01/05/2014 09:35 GMT+7

Thuê bao di động bị chiếm đoạt tiền ra sao?

MINH QUANG
MINH QUANG

TT - Theo một chuyên gia trong lĩnh vực nội dung số, thủ đoạn dùng phần mềm gián điệp cài vào các ứng dụng di động để gửi tin nhắn tính phí là thủ đoạn mới xuất hiện trong thời gian gần đây.

Khoảng 100.000 thuê bao di động bị cài phần mềm gián điệp

7DjJwxLa.jpg
Cài được phần mềm gián điệp vào điện thoại khách hàng, các nghi phạm điều khiển phần mềm gián điệp để nhắn tin vào các đầu số đã thuê - Ảnh: Minh họa

Cho đến nay mới chỉ có dòng smartphone sử dụng hệ điều hành Android bị khai thác lỗ hổng để cài đặt các ứng dụng có phần mềm gián điệp.

Theo chuyên gia này phân tích, để có được một hệ thống hoàn hảo nhằm chiếm đoạt tiền của thuê bao di động, các cá nhân phải sở hữu ít nhất một đầu số dịch vụ nội dung số, một server chứa các ứng dụng và một wapmaster để thuê bao di động tải ứng dụng xuống điện thoại.

Ngoài ra, các cá nhân này còn có thể sử dụng một máy tính độc lập để điều khiển phần mềm gián điệp trong ứng dụng di động đã được cài đặt.

Trong trường hợp nhóm nghi phạm mới bị Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội bắt khẩn cấp, cơ quan công an đã làm rõ cá nhân sở hữu đầu số là Trần Ngọc Hải (trú tại phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hải đã tiến hành ký kết hợp đồng thuê lại đầu số của một đơn vị khác bao gồm các đầu số 8xx8, 6xx6, 8xx7.

Theo hợp đồng ký kết, Hải phải chịu trách nhiệm về nội dung dịch vụ cung cấp trên đầu số theo đúng kịch bản cam kết và phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Về kinh tế, theo thỏa thuận của đơn vị có đầu số với các nhà mạng thì khi một tin nhắn hoàn thành, nhà mạng được hưởng 55% cước và đơn vị sở hữu đầu số hưởng 45%.

Đơn vị sở hữu đầu số do không thực hiện kinh doanh nên đã cho công ty khác thuê đầu số để kinh doanh và chính công ty này ký hợp đồng cho Hải thuê đầu số.

Theo hợp đồng cuối cùng này, Hải sẽ được hưởng 88% số tiền trong số 45% số tiền ăn chia giữa doanh nghiệp sở hữu đầu số và nhà mạng.

Sau khi có đầu số, Hải hướng dẫn Hà Xuân Tiến, Nguyễn Đức Lực, Nguyễn Văn Tú đầu tư khoảng 40-50 triệu đồng để thuê máy chủ chứa các ứng dụng di động đã được cài đặt phần mềm gián điệp; xây dựng các trang web soundfest.com.vn, clickdi.com và một số wapmaster khác chứa các đường link tải ứng dụng có phần mềm gián điệp. Sau đó nhóm này quy định việc tải ứng dụng trên các trang web này là 15.000 đồng/lượt tải.

Tuy nhiên, tính năng công khai giá thành tải ứng dụng đã bị nhóm này để ẩn dẫn đến việc khách hàng tải ứng dụng không biết bị tính phí.

Được biết nhóm Tiến, Lực, Tú đã đưa lên các trang web này khoảng 40 ứng dụng đã bị chỉnh sửa. Tương tự, Trần Ngọc Hải cũng thiết lập trang web adrocket.vn, đưa lên 115 ứng dụng đã chỉnh sửa để khách hàng tải ứng dụng nhằm mục đích thực hiện việc chiếm đoạt tiền. Đến khi bị triệt phá, trang adrocket.vn của Hải đã có gần 1.000 thành viên tham gia.

Cài được ứng dụng có phần mềm gián điệp vào máy điện thoại của khách hàng, các nghi phạm sử dụng máy tính, điều khiển phần mềm gián điệp này để nhắn tin vào các đầu số đã thuê.

Theo đó, mỗi ngày nhóm nghi phạm lựa chọn một đầu số 8xx8 hoặc 6xx6 hoặc 8xx7 nhằm qua mặt việc kiểm tra của nhà mạng cũng như đơn vị quản lý đầu số.

Do phần mềm gián điệp này thực hiện chức năng nhắn tin ẩn nên chủ thuê bao hoàn toàn không biết điện thoại tự động nhắn tin đến các đầu số thu phí. Bước đầu, cơ quan công an xác định có khoảng 100.000 thuê bao di động bị chiếm đoạt tiền bằng hình thức này với tổng số tiền lên đến khoảng 2,1 tỉ đồng.

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên