12/11/2019 08:27 GMT+7

Thấy lừa đảo, gọi đường dây nóng

ÁI NHÂN - ĐOÀN CƯỜNG
ÁI NHÂN - ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an phối hợp với các tỉnh thành nghiên cứu lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh của người dân khi bị lừa đảo.

Thấy lừa đảo, gọi đường dây nóng - Ảnh 1.

Người dân tố cáo, đòi lại tiền chủ dự án đất nền “ma” (Q.9, TP.HCM) của Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Angel Lina - Ảnh: NGỌC HÀ

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo trong xã hội.

Nhiều hình thức lừa đảo mới

Gần đây xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, gây bức xúc trong xã hội. Từ việc lừa đảo trong kinh doanh đa cấp tới lừa đảo trong chuyển nhượng đất đai...

Và đặc biệt hơn là hình thức lừa đảo qua mạng Internet, mạng viễn thông, qua các app trên mạng... có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua, với nhiều cách thức nhằm chiếm đoạt tiền của người dân.

Chị Trần Thoa (33 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay mấy tháng qua, chị và nhiều thành viên đầu tư vào "dự án 4.0" có tên Danger đã lao đao vì bị lừa đảo. Chị Thoa đã gửi đơn thư tố giác đến cơ quan công an việc mình bị lừa tiền nhưng cũng chưa biết sẽ được giải quyết ra sao.

Chị Thoa cho biết mấy tháng trước có người bạn thân rủ đầu tư vào dự án trên. Chị được bạn giải thích hình thức đầu tư này là thời đại công nghệ "4.0", đầu tư ủy thác online vào dự án ở nước ngoài trong thời gian ngắn, lãi suất rất cao, trả hằng ngày.

"Mỗi gói đầu tư là 720.000 đồng, mỗi ngày nhận lãi chuyển khoản là 65.000 đồng, liên tục trong 26 ngày", chị Thoa kể.

Do thấy lãi suất cao, chị Thoa tham gia và đã chuyển tiền đầu tư qua tài khoản cho người bạn thân. Sau đó, người bạn này chuyển khoản cho trưởng nhóm tên B.T.. Tiếp đó, trưởng nhóm chuyển khoản cho "trưởng dây" tên V., rồi V. chuyển khoản tiếp lên "đầu nguồn" tên N..

Cứ trước 17h hằng ngày, lãi được chuyển từ "đầu nguồn" tuần tự xuống đến cá nhân qua các tài khoản của mắt xích trong đường dây. Mỗi cá nhân rủ thêm được người khác tham gia đầu tư sẽ hưởng hoa hồng 60.000 đồng/gói/suất mới tham gia.

Thấy thuận lợi, chị Thoa quyết định đầu tư 70 gói, tổng cộng hơn 50 triệu đồng. Nhưng chị Thoa mới được trả lãi hai ngày hơn 9 triệu đồng thì "dự án bị trục trặc". "Đến nay đã hơn hai tháng, số tiền đầu tư còn lại của tôi coi như bị mất trắng bởi không biết ai mà liên lạc...", chị Thoa kể.

Tương tự, chị N.T.K., trú Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng, cũng bị lừa đảo từ việc nhận được một cuộc gọi của người tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo có giấy triệu tập của "Tòa án Hà Nội" và hướng dẫn chị bấm phím số 9 trên điện thoại để gặp cán bộ điều tra.

Khi bấm phím xong, chị K. được một người xưng là "trung úy Hoàng - phòng cảnh sát hình sự" thông báo chị bị tình nghi phạm tội mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền.

Sau đó, "trung úy Hoàng" đã yêu cầu chị K. phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để tạm giữ trong thời gian chờ xác minh. "Cán bộ Hoàng" cũng yêu cầu chị K. phải giữ bí mật để không bị lộ chuyên án điều tra.

Để đánh lừa và tạo lòng tin, trên tài khoản Zalo của các đối tượng lừa chị K. còn để hình đại diện các cán bộ công an. Và chị K. đã nhiều lần chuyển vào tài khoản của các "cán bộ" trên với số tiền hơn 10 tỉ đồng. Sau đó thì không thể liên lạc được với các "cán bộ" này.

Thấy lừa đảo, gọi đường dây nóng - Ảnh 2.

Đường dây nóng là một kênh để người dân phản ảnh thông tin các vụ việc có dấu hiệu lừa đảo những dự án “ma” - Ảnh: M.THƯƠNG

Công an gửi thông tin cảnh báo

Ngoài trường hợp của chị K., thời gian qua trên địa bàn các tỉnh thành cũng như tại TP Đà Nẵng, không ít người dân đã bị dọa nạt, lừa đảo. Để cảnh báo người dân, Công an TP Đà Nẵng liên tục gửi đăng báo thông tin các hình thức lừa đảo như thủ đoạn gọi điện, giả danh công an, tòa án, viện kiểm sát... hù dọa bằng các quyết định giả được "tống đạt" qua Internet, Zalo...

Theo đại tá Trần Mưu - phó giám đốc Công an Đà Nẵng, công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại. Khi có yêu cầu làm việc sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập gửi đến người dân.

Cơ quan công an cũng không có tài khoản ngân hàng mang tên cá nhân và không yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh vô tội. Người dân cần lưu ý tất cả số điện thoại giả mạo theo số máy của cơ quan chức năng được thực hiện qua mạng Internet, nếu chỉ kiểm tra số máy gọi đến qua tổng đài 1080 sẽ không phát hiện được.

Đại tá Trần Mưu cảnh báo khi xảy ra tình huống bị lừa đảo, người dân không được chuyển tiền ngay mà kịp thời báo cho cơ quan công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Nếu đã chuyển tiền thì liên hệ ngay với ngân hàng nơi gửi hoặc thông báo cho cơ quan công an để phong tỏa tài khoản, ngăn chặn thiệt hại.

Phòng tham mưu Công an TP Đà Nẵng cũng cho biết thêm hiện công an TP có số điện thoại đường dây nóng 113. Số điện thoại này được tích hợp để nhận các nội dung phản ảnh của người dân liên quan đến an ninh trật tự, tố giác tội phạm, trong đó có lừa đảo tài sản nên khi gặp sự cố, người dân nên gọi ngay vào số điện thoại trên.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ về việc tố cáo tội phạm lừa đảo tại TP.HCM, một cán bộ Công an TP.HCM cho biết giữa năm 2016, Công an TP.HCM cũng đã công bố số điện thoại đường dây nóng (08.3864.0508) để người dân có thể thông tin, trình báo về chiếm đoạt tài sản, lừa đảo qua mạng Internet.

Người bị hại đã chuyển tiền vào các website, tài khoản... cũng có thể liên hệ Phòng cảnh sát kinh tế (PC03) để trình báo. "Do nhiều nguyên nhân, sau một thời gian số điện thoại đường dây nóng trên không còn duy trì được...", vị cán bộ Công an TP.HCM nói.

Theo vị cán bộ này, hiện nay hành vi lừa đảo thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu sẽ do Phòng cảnh sát hình sự thụ lý giải quyết. Người dân có thể liên hệ, trình báo, tố giác đến phòng này và công an các quận huyện, phường xã để được giải quyết. Tin tố giác lừa đảo của người dân sẽ được tiếp nhận xử lý theo quy định hiện hành.

Thời gian qua, Công an TP.HCM cũng tiếp nhận, xử lý một số vụ việc lừa đảo điển hình và đã có phát đi cảnh báo đến người dân thông qua cổng thông tin điện tử (vào ngày

25-10-2019). Hoặc Công an quận 1 cũng phát đi cảnh báo trên cổng thông tin điện tử của Công an TP (ngày 16-10-2019).

Thấy lừa đảo, gọi đường dây nóng - Ảnh 3.

Cần có đường dây nóng

Cùng chia sẻ thêm, luật sư Nguyễn Huy Việt (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng thời gian qua đã xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền của rất nhiều nạn nhân một cách tinh vi thông qua điện thoại, mạng xã hội (group, hội, nhóm). Nhất là các hình thức lừa đảo kêu gọi đầu tư, mua bán (đất đai, dự án, hàng hóa...) dạng đa cấp.

Điển hình như mới đây, Bộ Công an cảnh báo dấu hiệu lừa đảo với ví điện tử PayAsian chưa được cấp phép, đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam nhưng đã quảng cáo rầm rộ lôi kéo người tham gia với mức hoa hồng "khủng". Hoặc vụ việc Công ty Alibaba lừa đảo bán đất dự án dạng đa cấp bị Bộ Công an triệt phá mới đây.

Chính vì xuất hiện quá nhiều hình thức lừa đảo nên theo luật sư Huy Việt, cần phải có đường dây nóng tố giác các hành vi lừa đảo để người dân khi cần là gọi ngay. Bởi theo luật sư Việt, đường dây nóng sẽ giúp người dân thuận tiện tố giác tội phạm vì thủ tục đến cơ quan công an trình báo, viết văn bản tố giác trình bày sự việc... sẽ mất thời gian, phiền hà cho người dân.

Đồng thời, cơ quan công an các cấp khi tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng cần quyết liệt vào cuộc xử lý mới góp phần hạn chế tình trạng lừa đảo.

Luật sư Việt cũng đưa ra lời khuyên đối với người dân về các dấu hiệu có thể nhận ra hành vi lừa đảo như: rủ rê bán hàng, kêu gọi đầu tư với thủ tục đơn giản nhưng lãi "khủng", thời gian thu hồi vốn và lãi ngắn...

"Dù thủ đoạn nào, lôi kéo nạn nhân từng bước nhưng đích nhắm đến của bọn lừa đảo là tiền. Vì vậy, người dân cần cảnh giác. Không thể có hình thức kiếm được nhiều tiền mà lại dễ dàng cả...", luật sư Huy Việt nói.

Quy trình tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác tội phạm

ainhan-tocaoalibaba ngay 11-11 5(read-only)

Các nạn nhân đến Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tố cáo vụ lừa đảo của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba được cán bộ công an hướng dẫn, tiếp nhận - Ảnh: A.N.

Thông tư liên tịch số 01/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Theo đó, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm gồm: cơ quan điều tra; công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an; cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (hải quan, biên phòng, kiểm lâm, kiểm ngư...); viện kiểm sát các cấp; tòa án các cấp; cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

Người dân, tổ chức có thể tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố qua dịch vụ bưu chính, điện thoại, qua phương tiện thông tin khác hoặc trực tiếp đến báo tin. Và các cơ quan công an tiếp nhận thông tin tố giác thì phải thực hiện theo quy trình như:

- Tiếp nhận, phân loại. Ngay khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm phải ghi vào sổ tiếp nhận. Trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận phải phân loại và giải quyết ngay nếu thuộc thẩm quyền. Nếu không thuộc thẩm quyền thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn không quá 24 giờ.

- Giải quyết sự việc. Trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì thủ trưởng cơ quan điều tra, cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp chỉ đạo cấp dưới giải quyết hoặc ra quyết định phân công cấp phó chỉ đạo, thụ lý giải quyết. Thời hạn giải quyết tối đa là 20 ngày. Trường hợp vụ việc phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá 2 tháng.

- Thông báo kết quả tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày kết thúc việc giải quyết các đơn từ trên, các cơ quan có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã có thông tin tố giác...

* Luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM):

Ai, khi nào trình báo hành vi lừa đảo?

h2-luật sư hứa thị thảo ngay 11-11 2(read-only)

Việc lãnh đạo Chính phủ yêu cầu lập đường dây nóng để người dân tố giác lừa đảo thể hiện quyết tâm đấu tranh loại tội phạm này của Bộ Công an và Chính phủ. Tuy nhiên cần nhận diện hành vi lừa đảo, bị lừa khi nào để tố giác, trình báo chứ không phải thực hiện tràn lan.

Người dân cần nâng cao hiểu biết để nhận diện, cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo hiện nay. Khi rơi vào các tình huống có dấu hiệu bị lừa đảo (hù dọa, dẫn dắt, phủ dụ...), người dân cần trình báo thông qua đường dây nóng để công an có kế hoạch đấu tranh phù hợp chứ không phải đợi đến lúc bị chiếm đoạt tài sản mới trình báo.

Ngoài nạn nhân trực tiếp bị lừa đảo, pháp luật hình sự cho phép người biết, phát hiện sự việc, hành vi có dấu hiệu lừa đảo cũng có quyền trình báo, tố giác. Ví dụ thành viên trong gia đình có người thân, con cái bị dụ dỗ bán hàng đa cấp lừa đảo thì có thể tố giác qua đường dây nóng hay đến trực tiếp cơ quan công an. Ngoài ra bất cứ người dân nào khi biết hàng xóm, người khác bị dẫn dụ, lừa đảo cũng có thể tố giác với các cơ quan công quyền.

* Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM):

Cần xây dựng quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo

luat su đức ngay 11-11 a 2(read-only)

Hiện nay, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và thông tư liên tịch số 01/2017 đã quy định cụ thể về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của các cơ quan có thẩm quyền.

Do đó khi Bộ Công an có đường dây nóng thống nhất để tiếp nhận, xử lý tội phạm lừa đảo là thực hiện đúng quy định pháp luật, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người tố giác cũng như tạo nguồn tin để cơ quan có thẩm quyền dựa vào đó đấu tranh hiệu quả với tội phạm.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là để đường dây này không "nguội", không thành "phong trào", Bộ Công an cần xây dựng thêm quy định, quy chế để ràng buộc trách nhiệm của lực lượng công an thực hiện cho thống nhất. Cụ thể:

Cần thiết phải quy định đầu mối tiếp nhận cuộc gọi trình báo của người dân. Quy định rõ việc lưu cuộc gọi của người dân như thế nào. Đầu mối tiếp nhận chuyển thông tin cho đơn vị có thẩm quyền giải quyết ra sao. Giám sát việc tiếp nhận cuộc gọi và chuyển đơn vị xử lý theo trình tự...

Chính những điều trên sẽ ràng buộc trách nhiệm thực hiện giữa đầu mối tiếp nhận và các cơ quan có thẩm quyền liên quan của lực lượng. Việc này cũng tránh trường hợp người dân nói có gọi điện trình báo nhưng bên tiếp nhận nói không.

Ngoài ra cũng cần quy định trách nhiệm thông báo cho người dân, tổ chức về việc cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận, thụ lý giải quyết và kết quả giải quyết như thế nào. Cuối cùng, cần quy định chế tài, xét thi đua, khen thưởng cho lực lượng gắn với trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo qua điện thoại này.

Tiền Giang: đặt biển báo số điện thoại nóng bên đường

* Thượng tá Phan Văn Khoa (trưởng phòng tham mưu tổng hợp Công an tỉnh Tiền Giang): Chúng tôi đã triển khai xuống công an các địa phương. Hiện nay ở công an các huyện, thị đều có đường dây nóng tiếp nhận tin báo tố giác các loại tội phạm này.

Số điện thoại đường dây nóng các đơn vị này được dán công khai và có biển thông tin ở hầu hết các tuyến đường để người dân khi gặp nạn có thể gọi điện trình báo. Khi nhận được trình báo chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin ban đầu để có hướng xử lý tiếp theo.

* Đại tá Ngô Xuân Tư (trưởng Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang): Công an huyện đã đặt trên 100 biển báo thông tin, số điện thoại ở tất cả các tuyến đường, để khi người dân bị nạn có thể gọi trình báo sớm nhất.

Tuy nhiên trong thời gian qua chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn khi đa số người dân lo lắng, không trình báo công an kịp thời khi bị lừa đảo. Các đối tượng lừa đảo lợi dụng điều này để khủng bố tinh thần làm cho người dân hoang mang lo sợ mà không dám đi tố cáo.

Tôi xin thông tin lại là tất cả người dân đều có quyền tố cáo khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu lừa đảo. Khi người dân phát hiện vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, hãy bình tĩnh hợp tác với cơ quan công an để có hướng triển khai đấu tranh với các đối tượng lừa đảo.

H.Thương ghi

Lừa đảo gia tăng, Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn, xử nghiêm Lừa đảo gia tăng, Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn, xử nghiêm

TTO - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo trong xã hội.

ÁI NHÂN - ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên