10/10/2019 18:04 GMT+7

Thời smartphone mà đọc sách thấy... quê quê?

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Trong thời đại công nghệ, hình ảnh những bạn trẻ kè kè cuốn sách bên mình đôi khi trở nên lạc lõng, 'không giống ai', khiến không ít sinh viên ngại ngần. Vậy thì làm sao nuôi dưỡng thói quen đọc sách?

Thời smartphone mà đọc sách thấy... quê quê? - Ảnh 1.

Ông Đinh Phương Duy - phó giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm đọc sách với sinh viên - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngày 10-10, talkshow với chủ đề “Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số” được tổ chức tại Học viện Cán bộ TP.HCM. Đông đảo sinh viên đã trò chuyện, giao lưu với nhiều diễn giả đến từ giới xuất bản, truyền thông về việc đọc sách.

Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh càng ngày người trẻ càng khó nuôi dưỡng tình yêu với việc đọc. Các sinh viên chia sẻ với diễn giả và thầy cô rằng dù họ nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc đọc sách nhưng đa phần đều gặp khó khăn trong việc duy trì thói quen này.

Các bạn trẻ cũng thừa nhận họ thiếu sự kiên nhẫn với những trang sách, thậm chí việc đọc mỗi ngày chỉ một trang sách thôi cũng khó. Đặc biệt, theo các sinh viên, trong thời đại công nghệ, hình ảnh những sinh viên “mọt sách”, luôn kè kè cuốn sách bên mình đôi khi trở nên lạc lõng, “không giống ai”.

Thời smartphone mà đọc sách thấy... quê quê? - Ảnh 2.

Bà Ngô Phương Thảo, CEO Công ty AnBook - Ảnh: TỰ TRUNG

“Thế hệ đi trước hay nói sách là tình yêu của các anh chị, nhưng với em, smartphone mới là người yêu mới đầy thu hút và mê say. Sách chỉ là người yêu cũ, và chỉ thỉnh thoảng em mới nhớ đến người yêu cũ mà thôi”- Thanh Tâm, sinh viên học viện, thú thật.

Giải tỏa mối băn khoăn này, bà Ngô Phương Thảo - CEO Công ty AnBook, cho rằng ban đầu hãy nuôi dưỡng thói quen đọc sách một cách tự nhiên, nhẹ nhàng.

“Nếu bạn đang thất tình, hãy tìm một quyển truyện ngôn tình mà đọc, sẽ dễ vô hơn. Đừng cố đọc những cuốn khó, cuốn không thấy thích hay những quyển nổi tiếng được nhiều người quảng cáo. Đọc đơn giản là để hun đúc thói quen đọc. Đọc để giải tỏa nỗi buồn, để tìm một sự đồng cảm” - bà Thảo khuyên.

Cô Lê Thị Linh Trang - giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM, đồng tình với bà Thảo và chia sẻ: “Con tôi không thích sách toàn chữ, chỉ mê truyện tranh. Vậy thì cứ thoải mái cho cháu đọc truyện tranh. Chỉ khi tìm thấy niềm vui đọc, bạn mới đọc được lâu bền”.

Cũng theo cô Trang, không nên có tư duy cực đoan là phải cầm sách đọc. Ngày nay, các bạn trẻ có thể đọc trên điện thoại, máy tính bảng, nghe sách nói…

Còn MC Trần Quốc Khánh chia sẻ: "Tôi không thích những phong trào thách thức, chạy đua nhau về số lượng sách đã đọc. Những con số thống kê lượng sách đọc trung bình mỗi năm chỉ mang tính tương đối. Đọc nhiều hay ít không quan trọng bằng việc bạn thẩm thấu những cái đã đọc ra sao, nó giúp gì cho cuộc sống, tâm hồn bạn?”.

Thời smartphone mà đọc sách thấy... quê quê? - Ảnh 3.

MC Trần Quốc Khánh kể về thói quen đọc sách của mình - Ảnh: TỰ TRUNG

Một nội dung khác được diễn giả và sinh viên trao đổi là tình trạng tin giả ngày một tràn lan. Ngày nay, trí tuệ nhân tạo cho phép người ta tạo ra các tin tức, hình ảnh, thậm chí video trả lời phỏng vấn giả y mà như thật, máy tính với các thuật toán có thể làm ra thơ không khác gì nhà thơ.

Khi đó, khái niệm “mắt thấy, tai nghe” sẽ không còn giúp chúng ta nhận ra bản chất vấn đề. Chỉ khi mỗi cá nhân tự trang bị, tự hun đúc nội lực tự thân mới đủ sức tỉnh táo phân biệt thật - giả. Mà nội lực tự thân đó chính là nền tảng văn hóa, tri thức, được vun bồi từ việc đọc hàng ngày.

Rèn con yêu đọc sách, ba mẹ đang rèn cho con ý chí tự chủ Rèn con yêu đọc sách, ba mẹ đang rèn cho con ý chí tự chủ

TTO - Trong xã hội quá áp lực hiện nay, không phải cha mẹ nào cũng biết đọc sách có thể giúp trẻ em xây dựng khả năng tự chủ, không quá cảm thấy bị chao đảo trước sức hút của vật chất, có nhiều sức mạnh để vượt qua những cám dỗ.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên