Thượng đỉnh EU: Phiên chợ Brussels

LÊ QUANG 24/07/2020 23:07 GMT+7

TTCT - Liên minh châu Âu (EU) - hình mẫu mới về mái nhà chung của nhiều dân tộc - loay hoay tại hội nghị thượng đỉnh bất thường về khung ngân sách 1.800 tỉ euro cho 7 năm tới, trong đó chương quan trọng nhất là dự án vực dậy nền kinh tế hậu corona của các quốc gia thành viên Nam Âu bị bầm giập thê thảm vì đại dịch.

Bà Merkel và ông Macron ở hội nghị thượng đỉnh bất thường EU mùa COVID-19. Ảnh: euronews
Bà Merkel và ông Macron ở hội nghị thượng đỉnh bất thường EU mùa COVID-19. Ảnh: euronews

Là đại diện cho cường quốc đầu tàu EU bên cạnh Pháp, Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Brussels đúng sinh nhật mình, song bà đã và sẽ không có lòng dạ nào để lễ lạt. Cả thế giới nín thở theo dõi mọi động thái của bà ở hội nghị trong cương vị chủ tịch luân phiên, muốn qua đó biết EU có vượt qua nổi hay không và vượt qua như thế nào thử thách cam go nhất từ sau Brexit.

Dù không bỏ qua cơ hội nào để nhấn mạnh sẽ không tái ứng cử nhiệm kỳ tới, bà Merkel vẫn phải ghi điểm ở Brussels để kiếm dư địa chính trị cho đảng cầm quyền ở nhà. Bà ủ dột thổ lộ với báo chí trước khi lên máy bay đến hội nghị: “Vấn đề quá lớn, chỉ có thể giải quyết bằng hàng trăm tỉ euro”.

Nhưng xem ra những rạn nứt trong EU đã quá lớn, tới mức chỉ đổ tiền vào chưa chắc vá víu nổi. Tất nhiên, 750 tỉ euro dự định chi viện cho các nước thành viên, trong đó 500 tỉ không hoàn lại và 250 tỉ cho vay tín dụng, vẫn là một cái bánh quá hấp dẫn, nên ai cũng dòm ngó xem miếng của mình to chừng nào.

Đồng sàng dị mộng

Hãy tua lại cuốn video thượng đỉnh EU tháng 2 vừa rồi. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bước vào phòng họp với cuốn tiểu sử nhà soạn nhạc Frédéric Chopin, minh họa bìa là mấy khuông nhạc của bản Dạ khúc Nocturne số 2. Bất kể đó là chủ ý hay tình cờ, thông điệp của ông Rutte quá rõ ràng: không có gì phải vội.

Ngày ấy tin xấu từ Vũ Hán chưa lan tỏa mạnh mẽ và con virus corona chưa nhe hàm răng gớm ghiếc của nó. Hôm nay, khi thế giới chưa thấy tia sáng cuối đường hầm COVID-19 và nền kinh tế châu Âu chỉ trong mấy tháng sụt mất 8,3%, thì sự từ từ của ông Rutte lại được hiểu khác: trợ giúp thì có, nhưng không phải vô điều kiện!

Ông Rutte được coi là phát ngôn viên của “The Frugal Four” hay “4 đại gia căn cơ” tự phong, gồm Hà Lan, Thụy Điển, Áo và Đan Mạch. Họ săm soi từng khoản chi của EU và thường đề nghị điều kiện ràng buộc các thành viên hưởng lợi.

Chính ở hội nghị bất thường này, đó là lý do khiến giọng điệu đàm phán giữa các thành viên gay gắt lên trông thấy. Sau hai ngày cãi vã không phân thắng bại, lần đầu tiên thượng đỉnh EU khiến lịch của bà Merkel bị đảo lộn. Thay vì chủ nhật cùng chồng đi nghỉ phép năm, bà phải ở lại Brussels vì hội nghị kéo dài thêm một ngày.

Thiết tưởng cần giải thích thêm cơ chế biểu quyết khá lằng nhằng của EU. Việc ban hành các nghị quyết cần phiếu thuận của 55% các thành viên, tức tối thiểu 15/27 quốc gia, và 55% đó lại phải đại diện cho tối thiểu 65% dân số EU nữa.

Riêng nghị quyết về ngân sách như lần này ở Brussels thì cần đồng thuận tuyệt đối, nghĩa là ai cũng có quyền phủ quyết! Đó chính là “bài tủ” của các thành viên nào thấy mình bị thiệt thòi, bởi chỉ cần họ không bỏ phiếu là không thể có nghị quyết. 27 nguyên thủ ngồi trong hội nghị sẽ tận dụng khả năng đó để ấp ủ các mưu mô khác nhau!

Quá tam, quá luôn tứ

Lập trường của phe căn cơ là đồng tiền bỏ ra phải đúng mục đích, và gói cứu trợ không phải để lấp các lỗ hổng ngân sách hiện tại, mà dành cho đầu tư vào tương lai, ví dụ 30% số tiền nhận được phải chi cho khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu.

Về nguyên tắc thì không ai phản đối, nhưng nhóm căn cơ đặc biệt nghi ngờ một số thành viên Nam Âu như Ý và Tây Ban Nha không dùng tiền đúng mục đích. Khi vấn đề cứu trợ mới được bàn ở tầm bộ trưởng, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Wopke Hoekstra bắt các nước nhận cứu trợ phải cải cách xong hệ thống tài chính mới được nhận tiền, vì chính họ có lỗi khi sa vào vũng lầy này.

Sau này Hoekstra hơi hối hận vì dùng lời lẽ quá trần trụi trong khi mỗi ngày có hàng trăm người Ý và Tây Ban Nha chết vì dịch, nhưng hậu quả thì không vãn hồi được nữa: Ý cảm thấy bị EU bỏ rơi trong hoạn nạn, một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 3 cho thấy trên 65% dân Ý tin rằng vào EU chỉ thiệt. Trước đó 18 tháng, tỉ lệ này mới xấp xỉ 47%. Cái mùi Brexit đã tỏa khắp.

Của cho không bằng cách cho. Ai thạo cách cư xử của người Âu - mà từ ngoài nhìn vào tưởng là một khối thống nhất - sẽ nhận ra lý do văn hóa của mối hiềm khích này. Trong khi người Hà Lan và Bắc Âu thẳng tính, thì dân Địa Trung Hải ưa bay bướm vòng vèo. Với người này là bộc trực thì với người khác là lỗ mãng.

“Lỗ mãng” cũng là lời Thủ tướng Viktor Orbán của Hungary bình luận về cách phát ngôn của Thủ tướng Rutte: “Tôi không biết ông ta có lý do cá nhân gì mà ghét tôi và Hungary đến thế, nhưng cách ông ấy phê phán chúng tôi thì quả là lỗ mãng”.

Hungary và Ba Lan là hai nước thường xuyên bị EU lên lớp vì hạn chế tự do ngôn luận và các chính sách dân túy. Nhiều thành viên EU gọi nhà nước pháp quyền là tiêu chí bất di bất dịch để quyết định viện trợ. Nhóm 5 nước (thêm Phần Lan) đề nghị phải quy định bắt buộc điều kiện đó, trong khi Đức và Pháp muốn “nhịn” để đạt đồng thuận sớm, đặng sớm cải thiện tình hình thê thảm ở Nam Âu.

Và thế là cuộc vật lộn giành tiền tỉ của EU kéo dài đến đêm của ngày thứ ba.

Bà Merkel và ông Macron ở hội nghị thượng đỉnh bất thường EU mùa COVID-19. Ảnh: EPA
Bà Merkel và ông Macron ở hội nghị thượng đỉnh bất thường EU mùa COVID-19. Ảnh: EPA

Giờ lâu ngã giá...

Thủ tướng chủ nhà Charles Michel đồng thời là chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng sốt ruột. Ông đưa con số mới là 400 tỉ euro viện trợ không hoàn lại và 350 tỉ vay tín dụng. Nhưng cũng không tránh được kéo dài thêm một hôm nữa. Nhóm năm nước căn cơ đưa tối hậu thư: 350 và 350, không thì… thôi!

Giờ của các nước nhỏ đã điểm, thủ tướng Hungary rút trong ống tay áo ra quân chủ bài cuối cùng: thiếu phiếu của Hungary thì toàn bộ kế hoạch ngân sách EU của 7 năm tới sẽ không ra đời. Dĩ nhiên ông than phiền là Hungary được chia hơi ít, nhưng cơ bản là Hungary và Ba Lan không ưa cái gọi là “cơ chế nhà nước pháp quyền” mà EU luôn rình áp đặt.

Bất ngờ thay, các thành viên trong đoàn Đức tiết lộ là bà Merkel dường như về cùng phe với ông Orbán. Đồng minh của bà, Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron giận dữ chỉ trích thái độ cứng nhắc và ích kỷ của nhóm 5 nước.

Bản thân Pháp và Đức là hai nước chỉ trả vào quỹ chung chứ không lấy ra xu nào, nay chỉ muốn đấu tranh cho quyền lợi chung của châu Âu. Đấm lên bàn như Macron thì không phải phong thái của bà Merkel, vì vị thế chủ tịch (luân phiên) luôn phải là hòa giải và kết nối.

1h30 rạng sáng thứ hai, 20-7, thủ tướng Áo tung lên Twitter một bức hình tươi cười cùng thủ tướng Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch và Thụy Điển. Tấm ảnh ấy đẻ ra tin đồn, mà còn gì ngoài tin đồn: có thể EU sẽ đồng ý chi 390 tỉ euro viện trợ không hoàn lại. ■

Bild là tờ báo bảo thủ và dân túy có lượng độc giả đông nhất trong các tờ báo tiếng Đức và luôn nói giọng của bình dân vỉa hè, sáng 21-7 lên tiếng gây hấn: “Chúng ta không thể sống trong một EU mà ở đó Ý và Tây Ban Nha theo đuổi chính sách vay mượn rồi cuối cùng người dân đóng thuế ở Đức phải thanh toán.

Nếu Berlin bây giờ không đòi hỏi cải cách và đưa ra điều kiện rõ ràng thì hàng tỉ euro sẽ lặn mất tăm trong các cấu trúc xập xệ và các doanh nghiệp lạc hậu. Nước Đức cũng không được chấp nhận những nguyên thủ quốc gia có xu hướng chuyên quyền nguy hiểm, liên tục cắt xén dân chủ ở nước họ. Bà Merkel không được phát cho Orbán tấm vé miễn phí khi đất nước của ông ta ngày càng tách xa các giá trị nền tảng của EU, đồng thời vẫn hớn hở nhận tiền của EU”.

Lại chính bà Merkel, vốn có quan hệ băng giá với thủ tướng Hungary từ cuộc khủng hoảng người tị nạn 2015, nay bỗng dễ dãi với Orbán để nhanh chóng ký được nghị quyết tiền tỉ và tìm sự thỏa hiệp.

Được Thủ tướng Áo Sebastian Kurz yểm trợ, Thủ tướng Hà Lan Rutte vỗ mặt Orbán với tuyên bố không thỏa hiệp và nhấn mạnh: nhà nước pháp quyền là vấn đề nguyên tắc, không thể đem ra đàm phán. Nhưng rồi họ vẫn đàm phán, để rồi chiều tối ngày đàm phán cuối cùng, EU lại thống nhất như mọi khi!

Một cuộc đảo chính nhẹ nhàng đã diễn ra ở thủ đô Bỉ. Vai trò của Đức và Pháp lần này lu mờ trước sự trỗi dậy của nhóm 5 nước. Trước đây Đức và Pháp rủ nhau đi dạo, khi quay về thì đưa ra vài nghị quyết và các nước khác gật đầu. Lần này Pháp dường như mất đi trọng lượng truyền thống với miền Nam Âu và các nước Cơ Đốc giáo quanh Địa Trung Hải. Đức thì không còn là cây cầu nối về phía Đông để lôi kéo Ba Lan và Hungary.

Xa hơn nữa, Bulgaria và Romania ngập ngụa trong tham nhũng. Nói một cách hình ảnh như bình luận viên của tạp chí Focus, vào lúc kết quả thượng đỉnh chỉ còn là một thỏa hiệp được gọt tròn trĩnh cho vừa lòng mọi bên, người ta ngậm ngùi chấp nhận EU để lại một hình tượng mệt mỏi te tua, do chưa bao giờ phải cãi cọ vì nhiều tiền như thế và chưa bao giờ phải đưa ra nhiều quyết định lịch sử nặng nề như dịp này, khiến lần đầu tiên EU phải đi vay ngoài thị trường tài chính rồi trả nợ hàng chục năm sau.

Ngậm ngùi cũng vì hình ảnh hai chủ thể nặng ký nhất của EU Đức - Pháp lờ mờ nhận ra là cả ghế lái chính lẫn lái phụ đều không dành cho mình nữa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận