27/06/2020 20:24 GMT+7

Thanh niên không chịu ra xã hội, cha mẹ Nhật chi tiền, dùng bạo lực để 'trấn áp'

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Nhiều bậc phụ huynh ở Nhật Bản đang trả hàng chục ngàn đôla Mỹ cho các công ty dịch vụ chuyên giúp con mình là hikikomori tái hòa nhập xã hội.

Thanh niên không chịu ra xã hội, cha mẹ Nhật chi tiền, dùng bạo lực để trấn áp - Ảnh 1.

Nhiều công ty đang hưởng lợi nhờ các biện pháp cực đoan để kéo hikikomori ra khỏi nhà, một số công ty đang bị điều tra - Ảnh minh họa

Hiện tượng hikikomori được giáo sư tâm lý Tamaki Saito xác định vào cuối những năm 1990 và hiện được nhà chức trách Nhật xác định là người không đi làm hay đi học ít nhất 6 tháng, đồng thời hiếm khi tương tác với người bên ngoài nhà của họ.

Theo số liệu thống kê của Chính phủ Nhật Bản, trên cả nước có khoảng 1,15 triệu hikikomori trong độ tuổi 15-64, nhưng giáo sư Saito nói rằng con số thực tế có lẽ còn lớn hơn.

Mới đây, tờ South China Morning Post (SCMP) ghi nhận hiện trạng mới, đó là các bậc cha mẹ Nhật đang trả nhiều tiền cho các công ty dịch vụ sử dụng bạo lực để giúp con họ tái hòa nhập xã hội. Điều này gây ra nhiều tranh cãi và thậm chí tác dụng ngược.

Như mẹ của một hikikomori ở Tokyo đã trả cho công ty có tên Elixir Arts 5,7 triệu yen (khoảng 53.300 USD) để mong con gái mình hòa nhập xã hội. Nhưng các nhân viên của Elixir Arts đã phá vỡ cửa phòng, buộc cô gái hikikomori ra khỏi phòng, lấy tiền và điện thoại của cô gái, rồi giam cô trong một ký túc xá do công ty điều hành.

Vào ngày 15-6, một hikikomori khác gửi đơn khiếu nại lên cảnh sát Tokyo về trường hợp tương tự. Cha mẹ anh này đã trả 7 triệu yen (65.400 USD) cho một công ty để kéo anh ta ra khỏi nhà, đưa anh ta vào viện tâm thần trong 50 ngày và giam thêm 40 ngày trong ký túc xá.

Sự tuyệt vọng tới mức khiến phụ huynh Nhật Bản phải hành động quyết liệt như vậy một phần là những vụ bạo lực hiếm hoi nhưng khủng khiếp gây ra bởi hikikomori.

Lần gần đây nhất là ngày 4-6 tại Kobe, một hikikomori 23 tuổi bỏ học đại học bị bắt giữ sau khi thừa nhận bắn 4 người trong gia đình bằng một cây nỏ, giết chết 3 người và làm người thứ 4 bị thương nặng.

Sự việc này đặt ra những khó khăn trong việc đối xử với hikikomori, nỗi sợ hãi của nhiều phụ huynh và những phương pháp bạo lực do một số công ty vô đạo đức đang thực hiện.

Những công ty này được gọi là hikidashiya, nghĩa đen là kéo mọi người ra khỏi nhà. Một số công ty đang bị điều tra vì những phương pháp họ áp dụng.

"Tôi rất quan tâm tới hikidashiya. Phụ huynh trả số tiền rất lớn và họ thì dùng bạo lực ép hikikomori ra khỏi nhà. Quan điểm của tôi là những phương pháp này không cho kết quả tốt" - Takahiro Kato, phó giáo sư tâm thần học tại Đại học Kyushu ở Fukuoka, cho biết.

Phó giáo sư Kato cũng thừa nhận những khó khăn mà các gia đình có hikikomori phải đối mặt và việc thuê hikidashiya thường là giải pháp cuối cùng.

Morisata Fukaya, nhân viên công tác xã hội tại tổ chức phi lợi nhuận Kazoku Hikikomori, tin rằng các yếu tố văn hóa giải thích cho sự phổ biến của hikikomori ở Đông Á, vốn cũng xuất hiện nhiều ở Hàn Quốc, Đài Loan hay Hong Kong, bên cạnh Nhật Bản.

"Tôi xem hikikomori như một chiếc xe không có xăng. Nếu bạn cố gắng di chuyển chiếc xe thì sẽ không được. Xăng chính là sự tôn trọng và tình yêu", Fukaya cho biết, đồng thời khuyên nhủ các gia đình phát triển việc hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên.

Rất nhiều trường hợp cha mẹ già chăm sóc những hikikomori đã ở tuổi trung niên và khi cha mẹ quá già để chăm sóc hay mất đi, những hikikomori có thể xa lánh xã hội hơn nữa.

Nhưng theo phó giáo sư Kato, có một điều thú vị đó là vì COVID-19 mà nhiều hikikomori cho rằng họ đã giảm bớt cảm giác xấu hổ hơn vì ai cũng phải ở trong nhà giống họ.

Nhưng bây giờ mọi người đang quay trở lại cuộc sống bình thường và đây là giai đoạn khó khăn. Ngoài ra, cũng có nhiều lo ngại rằng vì mọi người phải ở nhà do COVID-19, số lượng hikikomori có thể sẽ tăng lên.

Nhật Bản ‘khát’ hộ lý, điều dưỡng viên Việt Nam Nhật Bản ‘khát’ hộ lý, điều dưỡng viên Việt Nam

TTO - Trong 5 năm tới, Nhật Bản cần khoảng 25.000 hộ lý, điều dưỡng viên và Việt Nam là một trong ba nước mà Nhật Bản đang phối hợp để tuyển hộ lý, điều dưỡng viên.

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên