24/08/2019 09:31 GMT+7

'Tai vách mạch dừng' thời Facebook

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TTO - 'Ở đây tai vách mạch dừng, những điều bí mật xin đừng ba hoa'. Tinh thần cảnh giác cao độ này bỗng trở nên hợp thời khi giao tiếp qua Internet, trò chuyện với trợ lý ảo trên di động, hay ra lệnh cho các thiết bị thông minh trong gia đình.

Tai vách mạch dừng thời Facebook - Ảnh 1.

Người dùng mạng trở nên cẩn trọng hơn khi giao tiếp qua Internet, trò chuyện với trợ lý ảo trên di động - Ảnh: NPR

5 hãng công nghệ và Internet lớn nhất hành tinh - Amazon, Apple, Facebook, Google và Microsoft - lại vừa có thêm một điểm chung ngoài việc là "võ lâm ngũ bá": tất cả đều thuê người để nghe và xử lý các đoạn hội thoại riêng tư của người dùng phục vụ cho việc huấn luyện và cải thiện các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) của họ.

Hãy nhớ rằng khi các công ty công nghệ nói với bạn rằng "chỉ AI mới nghe quý vị nói gì" thì có nghĩa là con người đang nghe đấy.

Trang The Register ngày 14-8 đã "mát mẻ" như thế sau khi chỉ trong vòng một tuần, Microsoft và Facebook cùng bị phanh phui vì đã ghi âm trao đổi của người dùng trên hai ứng dụng chat và gọi điện Skype và Messenger, sau đó chuyển cho bên thứ ba. Trước đó, Apple, Amazon và Google cũng dính bê bối tương tự với các trợ lý ảo Siri, Alexa và Google Assistant.

Nghe lén để dạy AI

Theo điều tra công bố ngày 13-8 của Bloomberg, Facebook đã thuê người nghe và "rã băng" (chép lại thành lời) các tin nhắn thoại của người dùng Messenger.

Điều tra của Bloomberg cho biết những người này hoàn toàn không biết vì sao họ phải rã băng ghi âm các đoạn đối thoại riêng tư của người khác, cũng như chúng đến từ đâu.

Sau khi hoạt động này bị phanh phui, Facebook cho biết đối tác được thuê "rã băng" chỉ làm việc với các đoạn audio riêng lẻ, ẩn danh, vì thế không lộ thông tin riêng tư.

Chỉ một tuần trước, trang Motherboard ngày 7-8 cho biết Microsoft cũng thuê người nghe các cuộc trò chuyện trên Skype có sử dụng tính năng dịch trực tiếp, vốn giúp hai người không nói cùng ngôn ngữ có thể trò chuyện với nhau.

Còn trong tháng 7, báo Anh The Guardian, trong hai loạt bài viết khác nhau, đưa tin cả Apple và Google đều chi tiền cho đối tác nghe các đoạn hội thoại của người dùng với trợ lý ảo Siri và Google Assistant.

Trước đó, cũng Bloomberg phanh phui hồi tháng 4-2019 rằng Amazon có một đội ngũ lên đến hàng ngàn người khắp thế giới chuyên nghe các mệnh lệnh người dùng nói với Alexa (trợ lý ảo được trang bị cho loa thông minh Amazon Echo) để cải thiện trí thông minh của AI.

Vì sao các gã khổng lồ công nghệ lại lén lút ghi âm người dùng và còn để cho người khác nghe chúng? Theo tạp chí The Atlantic, việc "ngũ đại gia công nghệ" nghe lén người dùng không chỉ là một bê bối mà là hồi chuông cảnh tỉnh, giúp công chúng thấy trợ lý ảo hay trí tuệ nhân tạo thật sự là gì.

AI có công nghệ học máy (machine learning) để tự học, nhưng không thể nào loại bỏ vai trò của con người. Nói cách khác, vẫn cần con người dạy dỗ, huấn luyện và chỉ chỗ sai cho AI học và tự sửa chữa.

Trong ví dụ kinh điển thường dùng để giải thích về AI, hệ thống được cho xem hàng loạt ảnh mèo và phải làm bài toán nhận diện - xem ảnh bất kỳ và xác định đó có phải là mèo không.

Mỗi câu trả lời sẽ được ghi nhận là đúng hay sai, và AI sẽ học từ các câu trả lời sai để hoàn thiện tính chính xác trong việc nhận diện ảnh mèo. Trong trường hợp nhận diện giọng nói, bài toán đặt ra là AI cần hiểu chính xác lời người dùng.

Nhưng vì giọng và lời nói của con người là vấn đề cực kỳ phức tạp và không có khuôn mẫu, con người buộc phải xuất hiện để giúp AI nhận biết đúng sai, chỉnh sửa những từ mà AI không nghe được hoặc nghe nhầm.

Facebook cần con người giúp AI nghe và "rã băng" tốt hơn để phục vụ người dùng. Alexa, Apple và Google cần con người tham gia giúp Siri và Google Assistant nghe và hiểu người dùng tốt hơn, để máy móc không ngớ ngẩn khi nghe và đáp lời con người. Còn Microsoft cần để con người giúp AI của Skype dịch chuẩn hơn.

Cách bào chữa trên nghe có vẻ hợp lý, vì rõ ràng dù trợ lý ảo ngày nay có mặt khắp nơi song chuyện máy móc trò chuyện một cách tự nhiên và trơn tru với con người như trong phim ảnh hãy còn xa.

Ai mà chưa từng nổi điên vì Siri quá ngớ ngẩn, hay Google Assistant hỏi một đàng trả lời một nẻo? Đó là chưa kể chuyện nhận dạng giọng nói cho đúng thôi đã khó, huống hồ phản hồi đúng ngữ cảnh.

Tuy nhiên, không thể lấy mục đích để biện minh cho phương tiện. Vả chăng, ngay cả khi đồng ý rằng các công ty công nghệ cần phải cải thiện AI vì đằng nào cũng để phục vụ người dùng tốt hơn, người dùng vẫn phẫn nộ vì bị lừa dối.

Các hãng công nghệ đều cho biết các mẩu ghi âm chuyển cho bên thứ ba đã được xử lý để không làm lộ thông tin cá nhân, nhưng chỉ riêng việc biết được những gì mình nói - có khi là những gì riêng tư nhất - lại bị ghi âm và chuyển cho người khác nghe là đã đủ làm người dùng phẫn nộ vì bị xâm phạm riêng tư.

Chí ít hãy minh bạch

Cả 5 gã khổng lồ công nghệ đều có cùng một chiêu phòng thủ mỗi khi xảy ra bê bối về quyền riêng tư: việc họ thu thập dữ liệu người dùng để "cải thiện chất lượng dịch vụ" đều được chính người dùng đồng ý và thông qua, vì tất cả có ghi rõ trong "nội quy sử dụng", mà thường... chẳng ai đọc.

Mà có đọc cũng khó nhận ra được những ngôn từ được lựa chọn cẩn thận để che giấu sự thật đằng sau. Chẳng hạn, Skype có nói rõ phần mềm này sẽ thu thập và sử dụng các đoạn hội thoại dùng tính năng phiên dịch để cải thiện sản phẩm và dịch vụ, nhưng đâu có nói rõ là con người sẽ tham gia nghe chỗ dữ liệu đó?

Tác giả Jason Aten viết trên Inc là người dùng đặc biệt phẫn nộ với trường hợp của Skype. Ta có thể tạm chấp nhận việc mệnh lệnh của mình với những trợ lý ảo như Siri hay Google Assitant có thể được dùng để phân tích, hỗ trợ phát triển sản phẩm, vì đằng nào các thông tin đó cũng là ta nói chuyện với máy móc.

Nhưng với Skype, thật khó để chấp nhận trao đổi giữa ta và người khác, thực hiện qua một kênh riêng tư là gọi điện thoại, lại bị một bên thứ ba nghe được. Liệu trong tương lai, cũng với chiêu bài "để hoàn thiện AI", Apple, Google, hay Facebook sẽ để con người đọc tin nhắn của người dùng nữa sao?

Người dùng tin rằng các hãng công nghệ sẽ đảm bảo riêng tư cho họ đúng như cam kết, và những gã khổng lồ này lẽ ra phải sòng phẳng với người đã bỏ tiền ra mua sản phẩm và tạo ra dữ liệu để làm giàu cho họ, nhưng họ đã không làm thế.

Đồng hồ thông minh, điện thoại thông minh, loa thông minh chỉ làm đúng những gì chúng được thiết kế, chỉ có điều người dùng không biết ai thực sự nghe những gì mình nói. Ta cứ tưởng máy móc tự xử lý, hóa ra có cả con người.

"Các hãng công nghệ tình cờ lại chẳng cho người dùng biết họ có microphone luôn bật và sẵn sàng ghi âm trên cổ tay hay phòng khách nhà mình" - tác giả Sidney Fussell viết trên The Atlantic.

Theo Aten trên Inc, những bê bối này hoàn toàn không đáng có và có thể tránh được nếu các hãng công nghệ đừng dùng lời che đậy khéo léo trong "nội quy sử dụng", thường được viết bằng thứ ngôn ngữ cho phép họ có thể làm điều mình muốn mà không nói rõ cho người dùng biết chính xác họ làm gì.

"Thay vào đó, các hãng công nghệ chỉ cần nói thẳng rằng người dùng cần phải hợp tác thế nào, chẳng hạn phải cấp quyền để ứng dụng ghi âm và nghe lại một số đoạn hội thoại sau này, để các sản phẩm và dịch vụ họ yêu thích có thể hoạt động tốt hơn" - Aten viết.

Lựa chọn là của chúng ta

Cả 5 gã khổng lồ Internet đều đã tuyên bố tạm ngưng việc thuê người nghe ghi âm của người dùng, hoặc cho phép người dùng tắt tính năng nhằm "hỗ trợ cải thiện sản phẩm" này. Nhưng đó chỉ là chuyện trước mắt.

Về tương lai lâu dài, người dùng đừng quên ta luôn có quyền lựa chọn. Khi chọn thông minh hóa cuộc sống nghĩa là cho phép các hãng công nghệ "luôn luôn lắng nghe" những gì được nói lên thành lời trong nhà mình.

Đổi lại, như April Glaser viết trên Slate, người dùng phải chấp nhận rằng "mọi khoảnh khắc riêng tư thân mật của chúng ta nhiều khả năng sẽ bị thu thập và gửi cho những người nhận lương bèo bọt (được thuê) để kiểm tra chúng, giúp cải thiện các sản phẩm của những tập đoàn tỉ đôla".

Chúng ta cần xem lại liệu các trợ lý ảo có thật sự giúp cuộc sống của ta tốt đẹp hơn hay không là biết được chuyện "đổi riêng tư lấy tiện lợi" kia có cần thiết và hợp lý hay không.■

Khi những trợ lý ảo, loa thông minh hay mới nhất là xu hướng thiết bị giao tiếp video như Facebook Portal và Google Home Hub bắt đầu phổ biến, đời sống con người ngày càng tiện lợi hơn.

Những thứ trước đây khó hình dung có thể thành sự thật như nói chuyện với cái đồng hồ hay ngồi phòng khách mà ra lệnh cho một món đồ điện tử trong bếp và được đáp lời giờ đã là chuyện bình thường. Nhưng cần nhớ: để có được sự kỳ diệu đó, ta đã mang "tai mắt" vào nhà, đến tận phòng ngủ.

Lại Lại 'tuyên bố Facebook’ để bảo mật thông tin cá nhân

TTO - Rất nhiều người dùng mạng xã hội Facebook tại Việt Nam lại tiếp tục 'bị lừa' đăng thông tin tuyên bố với Facebook về quyền riêng tư thông tin, hình ảnh cá nhân.

TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên