11/08/2019 14:19 GMT+7

Tại sao Việt Nam không có Game of Thrones hay The Expanse?

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Sau khi Game of Thrones kết thúc, khán giả lại thấp thỏm chờ đợi phần mới nhất của The Expanse - bộ phim được xem như 'Cuộc chiến vương quyền trên vũ trụ' - sẽ được phát hành cuối năm nay.

Tại sao Việt Nam không có Game of Thrones hay The Expanse? - Ảnh 1.

Phim Game of Thrones - Ảnh: IMDb

Sau khi bộ phim Game of Thrones (Cuộc chiến vương quyền) kết thúc, khán giả lại thấp thỏm chờ đợi phần mới nhất của The Expanse (tạm dịch: Cuộc mở rộng) - bộ phim được xem như “Cuộc chiến vương quyền trên vũ trụ” - sẽ được phát hành cuối năm nay.

Nếu cân đo về mánh khóe, tư duy chính trị và sự xảo trá, thủ đoạn của các nhân vật, có lẽ cả hai bộ phim trên đều không thể sánh với loạt phim House of Cards.

Thế nhưng Game of ThronesThe Expanse lại mang trong mình thứ "vàng mười" có thể khiến khán giả phải mê mẩn: một thế giới mới.

Những hư cấu của người Việt mà chúng ta biết đến nay thường vụn vặt, thiếu liên kết và những diễn biến phức tạp. Cũng từ đó mà dẫn đến các tác phẩm của Việt Nam thường là thơ, truyện ngắn, bút ký.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên

Trailer phim Game of Thrones mùa 8 (2019)

Xây dựng những vùng đất giả tưởng

Game of Thrones được xây dựng dựa trên tiểu thuyết The Song of Ice and Fire của nhà văn Geogre R. R. Martin, và The Expanse chuyển thể trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả James S. A. Corey.

Thoát ly hoàn toàn với những gì chúng ta vốn biết về Trái đất và con người, cả hai tác phẩm xây dựng những vùng đất mới, đặt tên cho chúng, tạo nên khí hậu riêng biệt, tiền tệ, tài nguyên mới, nền chính trị khác nhau...

Các yếu tố này được xây dựng chặt chẽ ngay từ ban đầu để có thể tác động mạnh mẽ đến hệ thống đạo đức - công lý, thậm chí tính cách, mục đích sống của chủng loài ở mỗi vùng đất. Kỹ thuật này được gọi là world-building (tạm dịch: xây dựng thế giới).

Game of Thrones Season 7

Có thể hình dung điều này trong Game of Thrones khi tác giả xây dựng vùng đất phương Bắc quanh năm tuyết phủ và thường xuyên đối mặt đội quân xác sống.

Khí hậu nơi đây khiến con người trầm mặc, ít nói, chỉ tin tưởng vào những người thân quen đã vào sinh ra tử và luôn chuẩn bị chu đáo từ lương thực cho cuộc sống mùa đông khắc nghiệt đến chiến lược của mỗi trận đánh.

Logic vận hành này được tác giả sử dụng xuyên suốt tác phẩm, tạo nên tâm tính nhân vật và những cuộc lật đổ ngoại thích.

Có thể nói world-building là một chuỗi thử nghiệm của tác giả với các hệ thống đạo đức - công lý trong đời thực, từ các chế độ quân chủ, dân chủ đến lý thuyết công lợi, tư lợi... đều được tác giả "phân phát" cho các chủng loài.

Vì vậy, tranh cãi của công chúng đối với tác phẩm world-building không phải là tranh cãi về các mánh khóe, thủ thuật làm phim và viết lách, mà là những biện giải triết học và tranh luận về tính thực tiễn của chúng.

Bên cạnh những yếu tố học thuật kể trên, tác phẩm world-building là đặc trưng của nền công nghiệp văn hóa với sự liên kết, mở rộng của nhiều lĩnh vực khác nhau như văn học, điện ảnh, trò chơi điện tử, truyện tranh, chế tạo mô hình...

Nói như nhà văn Hà Thủy Nguyên, những tác phẩm thế giới hư cấu xuất sắc sẽ có ảnh hưởng lớn tới các ngành văn hóa đại chúng khác như truyện tranh, game, phim ảnh vì thứ cả ba ngành ấy thiếu nhất chính là... kịch bản.

Khởi nguồn từ tiểu thuyết The Lord of The Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn), các tác phẩm điện ảnh, trò chơi được ra đời.

Cũng có sản phẩm dựa trên nền tảng nhân vật, cấu trúc thế giới của tác phẩm gốc để tạo nên hướng đi riêng, như phần cuối của loạt phim Game of Thrones mới được phát hành. Hay như trò chơi mô hình Warhammer 40K là một điển hình của công nghiệp văn hóa khi bán cho công chúng những câu chuyện.

Warhammer 40K chỉ là một bộ sưu tập các mô hình nhân vật, nhưng đằng sau là một thế giới đồ sộ với hàng trăm chủng tộc, hành tinh chiến đấu với nhau bởi những lợi ích đan cài chặt chẽ. Thế giới của Warhammer 40K có thể mở rộng đến vô hạn không phải dựa vào sự ngẫu hứng của đội ngũ tác giả, mà nhờ những nền tảng ban đầu đã được thiết lập.

Với khả năng liên kết giữa học thuật và các lĩnh vực văn hóa, tác phẩm world-building là "mỏ vàng" của các nhà sáng tạo. Thay vì phát triển những tác phẩm đơn lẻ, giới sáng tạo có thể hợp tác để cùng tạo ra một vũ trụ mới, điều chỉnh thành nhiều sản phẩm và lôi kéo sự chú ý, tranh luận của công chúng, kể cả các học giả.

Tại sao Việt Nam không có Game of Thrones hay The Expanse? - Ảnh 5.

Phim The Expanse - Ảnh: IMDb

Đường khó cho tác giả

Không thể nói ở Việt Nam không có nền văn học, điện ảnh hư cấu. Có thể nói nhờ cảm hứng của Harry Potter, văn chương hư cấu Việt Nam đã nảy nở rất nhanh. Ba trong số chín tác phẩm đoạt giải Văn học tuổi 20 lần VI cuối năm 2018 cũng là văn học giả tưởng.

Bạn đọc yêu dòng văn học giả tưởng cũng đang chờ đợi bộ sách Aftermath - Ác quỷ rừng phế tích của tác giả Nam Thanh, với minh họa của họa sĩ Thành Phong sẽ được phát hành cuối năm nay.

Đây là một tiểu thuyết viễn tưởng, được xây dựng ở bối cảnh Trái đất nhưng lại có sự tham gia của các chủng loài khác nhau, được kỳ vọng sẽ đem đến những thay đổi mới mẻ cho dòng sách xây dựng thế giới giả tưởng.

Thế nhưng nhìn chung, các tác phẩm văn học hư cấu Việt Nam không tập trung xây dựng thế giới, mà chủ yếu xoay quanh các tình tiết, cao trào; tư duy về nhân vật dù bước vào thế giới mới hay nghịch hành thời gian vẫn không thoát khỏi logic thông thường của thế giới cũ - tức Trái đất.

Điều này không chỉ hạn chế khả năng phát triển tác phẩm mà còn vắt kiệt tác giả, khiến họ loay hoay với cốt truyện, tình tiết.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên cho rằng sở dĩ các cốt truyện khoa học viễn tưởng của phương Tây có thể được cấu trúc chặt chẽ với những thế giới hư cấu sinh động là bởi có một truyền thống hư cấu các thế giới từ thời các thần thoại, sử thi và sau đó là các tiểu thuyết...

Tại Việt Nam, chúng ta không có một lịch sử của hư cấu dày dặn như vậy, chỉ đến đầu thế kỷ 20 ta mới có tiểu thuyết hiện đại và đến nay nền tiểu thuyết Việt Nam vẫn còn ở mức độ sơ khai so với nền tiểu thuyết lâu đời của phương Tây.

Có thể xem các tác phẩm xây dựng thế giới mới là một con đường vô cùng gian truân. Dẫu kỹ thuật world-building có thể được hướng dẫn rất nhiều ở các blog cá nhân và các nghiên cứu văn học, điện ảnh, người trẻ (Việt Nam và thế giới) vẫn rất khó để sáng tạo ra những tác phẩm hư cấu xuất sắc bởi chúng đòi hỏi những nghiên cứu kỹ lưỡng về triết học, chính trị, tâm lý.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên nhận định giải pháp duy nhất cho văn học world-building ở Việt Nam chỉ có thể là tác giả phải học hỏi nhiều hơn và kiểm tra xem mỗi ý tưởng đến với mình có thật là của mình không, hay là do mình bị ảnh hưởng từ tác phẩm hoặc sản phẩm nào khác.

The Expanse Trailer

Khi ta câu nệ thực tế

Ở các nước phát triển, trẻ con được giáo dục trong môi trường sáng tạo từ bé, nơi trí tưởng tượng được cổ vũ, hoan nghênh, nên khi lớn lên con người dễ tiếp nhận, sáng tạo ra những thế giới khác biệt, lôi cuốn, không câu nệ thực tế.

Còn ở ta, quan niệm nghệ thuật phản ánh hiện thực đã ăn sâu tiềm thức. Không ít lãnh đạo văn hóa, nhà báo không phân biệt chi tiết, nhân vật của phim truyện và phim tài liệu nên nhiều ý tưởng, nhiều phim bị chết oan.

Tôi còn nhớ vào những năm 1980, ở thành phố có một triển lãm lớn tranh phong cảnh, trong đó có bức tranh thôn nữ áo bà ba chèo thuyền chở dừa khá đẹp, sống động. Nhưng một nữ cán bộ phụ trách văn hóa thành phố khi đó đã nhận xét tranh không thực tế, thô tục vì ngực thôn nữ... to quá (?!).

Đó là lý do các nhà văn ta vẫn ngần ngại bỏ công vào thể loại văn học kỳ bí. Phim ảnh, trò chơi điện tử thiếu sáng tạo... là hệ quả kéo theo.

Đạo diễn Việt Linh


MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên