13/11/2015 09:10 GMT+7

Máy in mini cho người khiếm thị

PHAN THÀNH
PHAN THÀNH

TT - Một chiếc máy in nhỏ, gọn có thể giúp người mù dễ dàng thao tác từ khâu xử lý hình ảnh, văn bản trên máy tính cho đến khi cầm văn bản giấy trên tay, nhận dạng, đọc chữ một cách thoải mái.

Hai thành viên nam trong nhóm sáng chế bên sản phẩm máy in mini dành cho người mù - Ảnh: Phan Thành
Hai thành viên nam trong nhóm sáng chế bên sản phẩm máy in mini dành cho người mù - Ảnh: Phan Thành

Đó là ý tưởng được nhóm ba học sinh Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Trần Duy Kha (lớp 12A5 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) và Đặng Huỳnh Khánh Ly (THPT Hòa Vang, TP Đà Nẵng) biến thành hiện thực.

Sản phẩm mang tên “Braille Printer - máy in chữ nổi dành cho người mù”, giành nhiều giải thưởng sáng chế tại TP Đà Nẵng và giải nhì Hội thi tin học trẻ toàn quốc 2015 diễn ra tại Bình Dương tháng 8 vừa qua.

“Một sản phẩm tuyệt vời. Hiện trên thị trường chỉ có máy in công nghiệp mới có thể đáp ứng được nhu cầu của người mù, nhưng giá thành rất đắt đỏ. Chiếc máy in dành cho người mù là một sáng chế vừa mang tính khoa học, vừa có tính nhân văn

Thầy ĐỖ VĂN NHỎ (giáo viên bộ môn tin học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng)

Có những ngày tưởng bỏ cuộc...

Khác với người thường có thể sắm một máy in để cạnh bàn tiện cho công việc thì nhiều người mù khi muốn in một tài liệu, một cuốn sách phải tìm đến những cơ sở có máy in chuyên dụng, khá bất tiện và tốn nhiều thời gian. Đó là lý do khiến cả ba thành viên có ý tưởng sáng chế máy in này.

Cả ba bắt tay phân chia thời gian, công việc tìm hiểu lý thuyết thông qua các clip trên mạng, chọn mua vật dụng, viết lập trình. Cả nhóm xác định để cho ra đời chiếc máy in cần các phần cơ bản như bộ truyền động rút giấy di chuyển, bộ di chuyển đầu kim, các bo mạch được lập trình để điều khiển hoạt động của máy.

“Việc viết lập trình đối với bọn em khá đơn giản, tuy nhiên chọn mua linh kiện điện tử, mao mạch, rồi các thanh sắt để lắp ráp mới khó” - Nhân chia sẻ.

Nhóm đã chọn sử dụng ngôn ngữ lập trình C để viết phần mềm cho Intel. Song song đó, để chuyển được những trang sách bằng chữ bình thường sang chữ nổi, nhóm đã sử dụng công nghệ OCR (Optical character recognition).

“Chỉ cần chụp ảnh trang sách hoặc tài liệu, khi đưa vào máy tính thì phần mềm sẽ tự động giúp người sử dụng chuyển thành dạng văn bản, từ đó nhấn nút in thì hệ thống sẽ hoạt động, kim in chữ nổi làm việc và cho ra văn bản bằng chữ nổi Braille” - Kha nói về tính nổi trội của máy in này.

Lắm lúc cả ba thành viên của nhóm tưởng chừng phải bỏ dở ý tưởng bởi việc lắp ráp gặp nhiều khó khăn. Những lúc như thế, thầy cô, người quen, bạn bè được huy động vào cuộc để trợ giúp.

Khi chạy thử, máy hoạt động nhưng độ chính xác không cao nên nhóm quyết định lấy bộ truyền động của máy in bình thường đã hỏng để ghép vào, sau đó hoàn thiện thêm các chi tiết và lập trình cho máy chạy. Việc này giúp người mù có thể đọc bằng cảm giác từ các đầu ngón tay một cách chính xác.

Từ sản phẩm thô được gia công bằng sắt nặng hơn 4kg, khá cồng kềnh, thế nhưng đến ngày đem dự thi máy in được nhóm trau chuốt, thay qua khung nhựa và nặng chưa đến 1kg, đảm bảo tính thẩm mỹ.

Tiết kiệm được chi phí

Để kết nối với máy in, người mù có thể sử dụng máy vi tính với phần mềm Braille Printer hoặc sử dụng plugin của Braille Printer cho Microsoft Office Word thông qua cổng giao tiếp USB. Ngoài ra còn có thể sử dụng một số phần mềm khác, từ đó nhấn in trực tiếp ngay trên file để cho ra một văn bản chữ nổi hoàn chỉnh.

Ngoài tính tiện lợi, nhỏ gọn, giá cả của sản phẩm này phù hợp với người dùng. Đặng Huỳnh Khánh Ly, thành viên nữ duy nhất của nhóm, cho hay toàn bộ kinh phí để thực hiện sản phẩm này khoảng 1,5 triệu đồng/máy.

Chưa dừng lại đó, cả nhóm cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện ứng dụng trên điện thoại, cải tiến tốc độ của Braille Printer, hỗ trợ nhận diện đa ngôn ngữ để áp dụng vào thực tế trong thời gian sớm nhất.

PHAN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên