06/11/2022 09:59 GMT+7

Thủ tướng: Không được để thiếu thuốc, ai không dám làm thì hãy xin nghỉ

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế. Nếu ai không dám làm thì hãy xin nghỉ, đứng sang một bên là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng: Không được để thiếu thuốc, ai không dám làm thì hãy xin nghỉ - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại phiên họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: VGP

Sáng 6-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần xác định việc phòng, chống dịch COVID-19 tốt hơn nữa để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022 và chuẩn bị cho năm 2023.

Đặc biệt trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn cảnh báo đại dịch COVID-19 chưa chấm dứt. Cùng với đó, nước ta xuất hiện một số dịch như sốt xuất huyết, theo tính toán chu kỳ 5 năm 1 lần.

Do đó phiên họp này tập trung đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 và dịch bệnh khác, thực hiện nghiêm quy chế làm việc.

Thủ tướng lưu ý các vấn đề thảo luận như tiêm vắc xin sao cho hiệu quả, bởi có tuần "hầu như không tiêm được mũi nào" và "phải xác định trách nhiệm thuộc về ai".

"Chúng ta phải chuẩn bị tổng kết công tác phòng, chống dịch, nhưng phải nhấn mạnh công thức phòng, chống dịch, trong đó có 2 yếu tố hết sức quan trọng là vắc xin, thuốc và ý thức của người dân" - Thủ tướng nêu.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, Thủ tướng, Chính phủ liên tục chỉ đạo về tiêm vắc xin, nhất là chỉ đạo Bộ Y tế cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo phải phối hợp chặt chẽ, quyết liệt thực hiện vấn đề này.

Đặc biệt với vấn đề tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Thủ tướng nêu rõ, muốn các cháu an toàn đến trường thì phải ưu tiên, thúc đẩy tiêm vắc xin.

Do đó, chúng ta cần rút kinh nghiệm, không được "chập chờn" vì một số nước tuyên bố hết dịch, nay lại tuyên bố có dịch; không được để dịch chồng dịch; vấn đề mua sắm thuốc men; vấn đề trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy các công tác này; tăng cường quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng; công tác thông tin tuyên truyền cũng cần phải được đẩy mạnh

Bên cạnh đó, ông cho rằng vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế cũng cần được làm rõ về nguyên nhân, tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra, rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, "vướng ở đâu thì sửa đó".

"Nếu vướng ở thông tư thì các bộ, nhất là Bộ Y tế phải chỉ rõ; nếu vượt thẩm quyền phải báo cáo Quốc hội; bảo đảm đúng thủ tục, trình tự. Các địa phương cũng phải xem xét vướng mắc ở đâu? Trách nhiệm thuộc về ai? Không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế. Nếu ai không dám làm thì hãy xin nghỉ, đứng sang một bên" - Thủ tướng yêu cầu.

Ông cũng nhắc lại vừa qua, số cán bộ công chức xin nghỉ chủ yếu thuộc ngành y tế và giáo dục. Vì vậy, khi xem xét vấn đề này cũng cần phải khách quan, nói rõ cả số tuyển mới, chứ không chỉ số người xin nghỉ.

Thủ tướng yêu cầu phải chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp; vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong các vấn đề trên.

Vẫn nguy cơ từ các biến thể mới, cần ứng phó từ tiêm vắc xin

Báo cáo của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp cho hay, đến ngày 30-10 thế giới đã ghi nhận 635,5 triệu ca nhiễm, trong 7 ngày qua có 16 nước, vùng lãnh thổ ghi nhận số ca tử vong cao với trên 100 ca.

Đáng chú ý, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể trước, các biến thể mới cũng liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, BA.2.12.1, XBB, BQ.1…

Những biến thể này có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc xin, né tránh miễn dịch, dẫn tới nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Mới nhất là 2 biến thể phụ Omicron gồm XBB hình thành từ sự tái tổ hợp của các biến thể phụ và đã xuất hiện tại 35 quốc gia, BQ.1 là một biến thể phụ của BA.5 và đã xuất hiện tại 65 quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, tạo điều kiện để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đánh giá, phân tích tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống - Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, tạo điều kiện để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đánh giá, phân tích tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống - Ảnh: VGP

Bộ Y tế nhận định đại dịch COVID-19 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Tháng 7-2022, WHO đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch, và cảnh báo về những biến thể mới có thể làm cho dịch COVID-19 phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại và khuyến khích việc duy trì biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vắc xin.

Đến nay tình hình đã khả quan hơn, nhưng WHO vẫn khuyến cáo các quốc gia nắm bắt cơ hội, tiếp tục nỗ lực và duy trì biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo mục tiêu tiêm chủng vắc xin.

Với tình hình trong nước, cả nước ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc. Trong tháng 10 cả nước vẫn có trên 24.000 ca nhiễm mới, giảm 64,8% nhưng vẫn có 15 ca tử vong. Trong nước cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng.

Làm sao tăng tỉ lệ tiêm vắc xin cho trẻ? Làm sao tăng tỉ lệ tiêm vắc xin cho trẻ?

TTO - 'Giải bài toán' tăng tỉ lệ tiêm vắc xin cho trẻ hiện nay khá khó. Có nhiều lý do khiến tỉ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn thấp, chưa đạt theo yêu cầu.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên