11/10/2021 07:49 GMT+7

Tin sáng 11-10: Yêu cầu xử lý việc phí xét nghiệm COVID-19 quá sức chịu đựng của người bệnh

LAN ANH - ĐỨC PHÚ
LAN ANH - ĐỨC PHÚ

TTO - Yêu cầu thông tin rõ ràng, minh bạch, chấn chỉnh việc thực hiện xét nghiệm COVID-19 tại cơ sở y tế - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, về những bất cập trong xét nghiệm COVID-19.

Tin sáng 11-10: Yêu cầu xử lý việc phí xét nghiệm COVID-19 quá sức chịu đựng của người bệnh - Ảnh 1.

Nhân viên y tế phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo thông báo ngày 10-10 của Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết từ ngày 20-9 đã có chỉ đạo Bộ Y tế thông tin rõ ràng, minh bạch về các quy định của pháp luật, đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở y tế.

"Đến nay Bộ Y tế chưa có báo cáo, tuy nhiên dư luận tiếp tục phản ảnh những bất cập trong xét nghiệm COVID-19 tại cơ sở y tế, đặc biệt chi phí xét nghiệm vượt quá sức chịu đựng của người bệnh suy thận mãn, kể cả người có bảo hiểm y tế" - văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu.

Cũng theo văn bản kể trên, có tình trạng phí xét nghiệm đắt hơn tiền chữa bệnh mãn tính định kỳ của bệnh nhân, khiến họ không chịu đựng nổi vì thường xuyên vào viện. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện yêu cầu từ ngày 20-9, kịp thời cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Đồng thời phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng chi phí dịch vụ y tế cho người bệnh, nhất là người bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài trong điều kiện dịch COVID-19.

Bộ Y tế: Người bệnh không phải trả phí xét nghiệm khi đến cơ sở công lập

Tối muộn 10-10, Bộ Y tế thông báo sau khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có văn bản ngày 20-9, Bộ Y tế đã có công văn nhắc các sở y tế tỉnh thành, cơ sở trực thuộc Bộ Y tế và các bộ ngành, y tế tư nhân nghiêm túc chấn chỉnh việc thu phí xét nghiệm COVID-19.

Bộ cũng cho biết từ tháng 5-2021, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đã có công điện quy định người có thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám, điều trị tại cơ sở y tế công lập nếu nghi ngờ mắc COVID-19 và được chỉ định xét nghiệm thì bảo hiểm chi trả, phần đồng chi trả và người không có thẻ bảo hiểm sẽ chi từ nguồn ngân sách phòng chống dịch.

"Như vậy, người bệnh không phải trả bất kỳ chi phí nào khi được chỉ định xét nghiệm COVID-19" - Bộ Y tế cho biết.

Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế tỉnh thành "kiểm tra việc thực hiện quy định về giá đối với cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế tư nhân, xử lý nghiêm vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh tăng giá dịch vụ, trong đó có dịch vụ xét nghiệm".

Khi xem xét lại hướng dẫn tháng 5-2021 của Bộ Y tế, Tuổi Trẻ Online nhận thấy bộ hướng dẫn chi trả xét nghiệm cho trường hợp nghi mắc COVID-19, nhưng thời gian qua nhiều bệnh viện thực hiện xét nghiệm toàn bộ người đến điều trị nội trú, bất kể nghi mắc COVID-19 hay không, và người bệnh phải trả phí.

Mức phí xét nghiệm cao hơn phí khám, điều trị nhiều dịch vụ tại bệnh viện.

Người dân các tỉnh đi xe khách đến TP.HCM chỉ cần giấy xét nghiệm

TP.HCM trải qua hơn 10 ngày bình thường mới, một trong những mối quan tâm của người dân hiện nay là khi nào xe khách liên tỉnh hoạt động trở lại để đáp ứng nhu cầu đi lại cấp thiết của người dân.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã gửi dự thảo về phương án tổ chức xe khách liên tỉnh cố định giữa TP.HCM và các sở giao thông vận tải các tỉnh thành để lấy ý kiến.

Giai đoạn 1: từ ngày 1 đến 15-11: khai thác tối đa từ 3 đến 5 chuyến/ngày; riêng các tuyến có tần suất khai thác hơn 100 chuyến/ngày trước khi có dịch bệnh thì tần suất tối đa không quá 15 chuyến/ngày. Số lượng khách trên xe không quá 50% số ghế thiết kế (không áp dụng đối với xe giường nằm).

Giai đoạn 2: từ ngày 15 đến 30-11, khai thác tối đa 10 chuyến/ngày theo nhu cầu đi lại; riêng các tuyến có tần suất khai thác hơn 100 chuyến ngày trước khi có dịch bệnh thì tần suất tối đa không quá 30 chuyến/ngày.

Giai đoạn 3: sau ngày 30-11 đến hết tháng 12-2021, tổ chức khai thác vận tải hành khách không quá 50% tần suất khai thác của các tuyến.

Về điều kiện để đi lại, đối với người đi từ TP.HCM phải tiêm ít nhất một mũi vắc xin được 14 ngày hoặc giấy xác nhận là người khỏi bệnh COVID-19 (dưới 6 tháng), kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong 72 giờ.

Người đến TP.HCM chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.

Lực lượng chi viện rút đi, y tế TP.HCM chuẩn bị ra sao để trị COVID-19? Lực lượng chi viện rút đi, y tế TP.HCM chuẩn bị ra sao để trị COVID-19?

TTO - Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, chậm nhất ngày 15-10 lực lượng chi viện cho TP.HCM chống dịch sẽ rút. Câu hỏi là TP.HCM sẽ làm gì để khỏa lấp "khoảng trống" về nhân sự.

LAN ANH - ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên