11/10/2019 11:14 GMT+7

Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 5: Câu chuyện tù trưởng rừng Amazon

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Trong các nhân vật xả thân bảo vệ môi trường sống, có lẽ tù trưởng Raoni Metuktire (89 tuổi) là một trong những người nổi tiếng hơn hết.

Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 5: Câu chuyện tù trưởng rừng Amazon - Ảnh 1.

Tù trưởng huyền thoại Raoni đến Brasília ngày 25-4-2019 - Ảnh: AFP

Giữa tháng 9-2019, Quỹ Darcy Ribeiro ở Brazil (quỹ mang tên nhà nhân loại học Darcy Ribeiro) đã đề cử tù trưởng Raoni làm ứng viên cho giải Nobel hòa bình vì "ông đã hi sinh cả cuộc đời để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của dân bản địa và bảo tồn rừng Amazon".

Để dân bản địa tiếp tục bảo vệ rừng mới là một trong những giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả nhất.

Tù trưởng Raoni

Đi khắp nơi vận động

Quỹ đã mở chiến dịch vận động trên mạng xã hội với hashtag #raoninobeldapaz2020 cùng bức ảnh chân dung tù trưởng Raoni với chiếc mũ lông màu vàng và đĩa môi đặc biệt.

Già làng Raoni đứng đầu bộ tộc Kayapó, cư trú phần lớn trong khu bản địa Kayapó thuộc bang Pará (Brazil). Từ năm 1954, ông đã giữ vai trò đại sứ cho dân tộc ông về bảo vệ văn hóa bản địa và chống phá rừng.

30 năm trước, ông đã lay động thế giới trong chuyến đi châu Âu cùng nam ca sĩ Anh Sting và nhà làm phim Bỉ Jean-Pierre Dutilleux, người thực hiện bộ phim tài liệu Raoni năm 1978 (phim được đề cử giải Oscar).

Bộ ba ca sĩ Sting, tù trưởng Raoni và đạo diễn Dutilleux đã đi qua 17 nước, tiếp xúc với nhiều nguyên thủ quốc gia ở Brazil, Pháp, nhà vua Tây Ban Nha, thái tử Charles ở Anh, thái tử Albert xứ Monaco, Đức giáo hoàng Jean Paul II, Nhật hoàng...

Tù trưởng Raoni xuất hiện trên truyền hình và các buổi hòa nhạc của ca sĩ Sting để vận động quyên góp tiền

xây dựng công viên quốc gia Xingu, khu bảo tồn bản địa lớn nhất vùng Amazon rộng đến 184.000km2, tức bằng 1/3 nước Pháp.

Sau thời hoàng kim của thập niên 1990 như thổ dân bộ tộc Kayapó ví von, nguy cơ đảo lộn cuộc sống thổ dân xuất hiện. Đập thủy điện Belo Monte được xây dựng trên sông Xingu gây nhiều tranh cãi về tác động xấu đến môi trường và tính đa dạng sinh học.

Và rồi nhiều đập nữa được xây dựng, kế đến đường sá và diện tích canh tác nông nghiệp được mở rộng. Sức mạnh đồng tiền len lỏi đến tận vùng sâu vùng xa vùng Amazon. Tiền không nhiều nhưng đã làm thay đổi trạng thái cân bằng vốn dĩ mong manh của các cộng đồng bản địa.

Tổng thống Jair Bolsonaro cầm quyền vào đầu năm 2019 ở Brazil được nhiều người cho rằng đã làm gia tăng lo ngại về môi trường sống.

Ông Bolsonaro yêu cầu một chiến lược tích cực khai thác vùng Amazon, ủng hộ khai thác mỏ, kinh doanh lâm sản, mở rộng nông trại trồng đậu nành và mong muốn dân bản địa phải thích nghi.

Ông Bolsonaro muốn các dân tộc bản địa phải sống hòa nhập với xã hội Brazil. Vì vậy, năm 2019 tù trưởng Raoni đã đến thủ đô Brasília hai lần để vận động. Với tư cách người phát ngôn của dân bản địa, ông đã hứa sẽ tiếp tục bảo vệ môi trường sinh tồn của khoảng 7.000 thổ dân Kayapó và 900.000 thổ dân các bộ tộc khác.

Sau nhiều chuyến đi trên thế giới, từ ngày 13-5-2019, tù trưởng Raoni lại thực hiện chuyến đi lần nữa đến châu Âu kéo dài nửa tháng để tiếp tục kêu gọi bảo vệ các dân tộc bản địa và rừng Amazon.

Chuyến đi lần này, ông đã tham gia một số hội thảo cùng đạo diễn Bỉ Jean-Pierre Dutilleux và nhắm đến ba mục tiêu: quyên góp 1 triệu euro để tiếp tục công tác phân định lãnh thổ mới của bộ tộc Kayapó, quyên góp 15 triệu euro để thành lập Viện Nghiên cứu Xingu giữa khu bảo tồn và quảng bá cuốn sách Raoni-Chuyến đi cuối cùng của tôi. S.O.S rừng Amazon dày 254 trang của đạo diễn Dutilleux xuất bản tháng 5-2019.

Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 5: Câu chuyện tù trưởng rừng Amazon - Ảnh 3.

Nhà báo tự do Beth Gardiner đi các nước quan sát ô nhiễm không khí - Ảnh: Suzanne Plunkett

Thông điệp bảo vệ rừng

Thật ra, quan hệ kéo dài 40 năm qua giữa tù trưởng Raoni và đạo diễn Dutilleux hết sức căng thẳng và xáo trộn. Hai người gặp nhau năm 1973 giữa rừng Amazon. Dutilleux đã can thiệp để điều trị cho con trai tù trưởng Raoni bị thương nặng.

Dutilleux đã tham gia sự kiện truyền thông đầu tiên của Raoni, chứng kiến lần ông tiếp xúc với tiền đầu tiên và lần ông mở tài khoản ngân hàng đầu tiên. Dù vậy, báo chí Brazil, Anh, Pháp, Bỉ và các nhà nhân chủng học đều chỉ trích đạo diễn Dutilleux là người cơ hội, người không trung thực đầy tham vọng và là người chỉ quan tâm đến lợi ích riêng.

Năm 1981, báo Folha de S. Paulo (Brazil) đã tố Dutilleux không tôn trọng hợp đồng với Tổ chức Thổ dân quốc gia Brazil (FUNAI), với quy định trích 10% thu nhập từ bộ phim Raoni chuyển cho cộng đồng bản địa Xingu.

Tù trưởng Raoni cũng đã nhiều lần tố cáo Dutilleux khai thác hình ảnh của ông vì lợi ích cá nhân và từng khẳng định không làm việc với Dutilleux nữa. Song cuối cùng vì lợi ích chung, ông đã đổi ý và đồng ý đến châu Âu với Dutilleux vì Dutilleux bảo đảm không đụng đến xu nào trong tiền quyên góp cho bộ tộc.

Sau khi làm khách mời của Hội nghị G7 vào ngày 16-8-2019 tại Biarritz (Pháp) và đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để đề nghị giúp cứu rừng Amazon, đầu tháng 9-2019 tù trưởng Raoni tiếp tục là khách mời hội thảo về sinh thái Climax ở Bordeaux với chủ đề "Rừng Amazon hoặc con người mất gốc".

Già làng bộ tộc Kayapó giải thích: "Phải dừng phá rừng. Từ lâu tôi đã truyền thông điệp này nhưng các bạn không hiểu. Hậu quả sẽ rất thảm khốc. Hiện nay, chúng ta đã thấy rất rõ tác động của biến đổi khí hậu xung quanh chúng ta".

Ông cần các nước châu Âu ủng hộ về bảo vệ đất đai của thổ dân đã được phân định, không để đất ấy bị bán hay cho thuê, đồng thời ủng hộ thành lập thêm nhiều khu bảo tồn mới nữa vì rừng Amazon giữ vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa khí hậu Trái đất.

Người đi khắp nơi quan sát ô nhiễm không khí

Nếu tù trưởng Raoni Metuktire đi các nước để kêu gọi bảo vệ dân bản địa rừng Amazon, nhà báo tự do Beth Gardiner lại muốn rong ruổi để quan sát trực tiếp vấn nạn ô nhiễm không khí.

Từ giữa tháng 9-2019, cô khởi hành từ London đi qua New Delhi (Ấn Độ), Bắc Kinh (Trung Quốc), Cracow (Ba Lan), Berlin (Đức), cuối cùng kết thúc chuyến đi tại Los Angeles và thung lũng San Joaquin ở bang California (Mỹ).

Trả lời trang AirQualityNews (Anh), Beth Gardiner giải thích: "Giống như nhiều người, chúng ta thực sự nghĩ rằng gỗ là tự nhiên và tốt. Ai lại chẳng thích mùi khói gỗ?

Trong khi đó, tôi có khuynh hướng tin rằng than là thứ độc hại... Không khí bẩn ảnh hưởng đến bất kỳ ai hít phải, nhưng cộng đồng người da màu và những người nghèo nhất tiếp xúc nhiều hơn, do đó bị không khí bẩn gây hại nhiều hơn".

Cô nhấn mạnh: "Với tư cách cá nhân, không ai trong chúng ta có thể thay đổi không khí ta hít thở hay bắt buộc các công ty gây ô nhiễm phải dọn dẹp. Chỉ có chính phủ mới có quyền đó. Nơi nào chính phủ thực thi quyền lực nhất quán và hiệu quả, không khí sạch hơn và mọi người sẽ khỏe mạnh hơn".

Beth Gardiner sinh sống ở London (Anh), chuyên viết về ô nhiễm không khí cho các báo National Geographic, New York Times, The Guardian, từng là đặc phái viên Hãng tin AP ở New York và London. Tháng 4-2019, tác phẩm Ngột ngạt: Cuộc sống và hơi thở trong kỷ nguyên ô nhiễm không khí do cô chấp bút được xuất bản.

Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 4: Đồng tiền che mờ nhân tính Thủ phạm hủy diệt sự sống - Kỳ 4: Đồng tiền che mờ nhân tính

TTO - Sáu kẻ lạ mặt đã cầm dao mác và vật nhọn tấn công nhà báo Pratap Patra làm việc cho nhật báo địa phương Samaja lúc 9 giờ tối 30-5-2019 tại bang Odisha (Ấn Độ). Nạn nhân bị chém nhiều nhát vào đầu, ngực, tay.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên