26/11/2019 21:32 GMT+7

Thầy kêu phản biện, sinh viên đáp 'thầy cứ đọc em chép cả ngày cũng được'

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - "Khi tôi đề nghị sinh viên phải thảo luận, phản biện ý kiến của thầy cô, nhiều em thậm chí cảm thấy sợ rồi bảo thầy cứ dạy đi, đọc em chép cả ngày cũng được, chỉ cần đến khi thi thầy chỉ chỗ nào em học để thi thôi".

Thầy kêu phản biện, sinh viên đáp thầy cứ đọc em chép cả ngày cũng được - Ảnh 1.

ThS Trần Đắc Minh Trung trao đổi với các giảng viên và sinh viên chiều 26-11 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại buổi trao đổi "Kỹ năng 4.0 nhu cầu quốc tế và năng lực đáp ứng của sinh viên Việt Nam".

Hội thảo chuyên đề này do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức chiều 26-11.

Theo ThS Nguyễn Tuấn Nghĩa - giảng viên khoa Việt Nam học, con đường chiếm lĩnh kỹ năng 4.0 sẽ không ít khó khăn vì môi trường giáo dục ở nước ta có quá nhiều vấn đề (cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên, chương trình đào tạo…).

"Thực sự nhiều giảng viên như tôi bản thân hơi không tự tin lắm về việc mình đã có các kỹ năng đó chưa để có thể truyền đạt cho sinh viên. Chương trình đào tạo của ta theo lối mòn từ lâu, các môn học được dạy theo lối truyền thống nên việc tích hợp đào tạo kỹ năng để thay đổi thói quen không dễ dàng.

Bản thân sinh viên cũng không muốn thay đổi. Khi tôi đề nghị sinh viên phải thảo luận, phản biện ý kiến của thầy cô, nhiều em thậm chí cảm thấy sợ rồi bảo thầy cứ dạy đi, đọc em chép cả ngày cũng được, chỉ cần đến khi thi thầy chỉ chỗ nào em học để thi thôi. Vậy con đường chiếm lĩnh kỹ năng 4.0 này nên bắt đầu từ giảng viên hay sinh viên hay nhà trường?", ông Nghĩa thắc mắc.

Trao đổi về vấn đề này, ThS Trần Đắc Minh Trung, chuyên gia công nghệ đổi mới - sáng tạo - giáo dục tại ĐH Harvard (Hoa Kỳ), cho rằng việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và Internet ở Việt Nam có chi phí thấp là lợi thế vô cùng lớn với giới trẻ trong nước.

Ông còn cho biết các nhà tuyển dụng hiện đang tập trung đầu tư và khuyến khích các lĩnh vực: tính sáng tạo, suy nghĩ linh hoạt, và học chủ động. Đây là những xu thế gắn liền với giáo dục khai phóng, phát triển kỹ năng các nhà tuyển dụng ở Việt Nam đang chú trọng đầu tư.

Ngân hàng Thế giới đã đưa ra khuyến nghị với Việt Nam trong một báo cáo: xác định các kỹ năng sinh viên cần có, tạo điều kiện để sinh viên rèn kỹ năng, có lộ trình rõ ràng để phát triển kỹ năng công nghệ đi kèm với kỹ năng mềm.

Thực tế, một người để lãnh đạo một team công nghệ phát triển không chắc là họ giỏi về công nghệ nhưng học rất giỏi về các yếu tố con người, kết nối người khác, giúp thúc đẩy mọi người làm việc nhanh hơn; kỹ năng phân tích và quản lý số liệu; kỹ năng sử dụng nền tảng quản lý thông tin; tư duy phản biện và kỹ năng giao tiếp tốt.

Cần phải thông thạo về mặt công nghệ, truyền thông thương hiệu bản thân, kỹ năng sử dụng mạng xã hội… "Giáo dục khai phóng gắn liền với giáo dục kỹ năng. Muốn có kỹ năng tốt hơn bạn phải hiểu rõ chính mình và nắm rõ kiến thức trong thời đại công nghệ", ông Trung nhấn mạnh.

Trong khi đó, ThS Cao Văn Quang - giảng viên khoa công tác xã hội - cho rằng những người có trí tuệ cảm xúc tốt thường rất dễ thành công. Trong đào tạo kỹ năng 4.0 có quan tâm gì đến giáo dục trí tuệ cảm xúc?

Về việc này, ThS Trần Đắc Minh Trung cho biết nếu muốn phát triển trí tuệ cảm xúc, điều quan trọng là phải thực nghiệm nhiều. Nhiều trường đại học ở Mỹ còn sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ sinh viên phân tích giọng nói của mình, nhận diện cảm xúc giao tiếp; phỏng vấn tuyển dụng với người ảo để phân tích hành vi và cảm xúc.


TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên