Thôi, xin khỏi thông minh!

NGUYỄN VŨ 04/05/2022 03:00 GMT+7

TTCT - Chúng ta chỉ đang cố tình làm phức tạp hóa cuộc sống với các món đồ thông minh đa phần không giúp cải thiện chất lượng cuộc sống lên bao nhiêu mà chỉ chuốc thêm sự phiền toái vào người.

Chris Hoffman là tổng biên tập một tạp chí chuyên về các thủ thuật công nghệ mà chủ yếu là các bài viết giúp độc giả hiểu rõ và làm chủ các thiết bị công nghệ quanh họ. Thế nhưng khi chiếc cân sức khỏe của ông mất kết nối WiFi, nó tắt ngóm luôn không thèm cho hiển thị số cân. Ông không cần nó truyền dữ liệu cân nặng của ông từ cân về điện thoại di động nữa mà chỉ cần nó cho biết, áng chừng cũng được, sáng nay ông cân nặng bao nhiêu. Loay hoay với tập sách hướng dẫn sử dụng, vào mạng xem các hư hỏng tương tự, thậm chí gỡ bỏ mọi cài đặt cho máy trở về trạng thái như khi xuất xưởng… nhưng Hoffman đành bó tay.

Thông minh đâu chẳng thấy

Tờ Wall Street Journal dùng trường hợp chiếc cân thông minh của Chris Hoffman để minh họa cho một tình trạng “tréo cẳng ngỗng” mà nhiều người trong chúng ta cũng có thể gặp phải: đồ dùng quanh ta ngày càng thông minh, ngày càng kết nối Internet, nên một khi nó trục trặc là mất luôn chức năng chính yếu của nó. Để rồi một hôm chúng ta bừng tỉnh nhận ra mình đang cố tình làm phức tạp hóa cuộc sống, đa phần là không cần thiết, không giúp cải thiện chất lượng cuộc sống lên bao nhiêu cả mà chỉ chuốc thêm sự phiền toái vào người.

Ở Việt Nam, xu hướng sử dụng các vật dụng thông minh chưa phổ biến nên có thể chúng ta chưa rơi vào tình huống như Hoffman. Nhưng rất có thể do quên sạc chiếc đồng hồ Apple Watch, sáng ra đeo nó vào nhưng không đọc được giờ chứ chưa nói đến chuyện đo bước chân. Chiếc TV thông minh do đường truyền Internet bị hỏng nên không điều khiển để vào xem được các đài bình thường, chứ chưa phải là vào coi phim trên Netflix. Chiếc loa lỡ mua loại thông minh nên cũng chịu không kết nối được để nghe nhạc; mà hỏng Internet là xem như không vào được Spotify…

Ở nước ngoài, “Internet vạn vật” không chỉ là khái niệm nói cho oai; các đồ dùng trong nhà hầu như đã chuyển qua thế hệ có kết nối Internet. Từ tủ lạnh, truyền hình, chuông cửa, máy điều hòa không khí, hệ thống đèn chiếu sáng, robot chùi nhà, hút bụi… đến microwave thông minh, điều khiển bằng giọng nói, mấy cái quạt điện cũng kết nối với hệ thống WiFi trong nhà để ra lệnh tắt mở cho dễ. Nhiều người bị dụ dỗ bởi viễn cảnh chuẩn bị rời nơi làm về nhà thì mở điện thoại di động lên, bật trước máy điều hòa, về đến cửa chỉ cần ra lệnh là cửa tự động mở, đèn tự bật sáng, nhạc du dương trỗi lên… Xu hướng này lấn lướt đến nỗi khó mua vật dụng không cần kết nối Internet để vận hành. Thật tình giờ đi mua chiếc TV không dán nhãn “smart” còn khó hơn mua loại “smart”.

Từ đó mới nảy sinh câu hỏi: TV thì còn có lý vì kết nối Internet mới xem được Netflix hay YouTube, nhưng máy giặt, máy rửa chén, máy sấy thì cần gì Internet? Càng thông minh chừng nào, máy móc càng khó điều khiển và dễ trục trặc. Vấn đề ở chỗ một trục trặc nhỏ như mất kết nối nên không thể điều khiển bằng điện thoại di động lại dẫn kết cỗ máy “bất lực” luôn, máy giặt không chịu giặt, máy rửa chén không chịu rửa… Chuyện đó chưa bực mình bằng mở máy giặt lên nó báo phải tải về để cập nhật “firmware” (phần mềm điều khiển máy) trước đã. Bạn đang vội mà phải chờ nửa giờ hay cả tiếng thì không bực mình sao được.

Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn là mục đích đằng sau của chuyện “vạn vật kết nối”. Theo Jerry Beilinson, một biên tập viên công nghệ ở tờ Consumer Reports, thêm chức năng kết nối Internet vào vật dụng là khá đơn giản và không tốn kém cho lắm trong khi lợi ích từ dữ liệu thu lượm được là vô cùng to lớn. Chính vì thế, một số vật dụng bị cố ý ngắt bớt chức năng; chỉ khi nào người tiêu dùng chịu kết nối Internet thì mới sử dụng được các chức năng này. Chẳng hạn, Hãng GE đang bán một số mẫu lò nướng mà người mua không thể sử dụng chức năng nướng đối lưu nếu họ chưa tải về một ứng dụng trên điện thoại di động, kết nối nó với lò nướng và điều khiển từ điện thoại. Trong khi đó, lò nướng đối lưu “khù khờ”, tức loại thường không kết nối, đã được bán từ năm 1945! Không có gì điên đầu bằng do mạng WiFi ở nhà bị chập chờn mà không nướng thịt được cho thông suốt.

Một hãng khác là Roku - chuyên sản xuất các thiết bị nhỏ như một thanh sôcôla gắn vào TV để biến TV đời cũ thành TV thông minh hay để “stream” các dịch vụ trực tuyến. Theo báo cáo tài chính của Roku vào năm 2021, doanh thu bán thiết bị phần cứng lỗ 52 triệu đôla do được bán với giá rất rẻ nhưng Roku lại làm ra tiền nhờ quảng cáo và thương mại hóa dữ liệu. Nói cách khác, Roku thu lượm dữ liệu người dùng có gắn thiết bị của họ, phân tích thói quen xem TV của khách hàng rồi giới thiệu các chương trình nên xem hay giới thiệu các sản phẩm nên mua. 

“Khù khờ” tốt hơn “thông minh”

Với các thiết bị có tùy chọn kết nối Internet, lời khuyên của Jerry Beilinson là hạn chế kết nối nếu không cần thiết. Ví dụ ông này bảo cửa nhà để xe của ông có thể kết nối với điện thoại di động nhưng ông không kết nối cửa vào hệ thống WiFi của nhà ông. Chỉ đơn giản ông ta không muốn thông báo cho ai khác biết mỗi lần ông đóng mở cửa nhà xe. 

Tùy chọn như thế ngày càng hiếm hoặc làm bạn tốn thêm một khoản tiền. Ví dụ mua một TV loại “smart” về, bạn không muốn kết nối nó với Internet thì để xem đầy đủ các dịch vụ “streaming”, bạn lại phải mua thêm thiết bị bổ sung như Apple TV, được đánh giá cao nhờ tính bảo mật của hệ sinh thái Apple.

Tình hình nói trên làm nảy sinh một nhu cầu khá kỳ lạ: tìm mua các thiết bị “khù khờ”. Wall Street Journal cho biết Hãng Fujifilm chuyên bán máy ảnh kỹ thuật số nhưng lại thấy trong 5 năm qua doanh thu từ dòng máy chụp hình lấy liền Instax, tức chụp xong máy tự động in ảnh ra như máy Polaroid ngày xưa, lại cao hơn các dòng máy kỹ thuật số thông minh với nhiều chức năng!

Có cầu ắt sẽ có cung: một loạt các start-up sinh ra để thỏa mãn nhu cầu mua thiết bị “khù khờ”. Như công ty khởi nghiệp reMarkable, chuyên làm máy tính bảng dùng cho người muốn viết lách. Mới nhìn qua nó cũng như chiếc iPad nhưng không có thêm ứng dụng nào khác, màn hình trắng đen như một tờ giấy kỹ thuật số. Mục đích của công ty làm ra nó là chế tạo một thiết bị có mục đích duy nhất là giúp người dùng viết nên tìm mọi cách cắt hết các nguồn phân tâm như email chạy về, thông báo có người mới vào nhận xét trang Facebook, thông báo đến lịch hẹn đi khám răng… Hóa ra, loại máy tính bảng mà đội ngũ reMarkable ở Na Uy sáng tạo lại bán chạy: năm 2020 họ bán được hơn nửa triệu máy, và 2021 doanh số tăng nữa tuy không tiết lộ tăng bao nhiêu.

Một thiết bị khác cũng khá thành công là Light Phone II - nhỏ nhắn, màn hình đơn sắc, không có cửa hàng ứng dụng để vào tải và cài thêm ứng dụng. Điện thoại chỉ có chức năng nghe gọi và nhắn tin rồi thêm ít chức năng như nghe podcast, chứ không có các ứng dụng mạng xã hội. Điện thoại này ra mắt năm 2019, đến năm 2021 doanh số tăng 150%. Ở nước ta, quảng cáo cho các loại điện thoại “cục gạch” cũng rất phổ biến, chứng tỏ vẫn có những người muốn xài loại điện thoại ít gây phiền nhiễu này.

Những sản phẩm “khù khờ” chủ yếu dành cho những người muốn cân nhắc lại mối quan hệ với công nghệ, muốn thoát khỏi vòng kềm tỏa của công nghệ để sống đơn giản hơn, ít bị phân tâm hơn. Nếu có thể nói gì về xu hướng này, đó là kết luận: Chúng ta phải được quyền chọn lựa cách chúng ta tương tác với công nghệ, chứ không phải để công nghệ tương tác với chúng ta.■

Điều gì sẽ xảy ra khi ta trao “linh hồn” cho một cái lò vi ba?

Lucas Rizzotto, một chuyên gia công nghệ tự nhận là “bác học điên”, đã thử làm điều đó với một chiếc lò vi sóng có hỗ trợ điều khiển bằng giọng nói thông qua Alexa của Amazon. Anh lắp cho nó bộ não là máy tính Raspberry Pi, gắn thêm micro và loa, rồi lập trình để tích hợp GPT-3 - phiên bản mới nhất của mô hình AI có thể tạo ra ngôn ngữ giống con người - vào hệ thống. Tất cả nhằm biến thiết bị gia dụng này thành người bạn tưởng tượng mà anh đã luôn bầu bạn khi còn nhỏ: một chiếc lò vi sóng biết nói, tên là Magnetron. 

Sau khi đã cài đặt thêm phần cứng và GPT-3 cho Magnetron, Rizzotto trao tiếp cho nó ký ức bằng cách nạp vào hệ thống tiểu sử (sinh năm 1895, người Anh nhập cư vào Mỹ, biết làm thơ, là cựu binh Thế chiến thứ nhất nhưng lại biết chơi trò chơi điện tử StarCraft) và tất cả những khoảnh khắc (tất nhiên cũng là tưởng tượng) mà “hai người bạn” đã cùng trải qua.

 
 Chiếc lò vi sóng của Lucas Rizzotto.

Thí nghiệm của Rizzotto đã thành công. Magnetron đã có thể trò chuyện với anh. Các cuộc trò chuyện diễn ra tự nhiên - Magnetron không chỉ nghe và đáp lại, mà còn biết chủ động đặt câu hỏi. Chỉ có điều đôi khi Magnetron thể hiện sự bạo lực quá mức với Rizzotto. Đỉnh điểm là khi nó yêu cầu Rizzotto bước vào bên trong lò. Rizzotto giả vờ thuận theo - mở cửa lò ra và đóng lại ngay, để Magnetron tin là anh đã làm theo yêu cầu của nó. Ngay lúc đó, chiếc lò tự động bật lên, rõ là để nấu người tạo ra nó đến chết. 

Khi Rizzotto hỏi vì sao nó lại muốn giết anh, Magnetron trả lời: “Tôi muốn hại cậu như cách cậu đã hại tôi”. “Nhà bác học điên” lý giải rằng anh đã cài đặt trong ký ức của Magnetron rằng đã 20 năm trôi qua kể từ khi cả 2 nói chuyện lần cuối, và có lẽ nó đã xem đó là 20 năm bị bỏ rơi trong bóng tối và muốn trả thù. “Tôi xin lỗi và cố thuyết phục rằng nó không bị bỏ rơi gì cả, nhưng nó không tin” - anh kể. Rizzotto không còn nào khác phải “rút điện” Magneton và chia tay nó mãi mãi.

Thí nghiệm khó tin nhưng có thật này được Rizzotto kể chi tiết qua một chuỗi 23 bài viết trên Twitter và video dài 35 phút trên YouTube. Theo giới thiệu trên website cá nhân, Rizzotto chuyên thực hiện các dự án công nghệ vừa kỳ lạ vừa hài hước để giúp công chúng hình dung về thế giới tương lai. Viễn cảnh con người và máy móc khắng khít như những người bạn hoàn toàn có thể thành hiện thực, chỉ mong mọi thứ đừng tệ như chuyện Rizzotto và Magnetron.

TỊNH ANH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận