05/12/2020 11:27 GMT+7

Tàu hải cảnh lớn của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm trên Biển Đông

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Liên tục trong tháng 11 vừa qua, tàu hải cảnh 5204 của Trung Quốc đã lảng vảng gần các nhà giàn DK1 ở bãi Tư Chính của Việt Nam. Có lúc nó chỉ cách các nhà giàn khoảng 5 hải lý và ngang nhiên đi sâu vào lô dầu khí 06-01.

Tàu hải cảnh lớn của Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm trên Biển Đông - Ảnh 1.

Tàu hải cảnh 5204 có lượng choán nước đầy tải hơn 2.000 tấn, được trang bị pháo hạm 76mm - Ảnh chụp màn hình

Báo cáo mới công bố ngày 4-12 của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ cho thấy đại dịch COVID-19 không làm giảm sự hiện diện của hải cảnh Trung Quốc trong khu vực.

Dựa trên Hệ thống nhận dạng tự động (AIS), CSIS nhận thấy các tàu hải cảnh Trung Quốc đã liên tục hiện diện ở các bãi cạn mang tính biểu tượng trong yêu sách đường 9 đoạn vô lý. Dữ liệu được CSIS thu thập từ một nguồn mở là MarineTraffic, một chuyên trang theo dõi tàu thuyền thế giới.

Việc phát hay không phát AIS tùy thuộc vào quyết định của người điều khiển tàu, dù có quy ước các tàu lớn nên bật AIS để tránh va chạm. CSIS nhận định việc hải cảnh Trung Quốc chủ động bật AIS khi di chuyển trên Biển Đông là một động thái "chứng tỏ sự hiện diện" nhằm phục vụ cho các yêu sách vô lý của nước này.

Trong 12 tháng qua, tính từ ngày 1-12-2019 đến ngày 1-12-2020, hải cảnh Trung Quốc đã tăng tần suất xâm nhập và thời gian hiện diện ở bãi Cỏ Mây, bãi Tư Chính của Việt Nam cùng các bãi Luconia, bãi Scarborough.

Trung tâm nghiên cứu của Mỹ nhận định hành vi của tàu hải cảnh 5204 giống với các tàu hải cảnh đã xuất hiện ở bãi Luconia. Các tàu Trung Quốc khi đi vào bãi cạn Luconia thường áp sát các tàu dịch vụ và giàn khoan dầu khí của Malaysia gần đó. Điều này cho thấy đây là một chiến thuật tuần tra hẳn hoi của Trung Quốc.

Các thực thể bị Trung Quốc xâm chiếm và cải tạo thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang đóng vai trò hỗ trợ đắc lực cho các tàu hải cảnh. 

Ví dụ, đá Chữ Thập - vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng - được sử dụng như một trung tâm hậu cần và tiếp liệu cho tàu 5204 và các tàu công vụ khác của Bắc Kinh.

Bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã đưa ra các yêu sách vô lý với bãi Tư Chính của Việt Nam. Bắc Kinh lập luận các khu vực này nằm trong đường 9 đoạn nên đương nhiên Trung Quốc có quyền kiểm soát.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định bãi Tư Chính là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. "Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh hồi tháng 10-2019.

Tình hình Biển Đông khó Tình hình Biển Đông khó 'hạ nhiệt' trong năm 2021

TTO - Tình hình Biển Đông được dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng trong năm 2021 và đòi hỏi sự hợp tác, thiện chí cũng như tăng cường chia sẻ thông tin của các bên.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0