21/04/2019 11:38 GMT+7

Thư viện có thể bớt 'buồn'?

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Trong khi số sách tại thư viện công cộng ở Việt Nam hiện nay bình quân trên đầu người chưa được nửa quyển, những người tâm huyết trong ngành thư viện vẫn đang ôm ấp giấc mơ xây dựng thư viện xứng đáng là điểm đến hấp dẫn.

Thư viện có thể bớt buồn? - Ảnh 1.

Giáo viên và học sinh trong một tiết đọc sách tại thư viện trường học, thuộc chương trình hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học của Room to Read Việt Nam - Ảnh: Room To Read

Muốn phát triển phong trào đọc sách trước hết cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của sách và thói quen đọc sách. Việc này cần triển khai đồng bộ, liên tục, không nên đợi đến tháng 4 mới dồn dập các hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Giới (chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam)

Theo ông Bùi Xuân Đức - giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM (KHTH), bình quân mỗi năm Thư viện KHTH đạt 1,3 triệu lượt bạn đọc đến thư viện, nhưng ông đang lo lắng nếu cứ giữ cách làm truyền thống thì ngay cả mức 1 triệu lượt bạn đọc/năm đến thư viện cũng khó.

Những tín hiệu

Cô Tuyết Anh ở quận 3, TP.HCM thu xếp mỗi tuần dành 2-3 buổi đưa con gái đến thư viện thiếu nhi thuộc Thư viện KHTH để sinh hoạt và trau dồi tiếng Anh. Với cô, không gian thư viện ở đây vừa hiện đại vừa thân thiện, con trẻ có thêm các bạn mới và việc đọc sách, học tiếng Anh rất tiện lợi.

Đây cũng là lựa chọn của nhiều phụ huynh ở khu vực trung tâm TP. Nhưng xa hơn một chút, Thư viện Gò Vấp dù trong những ngày hè vẫn không có nhiều lượt khách đến. Anh Nguyễn Trung - người thường đến thư viện tìm các tài liệu về chuyên ngành cơ khí, điện tử - thừa nhận thư viện thường thưa vắng người ghé lại, trong khi với anh, Thư viện Gò Vấp là chỗ đọc sách lý tưởng cho những ai cần tìm kiếm tài liệu.

Trong số các thư viện quận huyện của TP.HCM, Thư viện quận 6 nhiều năm được đánh giá có nội dung hoạt động tốt. Cùng với "địa lợi" là công viên Phú Lâm ở gần bên, Thư viện quận 6 tổ chức nhiều chuyên đề hoạt động ngoài trời thu hút khá đông bạn đọc thiếu nhi và cả phụ huynh.

Và gần đây, Thư viện quận 12 nhờ có sự hỗ trợ của Công ty FPT mới tổ chức được phòng sách điện tử với 10 bộ máy vi tính và 995 bản sách điện tử các loại, phục vụ hoàn toàn miễn phí cho bạn đọc.

Phải thay đổi từ thủ thư đến công nghệ

Thư viện KHTH phối hợp với Samsung tổ chức được không gian đọc hiện đại là S.hub - mô hình thư viện 2.0 với trang thiết bị hiện đại, song song đó là các hoạt động chia sẻ tri thức được tổ chức thường xuyên.

Tuy nhiên, để với tay đến một không gian thư viện hiện đại như các nước, công việc trước mắt vẫn còn bề bộn, bắt đầu từ khâu thủ thư. Theo ông Bùi Xuân Đức, "thủ thư ngày nay không còn chờ bạn đọc đến rồi phục vụ, mà bây giờ trước khi bạn đọc đến thư viện, thủ thư đã chuẩn bị các nội dung để cung cấp cho bạn đọc. 

Ví dụ như ở phòng báo tạp chí, thủ thư phải biết "check" tin, phải tổng hợp các loại báo theo từng chủ đề để giới thiệu cho bạn đọc. Phòng thanh thiếu nhi thủ thư phải chuẩn bị các trò chơi, các công cụ để bạn đọc vào thì cung cấp cho họ". Để làm như vậy, Thư viện KHTH đã đưa người đi học tập ở các nơi, cả học thạc sĩ và tham gia các khóa ngắn hạn tại Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Úc, Ấn Độ...

Về cách tổ chức thư viện công cộng trải đều các quận huyện như TP.HCM, ông Bùi Xuân Đức cho rằng đây là việc nhằm đáp ứng nhu cầu bạn đọc tại các địa bàn, nhưng cách làm như vậy vừa lãng phí vừa không đáp ứng được nhu cầu. Theo ông Đức, Singapore có mô hình liên kết giữa thư viện trung tâm và các thư viện nhánh hiệu quả hơn. 

"Họ không nhất thiết làm mỗi quận huyện một thư viện như mình, thư viện chi nhánh của họ làm theo cụm, có thể hình dung như ở TP mình là quận 1, quận 3, quận 10 gần nhau có 1 thư viện, diện tích cả ngàn mét vuông. Như vậy vừa không nhỏ lẻ vừa cập nhật sách nhanh".

Có nhất thiết phải ngồi ở thư viện?

Tại một hội thảo về đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới hồi cuối năm 2018, nhà sử học Dương Trung Quốc nói xưa thư viện là nơi lưu trữ sách và mọi người đến tìm sách để đọc, nhưng nay thời đại đã thay đổi. Ông cho rằng ngành thư viện cần trả lời câu hỏi "có nhất thiết là mọi người phải đến thư viện ngồi đọc sách nữa không?".

phongdoc-15440886901701987147367 2(read-only)

Không gian phòng đọc doanh nhân tại Thư viện Khoa học tổng hợp - Ảnh: L.ĐIỀN

Theo ông, nếu câu trả lời là vẫn cần thiết thì các thư viện cần làm gì đó để phát huy được vai trò của mình. Ông gợi ý thư viện cần chuyển đổi thành một không gian sáng tạo, một nơi để mọi người đến tiếp nhận, trao đổi tri thức. "Đừng nghĩ thư viện chỉ là sách mà còn là các hoạt động văn hóa khác" - ông nói.

Cùng quan điểm với ông Dương Trung Quốc, ông Bùi Xuân Đức cho rằng đã đến lúc chúng ta cần đưa ra một hình ảnh khác và cách định nghĩa khác cho thư viện công cộng.

"Xu hướng là thư viện không tường, thư viện trong tương lai sẽ là không gian mở để người ta đến thư giãn và sáng tạo. Còn việc học tập nghiên cứu có thể tại chỗ bất kỳ đâu, hoặc ở nhà. Mình phải chia ra như vậy mới đáp ứng được nhu cầu người sử dụng thư viện. Với những tài liệu phải tuân thủ quy định bản quyền, bạn đọc phải tới thư viện để đọc, còn thì cứ ở nhà đọc" - ông Đức hình dung về một tương lai thư viện công cộng ở Việt Nam.

THIÊN ĐIỂU - L.ĐIỀN

Năm 2030, mỗi người dân đọc 4 cuốn sách/năm?

Tại quyết định 329 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2017 về "Phê duyệt đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", đặt mục tiêu cụ thể phấn đấu đạt mức hưởng thụ bình quân sách là 5 bản/người dân và đạt 1 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng; mỗi người dân trung bình đọc 4

cuốn sách/năm.

Theo báo cáo của Bộ VH-TT&DL, tính đến cuối năm 2017 hệ thống thư viện công cộng gồm: 1 thư viện quốc gia, 63 thư viện cấp tỉnh, 663 thư viện cấp huyện và 3.257 thư viện cấp xã, 16.722 phòng đọc sách làng, thôn, bản; gần 400 thư viện thuộc các trường đại học, cao đẳng; 25.915 thư viện trường phổ thông; 100 thư viện thuộc các bộ ngành; các viện, trung tâm nghiên cứu; hơn 500 thư viện, hơn 4.500 phòng đọc sách thuộc lực lượng vũ trang.

Ngoài ra, cả nước có 61 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, hàng nghìn tủ sách phụ huynh, hàng trăm tủ sách dòng họ. Theo ước tính, trong cả nước có khoảng 30.000 người làm thư viện.

Theo kế hoạch, trong năm 2019 Bộ VH-TT&DL sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hỗ trợ cho sự phát triển của thư viện, trong đó có Luật thư viện.

L.Đ. - T.Đ.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Tôi mê đọc sách từ chuyện kể của bà" Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: 'Tôi mê đọc sách từ chuyện kể của bà'

TTO - Hạt giống của thói quen đọc sách phải được và phải có ai gieo trồng trong đầu đứa trẻ từ thuở ấu thơ. Bằng những câu chuyện kể. Bằng những cuốn sách làm quà...

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên