24/11/2022 15:56 GMT+7

Thủ tướng chủ trì họp về truyền thông chính sách, yêu cầu 'cầu thị, lắng nghe' người dân

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Công tác truyền thông chính sách cần bám sát tinh thần: lắng nghe, tôn trọng các ý kiến, tập hợp lực lượng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh trong nước với ngoài nước, nội lực với ngoại lực.

Thủ tướng chủ trì họp về truyền thông chính sách, yêu cầu cầu thị, lắng nghe người dân - Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - Hành động - Nguồn lực" - Ảnh: VGP

Chiều 24-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - Hành động - Nguồn lực", trực tuyến và kết nối đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, trong đó có truyền thông của Chính phủ, có vai trò hết sức quan trọng.

Đặc biệt khi chúng ta đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì nền tảng xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực cho sự phát triển.

Do vậy, truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân, mọi chính sách đều hướng đến người dân làm sao bảo đảm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách pháp luật, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ.

"Chúng ta lắng nghe xem chính sách đã được chưa, còn sơ hở, vướng mắc điểm nào, làm gì để triển khai thuận lợi. Mình làm đã đúng, đã trúng, đã đạt kết quả chưa, do nguyên nhân nào, sắp tới mục tiêu là làm gì, các nhiệm vụ, giải pháp để góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc", Thủ tướng nêu rõ.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất, đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng chủ trì họp về truyền thông chính sách, yêu cầu cầu thị, lắng nghe người dân - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin về thực trạng truyền thông chính sách ở cơ quan nhà nước - Ảnh: VGP

Tuy nhiên, các kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan đầu não ở trung ương với nguồn lực ít nhiều cũng được trang bị, đầu tư cơ bản. Ở nhiều địa phương và cá biệt ở một số bộ ngành hiện nay, công tác truyền thông không được quan tâm do nhiều nguyên nhân.

Đáng chú ý, gần đây nhiều vụ việc nổi cộm trên không gian báo chí, truyền thông, có vụ việc trở thành "sự cố truyền thông", ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội, sản xuất kinh doanh, thậm chí trật tự an ninh... Nguyên nhân một phần từ sự thiếu kinh nghiệm xử lý truyền thông hiệu quả, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa hình thành được đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp…

Kết quả khảo sát do Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành tại 59 cơ quan, bộ ngành địa phương cũng chỉ ra, chưa có sự nhất quán mô hình bộ phận chuyên trách về truyền thông; 40/59 cơ quan khảo sát chưa có đội ngũ truyền thông chuyên trách; nhân lực làm công tác truyền thông ở cơ quan nhà nước chưa được chuẩn hóa, thường là kiêm nhiệm các công việc khác.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng cho rằng công tác truyền thông chính sách cần bám sát tinh thần: lắng nghe, tôn trọng các ý kiến, tập hợp lực lượng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh trong nước với ngoài nước, nội lực với ngoại lực.

"Chúng ta đã làm tốt chưa, đã nâng cao nhận thức về vấn đề này hay chưa, từ đó, hoàn thiện thể chế như thế nào để phục vụ công tác truyền thông chính sách này cho tốt?" - Thủ tướng đặt câu hỏi và đề nghị các ý kiến đánh giá nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện truyền thông chính sách, "công cụ gì để đo truyền thông tốt hay xấu, làm được hay chưa làm được".

Theo đó, cần nhấn mạnh trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị của các cơ quan hành chính, cơ quan báo chí trong phổ biến, giáo dục pháp luật, để các chính sách pháp luật của Nhà nước đến được với người dân.

Trong bối cảnh tình hình thay đổi nhanh nên cần có cách ứng phó cho phù hợp, hiệu quả, với tinh thần tôn trọng, cầu thị lắng nghe, để hoàn thiện chính sách tốt hơn, truyền thông chính sách phải trước, trong và sau khi xây dựng chính sách.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Có dữ liệu mà không truy cập được như xây nhà không móng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Có dữ liệu mà không truy cập được như xây nhà không móng

TTO - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ví như vậy trong buổi làm việc với TP Hà Nội về việc triển khai thí điểm hai nhóm thủ tục hành chính liên thông và số hóa dữ liệu đất đai, nhà ở, thực hiện an sinh xã hội sáng 22-11.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên