19/07/2021 16:45 GMT+7

Thí điểm lập điểm tập kết, trung chuyển hàng hoá tại Củ Chi

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - TP.HCM cần sớm thiết lập các điểm trung chuyển và tập kết hàng hóa tạm thời để kịp tiếp nhận nguồn thực phẩm từ các địa phương khác.

Thí điểm lập điểm tập kết, trung chuyển hàng hoá tại Củ Chi - Ảnh 1.

Do các chợ đầu mối và chợ lẻ đóng cửa cùng vận chuyển hàng hoá từ các tỉnh khó khăn nên người dân tại TP.HCM gặp nhiều khó khăn khi mua lương thực, thực phẩm những ngày qua - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là kiến nghị của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại Hội nghị trực tuyến với Giám đốc các Sở NN&PTNT các tỉnh phía Nam vào chiều 19-7.

Hội nghị nhằm bàn cách đẩy mạnh lưu thông hàng hoá trong giai đoạn giãn cách xã hội rộng với 19 tỉnh, thành phía Nam và đảm bảo nguồn cung các tháng cuối năm.

Mở điểm tập kết, khơi thông hàng hoá

Theo Bộ NN&PTNT, báo cáo từ các địa phương cho thấy nguồn cung lương thực, thực phẩm các tỉnh phía Nam đều vượt so với kỳ năm trước. Tuy nhiên, do hạn chế về lưu thông để phòng chống dịch, nhiều chợ đầu mối và chợ nhỏ lẻ đóng cửa dẫn tới hàng hoá không kịp ra thị trường dẫn tới khan hiếm và giá cả tăng nhanh.

Tại TP.HCM, giá lương thực, thực phẩm trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7-2021 đều tăng so với các tháng trước đó. Cụ thể giá lương thực tăng 0,46%; giá thực phẩm tăng 0,37% so tháng trước. Trong đó rau củ quả tăng mạnh do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, nguồn rau về chợ giảm.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, cho biết người tiêu thụ ở TPHCM hiện khoảng 10 triệu người nhưng năng lực cung ứng của các doanh nghiệp bình ổn thị trường chỉ chiếm 30%-40% thị phần. Thương nhân các chợ đầu mối (mặt hàng rau, củ, quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60%-70% thị phần. 

Do các kênh chợ đầu mối và chợ truyền thống đã tạm ngưng hoạt động nên người dân tập trung mua lương thực, thực phẩm từ hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện lợi. Do phải đáp ứng điều kiện giãn cách, cấm tụ tập đông người nên người dân vẫn phải xếp hàng lâu mới mua được hàng hóa thiết yếu.

Thí điểm lập điểm tập kết, trung chuyển hàng hoá tại Củ Chi - Ảnh 2.

Việc sớm mở các điểm tập kết và trung chuyển hàng hoá, cùng với đó là mở lại các chợ đầu mối và chợ lẻ đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch sẽ khơi thông lại thị trường hàng hoá thực phẩm bị gián đoạn tạm thời trong thời gian qua - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị TP.HCM thiết lập khu vực trung chuyển hàng hóa tiếp nhận hàng từ các địa phương vào thành phố. Trước mắt thí điểm bố trí 1 vùng đệm với diện tích khoảng 1 hecta trên địa bàn huyện Củ Chi, giáp ranh huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Từ đó nhân rộng ra các khu vực Thủ Đức và Bình Chánh để tiếp nhận nguồn hàng từ các tỉnh Đông, Tây Nam bộ.

Hàng hoá từ các khu vực trung chuyển sẽ được đưa vào thành phố qua hệ thống các điểm tập kết hàng hóa tạm thời ở các quận, huyện. TP HCM rà soát, tổ chức địa điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời; triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch tại địa điểm nêu trên. Các đơn vị quản lý chợ đầu mối tổ chức, thông tin và triển khai đăng ký, tạo điều kiện cho thương nhân chủ động giao dịch, mua bán.

Nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào

Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng lúa gạo, trái cây, rau củ, chăn nuôi và thuỷ hải sản của cả nước nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, đảm bảo cung ứng nhu cầu lương thực thực phẩm cho người dân các tháng cuối năm.

Trong đó, lúa gạo thừa đáp ứng nhu cầu nội địa, dự trữ 3,8 triệu tấn lúa và xuất khẩu khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo.

Các tỉnh Phía Nam diện tích rau khoảng 537.000 ha, sản lượng 10,7 triệu tấn (vùng ĐBSCL đạt 290.000 ha, sản lượng 5,5 triệu tấn). Kế hoạch sản xuất rau 6 tháng cuối năm 2021 các tỉnh phía Nam khoảng 287.000 ha, sản lượng 5,7 triệu tấn. Đảm bảo cân bằng cung cầu cho thị trường và lợi nhuận cho chuỗi tham gia vào quá trình sản xuất rau trong điều kiện bình thường.

Về sản phẩm chăn nuôi, tổng sản lượng thịt (heo, bò, gà, vịt, trứng) ở 19 tỉnh phía Nam năm 2021 đều tăng từ 5,5-7,5% so với năm 2020. Tình hình sản xuất thủy sản vẫn diễn ra tương đối ổn định và có tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ 2020.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết nhiệm vụ của các địa phương phía Nam là vừa đảm bảo đủ cung ứng cho tiêu thụ trong nước, đồng thời đảm bảo nguồn cung cấp cho các đô thị lớn, nhất là TP.HCM trong những tháng tới.

Đề nghị các địa phương nắm chắc và cung cấp nhanh chóng thông tin cụ thể hàng ngày tình hình sản xuất, sản lượng cần thu hoạch các mặt hàng nông sản thiết yếu như lúa gạo, trái cây, rau củ, thịt các loại, trứng, thủy sản các loại (kể cả các loại vật tư đầu vào thiết yếu)… của tháng 7 và tháng 8 tới cho đầu mối của Tổ công tác tiền phương của hai Bộ đặt tại TP.HCM để kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai kế hoạch điều phối, hỗ trợ công tác thu hoạch, vận chuyển, phân phối nông sản kịp thời.

Đại diện Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các Sở Công thương trên địa bàn rà soát các chợ đầu mối và chợ truyền thống đã xử lý phòng trừ và cho xem xét hoạt động trở lại dưới hình thức quản lý, giám sát chặt chẽ chợ. Mở rộng các điểm tập kết hàng hóa trung chuyển đến người tiêu dùng.

Bộ Công thương: Mở lại tất cả chợ truyền thống theo cách an toàn Bộ Công thương: Mở lại tất cả chợ truyền thống theo cách an toàn

TTO - Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu mở lại tất cả các chợ truyền thống trên cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên