18/04/2019 14:52 GMT+7

Thứ trưởng Công thương: Search 'Gucci' ra hàng loạt Gucci fake

N.AN
N.AN

TTO - Chế tài, công cụ xử lý chưa thỏa đáng đang khiến cho hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên mạng diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp, gây ảnh hưởng người tiêu dùng và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Thứ trưởng Công thương: Search Gucci ra hàng loạt Gucci fake - Ảnh 1.

Bán hàng trên mạng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ - Ảnh: TTO

Ông Đặng Hoàng An - thứ trưởng Bộ Công thương - đánh giá như vậy tại hội thảo "Bảo vệ tiêu dùng trong thương mại điện tử" do Bộ Công thương tổ chức sáng nay 18-4.

Ông An cho rằng chống hàng giả trên thương mại điện tử khó khăn hơn nhiều vì không có địa chỉ rõ ràng, các sàn giao dịch chỉ là trung gian khớp nối giữa người mua, người bán, sử dụng phương pháp truyền thống để chống hàng giả không thể đạt kết quả.

Bắt nhiều vụ, xử chẳng bao nhiêu

"Khi thử search 'Gucci' thì ra loạt trang Gucci fake, Gucci fake xịn, Gucci fake 1… với hàng loạt giá rao bán khác nhau. Hiện chế tài, công cụ xử lý chưa thỏa đáng, chưa đủ rộng. Người bán, người mua chưa hiểu việc bán - mua hàng fake là hành vi tiếp tay tiêu thụ hàng giả, vi phạm pháp luật", ông An cho biết

Mua bán trên mạng quá đa dạng, trong khi định danh của người bán, người mua dù có tên nhưng đều là nickname, địa chỉ giả…, do đó, ông An cho rằng nếu không có chính sách đặc thù thì cuộc chiến ngăn chặn hàng giả khó có hồi kết, trong khi đây là hành vi làm méo mó thị trường, thất thu ngân sách và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Dẫn chứng thực tế là trong suốt 4 năm qua, đã có hơn 1 triệu vụ việc được phát hiện, khởi tố 500 đối tượng, nhưng số vụ việc xử lý hình sự trong lĩnh vực thương mại điện tử rất ít, cho thấy cách phòng chống không hiệu quả.

Ông Đàm Thanh Thế - chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 398 quốc gia - cũng cho biết chỉ cần lên Google tìm kiếm một loại hàng hóa nào đó sẽ thấy nhiều thông tin thật - giả lẫn lộn. Việc điều tra, xử lý bắt hàng giả trên môi trường mạng cũng mất rất nhiều công sức, thời gian.

Trong khi đó, người tiêu dùng chỉ cần thấy quảng cáo đẹp, bắt mắt là bị thuyết phục, đặc biệt là giá rẻ hơn so với thị trường là mua ngay mà không tìm hiểu đầy đủ thông tin về nhà cung cấp, người bán, nguồn gốc hàng… Không ít người tiêu dùng bị thiệt hại kinh tế vì hàng giả, doanh nghiệp uy tín bị làm giả hàng hóa, ảnh hưởng tới thương hiệu chung.

Ông Trần Hữu Linh - tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - cho hay thương mại điện tử bùng nổ trong khi các thủ đoạn, hành vi gian lận trên môi trường này khác nhiều so với kinh doanh truyền thống. Không riêng hàng giả mà cả hàng cấm cũng được công khai bán tràn lan.

Ông Linh đẫn chứng năm 2018 lực lượng quản lý thị trường đã xử phạt gần nửa tỉ đồng các vụ việc liên quan đến mua bán trên mạng, mới đây đã bắt đối tượng bán hàng kích dục trị giá gần 2 tỉ đồng.

Theo ông Linh, bán hàng trên mạng không đăng ký là vi phạm khá phổ biến. Các đối tượng chủ yếu là kinh doanh nhỏ lẻ, cán bộ, học sinh, sinh viên..., dùng hình ảnh hàng thật để quảng bá nhưng chất lượng thực là giả.

Bị giả nhiều là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo… Hàng cấm, hàng hạn chế kinh doanh thì có rượu, thuốc lá, xì gà hay vũ khí. Việc thanh toán đều qua khâu trung gian, hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ.

Thay đổi cách quản lý đặc thù

Bà Nguyễn Như Quỳnh - phó chánh thanh tra Bộ Khoa học ccông nghệ - cho biết tăng trưởng thương mại điện tử rất mạnh mẽ, lên tới 25-30%/năm với quy mô 8 tỉ USD. Số lượng các vụ vi phạm trong lĩnh vực này ngày càng tăng, từ đầu năm 2019, 60% đơn thư mà thanh tra Bộ KH-CN nhận được là liên quan tới vi phạm sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử.

Việc xử lý có khó khăn, phức tạp, đặc biệt ở khâu xác định tổ chức, cá nhân vi phạm do các trường hợp này không sử dụng các thông tin đăng ký như địa chỉ, số điện thoại. Luật xử phạt vi phạm hành chính đòi hỏi phải xác định được đối tượng và hành vi vi phạm thì mới xử lý được.

Trước thực trạng trên, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đã đề xuất 6 nhóm giải pháp chống hàng giả trên môi trường mạng như sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan; phân loại các website, trang thương mại điện tử, tập trung xử lý các nhóm website vi phạm nhiều; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm; tuyên truyền phổ biến để doanh nghiệp nâng cao nhận thức chống hàng giả; xây dựng và tiếp nhận khiếu nại trực tuyến liên quan tới hàng giả, hàng nhái...

Quản lý thị trường cũng đau đầu với hàng gian, hàng giả Quản lý thị trường cũng đau đầu với hàng gian, hàng giả

TTO - Hàng gian, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ nhức nhối đến mức cơ quan quản lý thị trường buộc phải thừa nhận chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên