27/04/2018 10:55 GMT+7

Thế hệ Y cần chuẩn bị gì thời số hóa?

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Thời gian gần đây, câu chuyện về làm thế nào để thế hệ Y (hay còn gọi Millenials, chỉ những người sinh trong giai đoạn 1980-1996) tồn tại, thăng tiến trong thời số hóa mỗi lúc 'nóng' hơn bao giờ hết.

Thế hệ Y cần chuẩn bị gì thời số hóa? - Ảnh 1.

Để thích nghi thời số hóa, giới trẻ nói chung, các nhà quản lí nói riêng cần có khả năng tự học - Ảnh: Fronews

So với thế hệ Z (chỉ những người sinh sau 1996) thì thế hệ Y thường cảm thấy thiếu tự tin hơn với các công nghệ mới, điều thay đổi với tốc độ chóng mặt.

Cảm thấy chưa trang bị đủ kiến thức

Theo một khảo sát được đăng trên trang Trainingjournal năm 2017, 38% cá nhân thế hệ Y tự thấy kiến thức, trình độ học vấn của họ chưa đủ để thích nghi thời đại kỷ nguyên số, 79% thế hệ Y khao khát được nắm giữ các vị trí cao trong công việc.

Dẫu vậy, "điểm cộng" của thế hệ Y là trung thành với nơi làm hơn thế hệ Z.

Cũng theo khảo sát được thực hiện trên 4.000 người ở thế hệ Z và Y trên (tại 10 quốc gia), thế hệ Z định nghĩa thành công trong công việc là được thăng tiến (23%) trong khi thế hệ Y lại cho rằng sự tôn trọng và học hỏi được những kiến thức mới mẻ đồng nghiệp mới là cái họ quan tâm nhất (22%).

Dẫu vậy, cả hai thế hệ gặp nhau ở một điểm chung khi cho rằng việc được đào tạo, phát triển để thích nghi với điều kiện công việc thời đại mới là điểm quan trọng nhất trong các khoản lợi ích mà nhân viên cần được hưởng.

Song song đó, cả 2 nhóm đều mong muốn công ty chủ quản áp dụng công nghệ mới nhiều hơn (các thiết bị công nghệ có thể đeo được, thực tế ảo, mạng xã hội…) để tăng hiệu quả công việc, tạo một môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn.

Nghịch lý là, nhiều bạn trẻ lại rất lo lắng về việc khả năng quản trị, thăng tiến trong công việc sẽ thử thách hơn nhiều do máy móc dần can thiệp mạnh mẽ vào công việc chuyên môn của con người. Một bộ phận không nhỏ lại sợ tỉ lệ thất nghiệp có thể tăng cao trong tương lai gần.

Để "vượt sóng" thành công

Rõ ràng thị trường lao động thời điểm hiện tại đang tái định hình bởi tác động của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.

Tính phức tạp trong mối quan hệ giữa công ty, nhân sự và khách hàng đang mỗi lúc một tăng, sự xâm nhập của công nghệ (số hóa, tự động hóa, trí thông minh nhân tạo, điện toán đám mây, số hóa…) đòi hỏi các doanh nghiệp "chuyển mình" thường xuyên, liên tục đề ra chiến lược mới để thích nghi và phát triển.

Nhiều người cho rằng xu hướng trên đem lại nhiều rủi ro, như thất nghiệp sẽ tăng cao.

Tuy nhiên theo nghiên cứu mới nhất có tên "Cuộc Cách mạng kỹ năng 2.0" của tập đoàn Mỹ ManpowerGroup, có đến 86% nhà tuyển dụng cho rằng số hóa tác động tích cực đến việc tuyển dụng trên toàn cầu. Chỉ khoảng 10% doanh nghiệp dự định sẽ giảm nhân lực dưới tác động của tự động hóa.

Như vậy, khi các công ty thực hiện quá trình số hóa, đa số sẽ cần thêm nhân lực chứ không cắt giảm. Vấn đề còn lại là người lao động có nỗ lực cập nhật, học hỏi kiến thức thường xuyên hay không.

Cũng theo ManpowerGroup, đến năm 2020 thì 30% doanh thu của các ngành nói chung sẽ đến từ mô hình kinh doanh mới, và quá trình số hóa nhanh hay chậm chính là yếu tố quyết định giữa kẻ thắng và người thua.

Theo khảo sát, các doanh nghiệp không ngừng số hóa có lợi nhuận cao hơn 26% và sở hữu giá thị trường cao hơn 12% so với đối thủ.

Câu hỏi được thế hệ Y quan tâm là kỹ năng lãnh đạo thời số hóa sẽ như thế nào? Câu trả lời là họ không nhất thiết phải thay thế toàn bộ những kỹ năng lãnh đạo truyền thống, họ chỉ cần đào tạo thêm 20% các kỹ năng mới theo nguyên tắc 80/20.

Và điều đó có nghĩa là một người lãnh đạo thời kỷ nguyên số cần có khả năng kết hợp giữa con người và trí thông minh nhân tạo, thường xuyên học hỏi cái mới.

Nhân sự không phải "nghề sinh sự" Nhân sự không phải 'nghề sinh sự'

TTO - Nhiều người vẫn nghĩ nghề nhân sự "hành chính", nhàm chán và tiêu cực, có đúng thế không?

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên