22/11/2018 08:00 GMT+7

Tại sao không phải ‘Red Friday’, ‘White Friday’ mà là ‘Black Friday’?

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Black Friday ban đầu ra đời không phải dành cho ngày vàng mua sắm, nhưng do hoàn cảnh và sự sáng tạo của con người mà thuật ngữ này ‘sống sót’ được qua nhiều thập niên.

Tại sao không phải ‘Red Friday’, ‘White Friday’ mà là ‘Black Friday’? - Ảnh 1.

Black Friday đã trở thành ngày mua sắm "hot" khắp thế giới

Trong không khí náo nhiệt đón sự kiện Black Friday (thứ Sáu đen tối) sắp diễn ra vào ngày 23-11, hàng loạt nhà bán lẻ tại Mỹ và nhiều nước khác đã "tung" các gói khuyến mãi sớm để hút khách hàng.

Trang Vox dẫn ước tính của Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) cho biết chỉ trong ngày thứ Sáu (23-11), 116 triệu người sẽ mua sắm trực tuyến hoặc mua tại các cửa hàng. Trong khi đó, 164 triệu người được dự đoán sẽ mua sắm trong suốt các ngày cuối tuần của kỳ nghỉ lễ.

Tại sao không phải ‘Red Friday’, ‘White Friday’ mà là ‘Black Friday’? - Ảnh 2.

Các "thợ săn" đứng xếp hàng tại một cửa hàng giảm giá "kịch sàn" trong ngày Black Friday ở bang Kansas, Mỹ vào ngày 23-11-2017 - Ảnh: AP

Black Friday diễn ra ngay sau lễ Tạ ơn (Thanksgiving). Với cuộc đại hạ giá quá hấp dẫn, đây là dịp "ngàn năm có một" để các nhà bán lẻ kiếm lợi nhuận cao, trong khi khách hàng lại mua được món hời yêu thích.

Vậy tại sao ngày này lại mang một màu đen (black) u ám như vậy? Tại sao người Mỹ không chọn màu trắng (white) hay đỏ (red) để lấy may mắn?

Tại sao không phải ‘Red Friday’, ‘White Friday’ mà là ‘Black Friday’? - Ảnh 3.

Tính luôn cả Thanksgiving, Black Friday và ngày cuối tuần, người Mỹ được nghỉ 4 ngày trong kỳ nghỉ này - Ảnh: GETTY

Thuật ngữ Black Friday ban đầu không được dùng cho ngày vàng mua sắm, mà để nói về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán của Mỹ vào thế kỷ 19.

Theo trang The Balance, lần đầu tiên Black Friday được dùng là vào ngày thứ Sáu 24-9-1869, khi hai nhà đầu cơ Jay Gould và James Fisk thông đồng cùng tích lũy nhiều nhất lượng vàng trên thị trường lúc bấy giờ và bán lại với giá cao nhất có thể để thu lợi nhuận.

Âm mưu làm lũng đoạn thị trường vàng cuối cùng đã bị phanh phui. Tuy nhiên, vụ việc đã gây ra hệ quả khôn lường. Ngày hôm đó, giá vàng trên Sở giao dịch vàng New York lên tới 162 USD/ounce.

Sự sụp đổ của thị trường vàng kéo theo thị trường chứng khoán sụt 20%, trong khi giá hàng hóa giảm khiến nông dân bị mất đến 50% giá trị lúa mạch và ngô. Sự thất thoát tài sản quá nhanh và lớn đã khiến các nhà đầu tư phải gọi đây là "ngày thứ Sáu đen tối".

Tại sao không phải ‘Red Friday’, ‘White Friday’ mà là ‘Black Friday’? - Ảnh 4.

Ngày thứ Sáu 24-9-1869 đã trở thành Black Friday trong mắt các nhà đầu tư Mỹ - Ảnh: LIBRARY OF CONGRESS

Đó là sự ra đời của thuật ngữ Black Friday. Tuy nhiên, ngày sau lễ Tạ ơn (Thanksgiving) được gọi Black Friday lại là một câu chuyện xa hơn. Theo từ điển tiếng Anh Oxford (OED), việc sử dụng Black Friday với ý nghĩa hiện tại có từ ít nhất đầu thập niên 1960.

Năm 1939, trong thời kỳ Đại khủng hoảng, Thanksgiving vô tình rơi vào tuần thứ 5 của tháng 11. Các nhà bán lẻ lúc đó cảnh báo rằng họ sẽ phá sản do kỳ nghỉ Thanksgiving quá ngắn.

Tại sao không phải ‘Red Friday’, ‘White Friday’ mà là ‘Black Friday’? - Ảnh 5.

Một cuộc diễu hành Macy’s để mừng ngày Thanksgiving - Ảnh: GETTY

Và thế là họ kiến nghị Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt chuyển Thanksgiving lên thứ Năm lần thứ tư của tháng 11. Sau nhiều cuộc tranh cãi và dự luật của Quốc hội, cuối cùng ông Roosevelt ký thành luật thông qua nội dung kiến nghị này.

Khi người ta nhận ra sự cần thiết của một kỳ nghỉ dài, họ bắt đầu đi mua sắm nhiều hơn vào ngày sau Thanksgiving. Ngày sau Thanksgiving lúc bấy giờ được xem là ngày bắt đầu không chính thức của mùa mua sắm Giáng sinh, do đó nhu cầu sắm sửa tăng lên nhanh chóng.

Tại sao không phải ‘Red Friday’, ‘White Friday’ mà là ‘Black Friday’? - Ảnh 6.

Không chỉ tại Mỹ, các cửa hàng ở nhiều nước khác cũng đồng loạt hạ giá trong ngày Black Friday. Trong cảnh là hàng trăm người Brazil đi mua TV ở Sao Paulo, Brazil nhân sự kiện này - Ảnh: EPA

Khi nhu cầu mua sắm sau Thanksgiving tăng đến mức không thể kiểm soát, Black Friday được đem ra để nói về tình trạng này. Tuy nhiên, đến năm 1966, thuật ngữ Black Friday mới trở nên phổ biến khi xuất hiện trên sách báo. Đó là khi một câu chuyện về mua sắm được đăng trong một quảng cáo trên tạp chí The American Philatelist.

Trong bài báo, Sở cảnh sát Philadelphia đã sử dụng thuật ngữ Black Friday để mô tả tình trạng tắc nghẽn giao thông ở những khu mua sắm sau ngày Thanksgiving, khi hàng trăm ngàn người Mỹ chen chúc nhau ở các con phố, vỉa hè đi mua sắm.

Tại sao không phải ‘Red Friday’, ‘White Friday’ mà là ‘Black Friday’? - Ảnh 7.

Mua 1 tặng 1, giảm 50% cùng đủ mọi hình thức khuyến mãi khác được các nhà bán lẻ tung ra trong Black Friday - Ảnh: GETTY

Câu chuyện chưa dừng ở đó, theo trang History, do Black Friday là ngày ăn nên làm ra nên nhiều cửa hàng ở Mỹ đã tìm cách đổi tên ngày này vì "Black" (màu đen) quá xui xẻo. Thế là họ sáng tạo ra những cái tên như "Big Friday" (ngày thứ Sáu lớn)... Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều bất thành.

Đến cuối thập niên 1980, các nhà bán lẻ đã tìm cách giải thích thuật ngữ Black Friday theo một cách tích cực hơn. Họ bắt đầu dùng cụm từ "red to black" (đỏ thành đen) để chỉ các cửa hàng làm ăn từ "thua lỗ tới sinh lời".

Tại sao không phải ‘Red Friday’, ‘White Friday’ mà là ‘Black Friday’? - Ảnh 8.

Các cửa hàng bắt đầu giảm giá trước ngày Black Friday. Đây được xem là ngày mở đầu cho mùa mua sắm chuẩn bị đón Giáng Sinh - Ảnh: GETTY

Trong tiếng Anh, thuật ngữ "in the black" (ngập trong màu đen) chỉ làm ăn có lợi nhuận. Trái lại, "in the red" (ngập trong màu đỏ) chỉ tình trạng làm ăn thất bát. Theo tờ Business Insider, việc sử dụng đỏ - đen như vậy là do kế toán thời điểm đó thường ghi số lợi nhuận bằng mực đen (black ink), số lỗ bằng mực đỏ (red ink) để dễ phân biệt trên sổ sách.

"Học thuyết mực đen" được cho xuất hiện sớm nhất là trên tờ Philadelphia Inquirer vào ngày 28-11-1981: "Nếu ngày thứ Sáu là ngày lớn nhất trong năm đối với các nhà bán lẻ thì tại sao lại gọi là Black Friday (thứ Sáu đen tối). Grace McFeeley đến từ Cherry Hill Mall nói rằng, vì đó là ngày mà các nhà bán lẻ thu lời - black ink (mực đen)".

Do đó, không cần dùng tới Red Friday hay White Friday, Black Friday - từ một ngày đen tối được "hóa phép" thành một ngày tươi sáng - đã trở thành ngày lễ may mắn mà ai cũng mong mỏi đợi chờ.

Lễ Tạ ơn Thanksgiving của Mỹ ngoài gà tây còn có những gì? Lễ Tạ ơn Thanksgiving của Mỹ ngoài gà tây còn có những gì?

TTO - Xá tội cho gà tây, diễu hành với bóng bay đa hình thù, ngày lễ lớn có từ cách đây hàng trăm năm… là những điều thú vị đáng nói về lễ Tạ ơn ở Mỹ.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên