28/08/2020 09:24 GMT+7

Thế giới như tôi thấy - Kỳ cuối: Người trẻ Việt trăn trở gì?

KHOA THƯ - BÌNH MINH
KHOA THƯ - BÌNH MINH

TTO - Đại dịch COVID-19, ô nhiễm môi trường, thiên tai và những mối nguy trên không gian mạng, thế hệ trẻ ngày nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức của thời đại họ đang sống.

Thế giới như tôi thấy - Kỳ cuối: Người trẻ Việt trăn trở gì? - Ảnh 1.

Tham vấn giới trẻ tại Diễn đàn thanh niên UN75 ở Hà Nội tháng 5-2020 - Ảnh: LHQ tại Việt Nam

Người trẻ cần được trang bị kỹ năng xã hội, tư duy phản biện và khả năng phục hồi. Giáo dục, vì thế, đóng vai trò quan trọng nhằm xây dựng một nền tảng tốt và chuẩn bị cho người học những thứ cần thiết để vượt qua những khó khăn trong thế giới ngày càng biến động với các thách thức khó lường như dịch bệnh, thiên tai.

Michael Croft

Ông Michael Croft - trưởng đại diện của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam, người đồng thời là trưởng nhóm hành động vì thanh niên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) - chia sẻ: "Đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ và đồng thời đặt ra nhiều thách thức lớn nhỏ cho toàn nhân loại. 

Có một điều khá rõ ràng rằng những người ứng phó tốt nhất trong đại dịch là những người biết cách thích nghi. Tôi có một niềm tin rằng, về phần mình, người trẻ cũng đang nỗ lực hết sức để thay đổi thế giới và cải thiện tình hình bằng chính năng lượng và sức sáng tạo vô biên".

* Nhiều trường học đã buộc phải chuyển sang hình thức học trực tuyến trước lo ngại đại dịch COVID-19 lây lan nhanh. 

Sự chuyển đổi này vô hình trung làm lộ ra những bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, và lấy đi cơ hội được học tập tốt hơn của hàng triệu học sinh - sinh viên. Hệ thống giáo dục của Việt Nam cần được thay đổi như thế nào để khắc phục vấn đề này?

- Đại dịch COVID-19 đã làm tỏ tường và trầm trọng hơn những bất bình đẳng cố hữu trong giáo dục. Trước hết, không phải nước nào cũng có thể ngay lập tức chuyển sang học trực tuyến và hình thức này cũng không phù hợp với tất cả mọi người. Ở nhiều nơi trên thế giới, học qua mạng vẫn chỉ có trong tưởng tượng.

Rất nhiều quốc gia tỏ ra lúng túng trong việc xử lý tình huống này. Có nhiều câu hỏi được đặt ra như làm sao để duy trì việc học cho học sinh khi trường học đóng cửa, cần phải làm gì để đảm bảo an toàn cho học sinh khi trường học mở cửa trở lại? Việt Nam không nằm ngoài vùng bị ảnh hưởng, đặc biệt là đối với học sinh ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Do đó, cần có sự lưu ý đặc biệt và chung tay của cả Chính phủ, các nhóm hoạt động xã hội và khu vực tư nhân để cùng làm việc với các em và tìm ra giải pháp. 

Vấn đề trước hết là làm sao để nâng cao kỹ năng số cho các em nhằm khắc phục những gián đoạn trong giáo dục gây ra bởi COVID-19. Kế đến là xem xét những kỹ năng nào là cần thiết phải đưa vào chương trình học để đảm bảo nguồn nhân lực có sức cạnh tranh cao và thích nghi tốt trước thách thức mới nổi lên.

* Đã từng có nhiều đối thoại với thanh niên trên toàn thế giới, ông có nhận thấy điều gì khác biệt trong mối quan tâm của giới trẻ Việt Nam với bạn bè của họ ở năm châu?

- Là một người đã làm việc với LHQ trong 22 năm tại nhiều văn phòng trên toàn cầu, tôi muốn nói rằng không phải sự khác biệt khiến bạn ngạc nhiên mà chính là sự giống nhau. Bất kể ở đâu, theo tôn giáo gì, hầu hết mọi người đều mưu cầu chung một vài thứ. 

Người trẻ Việt Nam chia sẻ với bạn bè của họ ở những nước khác mối trăn trở về biến đổi khí hậu và môi trường. Đó là vấn đề quan tâm hàng đầu, bên cạnh hòa nhập xã hội, công lý và bình đẳng, mà những người trẻ toàn thế giới gửi gắm đến LHQ trong cuộc tham vấn thanh niên do chúng tôi tổ chức vào tháng 5 vừa qua.

Đây là câu hỏi về sự tồn vong của con người và muôn loài. Và đó cũng là lý do tại sao ngày quốc tế thanh niên năm nay chúng tôi chọn vấn đề này để cùng các bạn trẻ, Chính phủ Việt Nam và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tập trung thảo luận và tìm kiếm các giải pháp sống xanh và cải thiện môi trường.

* Trong phát biểu nhân Ngày quốc tế thanh niên 12-8, ông có nói rằng thế hệ của ông đã để lại cho giới trẻ ngày nay một "di sản khó khăn" về vấn đề môi trường. Là một phụ huynh cũng như một chuyên gia, ông nghĩ gì về vai trò của người lớn trong việc hỗ trợ người trẻ giải quyết những thách thức này?

- Điều khác biệt ở thế hệ hiện tại là họ tiếp cận với công nghệ từ nhỏ. Rất nhiều người trẻ có khả năng tạo ra các công cụ mới, sản xuất các sản phẩm mới hoặc đưa ra những thực hành mới có khả năng tạo ra những thay đổi cốt lõi cho đời sống.

Từ quan điểm của một phụ huynh, thế hệ trẻ ngày nay chính là hi vọng duy nhất cho sự đổi thay của thế giới. Và trách nhiệm của những người lớn là làm tất cả mọi thứ có thể để đảm bảo rằng họ có thể tiếp cận được với mọi cơ hội học tập, có không gian và thời gian để sáng tạo và làm tất cả những gì họ muốn.

Người trẻ có thể đã nhìn thấy những điểm yếu trong hệ thống chính sách mà thế hệ tôi phải chịu đựng, vì thế họ muốn có những thay đổi ngay từ bây giờ.

Điều tối quan trọng là tôn trọng và lắng nghe tiếng nói của giới trẻ, đưa những yêu cầu của họ vào quá trình xây dựng chính sách, bởi tất cả chính sách được xây dựng hôm nay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của chính họ mai sau.

* Ban nhạc BTS, hay Greta Thunberg là thần tượng của nhiều người trẻ Việt Nam. Chính họ cũng nhiều lần bày tỏ về các vấn đề xã hội mà thế giới đang phải đối mặt. Sự xuất hiện của những người tạo ảnh hưởng (influencers) tác động thế nào đến các chương trình nghị sự về thanh niên, thưa ông?

- Sự xuất hiện của những người tạo ảnh hưởng ngày nay đi liền với sự bùng nổ của mạng xã hội và chuyển đổi số của truyền thông.

Mạng xã hội là tiếng nói của người trẻ, là nơi họ tìm thấy nhau để cùng sáng tạo, tỏ bày quan điểm, điều mà trong cuộc sống thường ngày đôi khi khó thực hiện. Những người tạo ảnh hưởng của thế hệ trẻ hiện nay hoạt động rất năng nổ trên Internet.

LHQ và các chính phủ vẫn đang phải chạy theo trong lĩnh vực này. Đơn giản bởi vì trên không gian mạng, mọi thứ tiến triển quá nhanh và những nhà hoạch định chính sách không lớn lên trong môi trường này. Trong khi đó, Internet bây giờ là một không gian tự nhiên, thân thuộc đối với nhiều người trẻ.

Chỉ với một dòng tweet, bức hình hay video ngắn, trong vài giây ngắn ngủi, họ có thể truyền tải thông điệp đến hàng triệu người.

Chúng tôi thấy ở họ tiềm năng trở thành những người phục vụ cho lẽ phải. Và họ sẽ là người lên tiếng cho chúng tôi biết cách thức như thế nào.

Thế giới như tôi thấy - Kỳ 2: Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến gần 1,6 tỉ người học Thế giới như tôi thấy - Kỳ 2: Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến gần 1,6 tỉ người học

TTO - UNESCO ước tính khoảng 23,8 triệu trẻ em và thanh thiếu niên khác ở tất cả cấp học có thể bỏ học, hoặc không được đến trường vào năm 2021 do chỉ riêng tác động kinh tế của đại dịch.

KHOA THƯ - BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên