06/08/2013 06:09 GMT+7

Tái sinh phần khuyết trên cơ thể

LAN ANH
LAN ANH

TT - PGS.TS Nguyễn Thế Hoàng, phó viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện 108, luôn khiến người đối thoại được thuyết phục, dù lúc mới nghe, ý tưởng của PGS Hoàng có thể khiến họ bất ngờ.

HDzylNxC.jpgPhóng to
Anh Trần Đức Lâm 9 năm sau phẫu thuật, cùng vợ con đến thăm lại Bệnh viện 108 - Ảnh: Thúy Anh

Cuối tuần trước, PGS.TS Nguyễn Thế Hoàng đã tiếp một bệnh nhân đặc biệt: anh Trần Đắc Lâm và gia đình ở Hải Phòng về thăm bệnh viện và các bác sĩ.

Tái tạo vạt tuần hoàn mới

Công trình được nhận giải thưởng của Viện hàn lâm Khoa học Đức

Đầu năm 2013, PGS.TS Nguyễn Thế Hoàng và gia đình đã tới CHLB Đức nhận giải thưởng Humboldt, giải thưởng của Viện hàn lâm Khoa học Đức trao cho công trình nghiên cứu này. Giải thưởng Humboldt được trao lần đầu tiên năm 2001 và trao thường niên cho các nghiên cứu, cụm công trình khoa học có giá trị ở tất cả các lĩnh vực khoa học. Đã có 32 nhà khoa học ở Đức và nhiều quốc gia trên thế giới được nhận giải, trong đó khu vực châu Á có bốn người đoạt giải gồm một người Trung Quốc, một người Hàn Quốc, một người Nhật Bản và người VN đầu tiên là PGS.TS Nguyễn Thế Hoàng.

Anh Lâm được kíp phẫu thuật của PGS Hoàng điều trị từ năm 2004, khi đó Lâm 19 tuổi, trong tình trạng một chân ngắn một chân dài (chênh lệch 12 cm), đi lại phải dùng nạng, phần cơ, da, thần kinh ở bắp chân từ đầu gối xuống đến gần gót chân bị biến dạng hoàn toàn sau tai nạn hồi Lâm 7 tuổi. Lâm trải qua hơn 10 lần phẫu thuật, có khả năng phải cắt cụt phần chân bị thương.

“Lâm đến chỗ chúng tôi bằng tâm trạng cầu may với hi vọng nhỏ nhoi là nếu không điều trị được nữa thì quyết định phẫu thuật cắt cụt chân”, PGS Hoàng cho biết. Sau khi thăm khám, kíp bác sĩ nhận định đây là trường hợp bị tổn thương nặng, nhưng vẫn còn cứu được nếu ứng dụng kỹ thuật mới để phục hồi gân, khớp, mạch máu, thần kinh...

“Chúng tôi đã làm cho Lâm một vạt tân tạo tuần hoàn, bằng cách lấy một vạt cơ và da ở bụng bệnh nhân diện tích 35x20cm, chuyển xuống phần bắp chân để tối ưu hóa chức năng và thẩm mỹ cho bệnh nhân, thông qua việc biến đổi hệ mạch máu sẵn có. Sau đó chỉnh lại trục xương, kéo dài phần chi thiếu bằng nguyên lý căng giãn. Kết quả điều trị là Lâm được tạo hình mới hoàn toàn phần mềm vùng bắp chân, trả lại sự cân bằng cho hai chân. Lâm đã đi lại được gần như bình thường”, PGS Hoàng cho biết.

Gặp anh Lâm và gia đình chín năm sau cuộc phẫu thuật đặc biệt hôm cuối tuần qua tại Hà Nội, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì anh đi lại, bế con, đứng ngồi gần như bình thường, dấu vết tai nạn ngày nào chỉ thoáng đến đôi chút lúc bệnh nhân chạy hoặc phải đi nhanh hơn bình thường. Đúng là ca phẫu thuật đặc biệt, song theo PGS Hoàng, đến nay anh Lâm là trường hợp duy nhất được điều trị bằng phương pháp này, dù ca phẫu thuật đã được công bố trên tạp chí khoa học ở Mỹ và được cộng đồng quốc tế công nhận là ứng dụng đầu tiên trên thế giới, có thể ứng dụng điều trị di chứng do bỏng, chấn thương, dị tật bẩm sinh...

Đến ý tưởng tái sinh phần bị thiếu

Trường hợp của anh Lâm là một phần trong cụm công trình PGS Hoàng đã dành khoảng 15 năm nghiên cứu về tân tạo tuần hoàn. Trong đó có ý tưởng nuôi cấy tế bào tạo tổ chức sống mới, thay thế phần thiếu hổng trên cơ thể. “Trường hợp bệnh nhân cụt ngón tay, ngón chân, mất tai, mất đoạn xương khớp, ruột... có thể tái tạo theo nguyên lý lấy tế bào lành lặn còn lại ở cơ quan đó, nuôi tế bào trong ống nghiệm để nhân lượng tế bào, rồi đưa vào vật liệu sinh học tương ứng phần cơ thể khuyết thiếu và cấy, nuôi trên cơ thể người cần ghép để tân tạo tuần hoàn tổ chức này. Sau đó dùng kỹ thuật vi phẫu để ghép tự thân, đưa về vị trí cần thiết”, PGS Hoàng giải thích.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Hoàng, cùng ý tưởng này, các nhà khoa học Tây Ban Nha tạo được một đoạn khí quản và phế quản, thay thế cho một đoạn phế quản dài bị hẹp. Ý tưởng này cũng được xem như bước cách mạng trong vấn đề y học tái sinh. Kỹ thuật cũng giúp những bệnh nhân bị mất một phần cơ thể có lại được phần cơ thể ấy, để nâng cao chất lượng sống và mang lại vẻ tự tin cho bệnh nhân, tránh được các nguy cơ thải ghép (nếu ghép từ người hiến tặng), hoặc nguy cơ bệnh truyền nhiễm nếu người hiến tặng mang bệnh. Việc tái sinh có thể giúp người bị khuyết thiếu cơ thể có được phần cơ thể mới.

Đến giờ này, PGS Hoàng đang tràn trề hi vọng chỉ một thời gian ngắn nữa, ý tưởng này sẽ trở thành hiện thực và được ứng dụng rộng rãi ở VN.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên