổ nhiệm làm giảng viên cơ hữu. Anh phải kiêm những nhiệm vụ bất đắc dĩ và không liên quan tới công việc khoa học: chấp nhận để cả nhà Netanyahu trú lại nhà mình khi họ không ưng ý căn phòng do trường đại học đặt, cùng vợ tham dự tiệc tối đón tiếp vị khách quý, phải chịu đựng lời hằn học của vị khách về việc đồng nghiệp Mỹ không thể đánh giá nổi tầm vóc công trình học thuật của ông.

Dấu vết của Harold Bloom

Một điều độc giả không dễ dàng nhận ra là nhân vật Ruben Blum được xây dựng từ một học giả Mỹ gốc Do Thái có thật ngoài đời: nhà phê bình văn học Harold Bloom (1930-2019), giáo sư Đại học Yale soạn ra danh mục những tác phẩm phương Tây điển phạm (Western canon) và người được mệnh danh là có trí nhớ thiên tài.

Chênh nhau gần 50 tuổi, Joshua Cohen với giáo sư Bloom là bạn vong niên. Cohen thường đến gặp Bloom để luận đàm chuyện thế sự, chuyện cũ với bạn văn, về văn học Mỹ gốc Do Thái, và cả những đàm tiếu trong giới văn chương Mỹ. 

Một lần, Bloom nhắc đến việc nhiều chục năm trước ông từng được giao trọng trách giới thiệu khu trường đại học cho một sử gia Israel không mấy tên tuổi tên là Ben-Zion Netanyahu trong lúc nhân vật này đến phỏng vấn xin việc và thỉnh giảng cùng với vợ và ba con nhỏ, gây náo động cả khu cư xá thời đó. Chi tiết này ghim vào đầu Cohen và câu chuyện kịch tính về gia đình Netanyahu trong cuộc gặp gỡ với nhân vật hư cấu Ruben Blum được ra đời.

Nhà Netanyahus tái hiện đời sống thường nhật của người Do Thái ở Mỹ bằng sự chú tâm cao độ vào biểu lộ và hành động của nhân vật. Ở cuối ngày tiếp đãi nhà Netanyahu, khi cô vợ Blum đã quá sức mỏi mệt vì sự lộn xộn gia đình này mang lại, hai vợ chồng trên đường về cật vấn nhau vì sao họ phải làm tất cả những điều vô nghĩa ấy. Edith hỏi chồng liệu anh có còn nhớ ngày họ còn trẻ, và hồi tưởng: "Ngày còn trẻ, chúng ta coi trọng mọi thứ. Những gì ta đọc. Mọi cuộc triển lãm và hòa nhạc và tất tật sách vở. Tất cả những bài thơ. Chúng ta là những người nghiêm túc và tin thành thực vào mọi thứ, vào những ý tưởng". Blum trả lời bộc trực: "Vì hai ta là những người Do Thái nhỏ bé tử tế". Câu nói chứa đựng tất thảy nỗi bất an ẩn chứa trong lòng anh.

Lúc ấy, Edith chỉ còn biết ngán ngẩm với anh chồng sử gia của mình: "Em đâu có nói đến người Do Thái? Em quá mệt mỏi nghe đến người Do Thái rồi. Em nói về chính chúng ta. Về hai đứa mình".

"Thời đại Trump" có lẽ là một thời mà người Mỹ tranh luận rất nhiều, lắm khi đối nghịch nhau, về cái ảo mộng một nước Mỹ vĩ đại như xưa, về cách bộc lộ sự hào nhoáng và phù phiếm trên mạng xã hội của vị tổng thống vẫn hay lấy mình làm trung tâm. Người ta định nghĩa mòn mỏi thế nào là chân lý, chất vấn nhau thế nào là một xã hội Mỹ thành công và thất bại. Nhà Netanyahu không tìm cách đào sâu thêm vào những khác biệt đó; bù lại, nó khắc họa tinh tế những mối tương phản về căn tính và bản ngã hiện diện trên cùng một con người, trong cùng một gia đình, ở cùng một khoa của trường đại học. 

Những mối xung đột và bất an ấy được nén chặt lại, tạo nên sự bí bách và ngột ngạt hoàn hảo của một ngày đông rét mướt năm 1960, bang New York; ngày hôm đó, "tuyết rơi lào xào và lẹt xẹt như tiếng tĩnh điện của một thế giới vừa bị ngắt công tắc".■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận