03/08/2020 08:37 GMT+7

TikTok đe dọa vị thế công nghệ của Mỹ?

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Tối 31-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ cấm ứng dụng TikTok tại Mỹ sau khi chính quyền Washington bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng ứng dụng này cho mục đích tình báo.

TikTok đe dọa vị thế công nghệ của Mỹ? - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump nghênh chiến với TikTok - Ảnh: AFP

Về vấn đề TikTok, chúng tôi sẽ cấm họ tại Mỹ... Tôi có thẩm quyền đó. Tôi có thể làm việc này bằng một sắc lệnh hành pháp hoặc bằng thẩm quyền ấy.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One ngày 31-7

Tuy vậy, nguy cơ đối với an ninh quốc gia Mỹ có thể không phải là lý do duy nhất dẫn đến quyết định tuyên bố cấm TikTok của ông Trump. Rõ ràng, TikTok đang nổi lên là đối thủ cạnh tranh với các "ông trùm" công nghệ của Mỹ.

Facebook lo ngại

Hôm 29-7 (giờ Mỹ), cùng với CEO của Google, Apple và Amazon điều trần trước tiểu ban chống độc quyền thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, CEO Facebook Mark Zuckerberg đã phản bác các ý kiến cho rằng công ty của mình quá thống lĩnh thị trường bằng cách liệt kê hàng loạt tên đối thủ. Thế nhưng, có vẻ Zuckerberg chỉ thật sự lo lắng một đối thủ và cái tên này được ông đề cập công khai trước Quốc hội Mỹ: "Ứng dụng phát triển nhanh nhất là TikTok".

Ông Trump đưa ra quyết định trên chỉ hơn một tháng sau khi hàng chục ngàn người dùng TikTok chơi khăm chiến dịch tái tranh cử của ông. Những người này đã đặt vé tham gia buổi vận động tại thành phố Tulsa (bang Oklahoma) của ông Trump nhưng sau đó không tham gia.

Mới nhất, Đài CBS đã ghi nhận một số người dùng phản ứng mạnh với tuyên bố hôm 31-7 của tổng thống Mỹ. 

Theo CBS, một người dùng đã la lớn: "Ông không thể cấm TikTok!" trước cổng tòa Trump Tower ở New York và chia sẻ clip này lên mạng. 

Một người khác, Alyssa Cornetta đến từ New Jersey, tuyên bố thẳng thừng: "Không bất cứ thứ gì giống TikTok!".

Truyền thông Mỹ trong những ngày qua cũng chung quan điểm về việc TikTok thật sự là một "mối nguy". "Ứng dụng chia sẻ video này có lẽ là mạng xã hội duy nhất trong những năm trở lại đây đem lại mối nguy thật sự cho những nền tảng lớn hơn, vốn đã thống lĩnh thị trường" - CNN nhận định.

Trong một khoảng thời gian ngắn, TikTok đã thu hút được khoảng 100 triệu người dùng tại Mỹ với đa số là giới trẻ. Chính nền tảng này cũng giúp tạo ra các ngôi sao và xu hướng mới trên mạng xã hội, ảnh hưởng mạnh tới văn hóa công chúng.

"Big Tech" Mỹ thay đổi

Đứng trước mối đe dọa cạnh tranh từ TikTok, các ông trùm công nghệ (Big Tech) của Mỹ bao gồm Facebook và Google đều cố gắng xây dựng các chức năng tương tự mạng xã hội này cho ứng dụng của mình. Hồi tháng 6, YouTube thuộc Google đã bắt đầu cho thử nghiệm tính năng chia sẻ các video dài 15 giây. Và chỉ tháng trước, Instagram của Facebook tuyên bố sẽ cho ra đời một ứng dụng cạnh tranh trực tiếp với TikTok.

Đáp lại, TikTok đã thách thức những bước đi mới của đối thủ. "Gửi tới những ai muốn tung ra sản phẩm cạnh tranh, chúng tôi nghênh chiến. Facebook thậm chí đang tạo ra một sản phẩm copy mới, Reels, sau khi sản phẩm bắt chước Lasso của họ thất bại nhanh chóng" - CEO người Mỹ Kevin Mayer của TikTok tuyên bố trong một bài viết cá nhân.

Phản ứng về lời đe dọa cấm TikTok của ông Trump, giám đốc TikTok tại Mỹ, Vanessa Pappas cho biết công ty đang cố gắng tạo ra "ứng dụng an toàn nhất" cho người dùng giữa những lo ngại của Mỹ về an ninh dữ liệu. "Chúng tôi không có kế hoạch đi đâu khác" - bà Pappas tuyên bố trong thông điệp được truyền đi trên ứng dụng này ngày 1-8.

Trong trường hợp Washington thật sự thực thi lệnh cấm đối với TikTok - ứng dụng mạng xã hội chia sẻ video đặc biệt phổ biến trong giới trẻ và đã thu hút hơn 1 tỉ người dùng toàn cầu, điều này sẽ giảm bớt sự cạnh tranh trên một thị trường vốn đã khan hiếm cạnh tranh.

Theo các nguồn tin của tờ New York Times, doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đang tìm cách bán lại hoạt động tại Mỹ của TikTok nhằm đối phó với lệnh cấm của ông Trump. Một số thông tin cho biết Microsoft đang đàm phán để mua lại hoạt động của TikTok tại Mỹ.

Ít nhất hai nguồn thạo tin của Reuters ngày 2-8 cho biết ByteDance đã chấp nhận bán toàn bộ cổ phần tại TikTok cho Microsoft, đồng nghĩa TikTok sẽ trở thành một công ty Mỹ 100%.

Giúp tăng thiện cảm với Trung Quốc?

Trong bài viết đăng tải trên Forbes ngày 2-8, nhà sáng lập kiêm CEO Zak Doffman của Digital Barriers - hãng cung cấp giải pháp giám sát công nghệ - nhận định mối lo mà số người dùng lớn và tăng nhanh của TikTok thật sự mang lại là trở thành "nền tảng lan truyền thông tin sai sự thật".

Ông Doffman cho rằng TikTok còn giúp "khuyến khích cách nhìn thiện cảm hơn với Trung Quốc và có khả năng đánh giá tâm trạng và sở thích của người dùng Mỹ (cùng nhiều nơi khác) để lan tỏa tầm ảnh hưởng". Ông cũng lưu ý dù Bắc Kinh chưa sử dụng TikTok trong hiện tại, không đồng nghĩa không dùng đến trong tương lai.

Bị ép cùng đường, công ty Trung Quốc chấp nhận thoái vốn để cứu TikTok Bị ép cùng đường, công ty Trung Quốc chấp nhận thoái vốn để cứu TikTok

TTO - ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã chấp nhận thoái hết vốn trong nỗ lực tránh lệnh cấm của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hiện Microsoft của Mỹ đang trong quá trình đàm phán mua lại TikTok.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: tiktok Mỹ tRUMP