Tivi, lại một cuộc chạy đua thông minh

TRƯỜNG SƠN 16/09/2016 22:09 GMT+7

TTCT - Các nhà đài và hãng sản xuất tivi (TV) lẫn các công ty công nghệ đều đang đầu tư rất lớn để chiếc TV không mất “ngôi vua” trong phòng khách. Ngành truyền hình không ngồi yên để chịu lép vế so với các nền tảng phát trên Internet.

czowOiIiOw==
Tivi sẽ thông minh đến đâu?


Thị trường truyền hình ngày nay là cuộc chơi giữa các bên: nhà cung cấp truyền hình cáp trả tiền truyền thống, dịch vụ video streaming trên Internet (như Netflix, Hulu, YouTube, HBO) và công ty sản xuất thiết bị (set-top box hoặc streaming stick) để người xem truy cập vào dữ liệu video streaming nói trên (Apple TV, Google Chromecast, Amazon Fire TV Stick).

Dĩ nhiên, có cả các hãng sản xuất TV (Samsung, Sony, LG). “Tay chơi” nào cũng đang có thử thách: hãng truyền hình cáp làm sao níu chân thuê bao? Nhà sản xuất thiết bị phải tăng cường trải nghiệm người dùng (truy cập vào kho video dễ dàng hơn, tìm kiếm mạnh mẽ hơn và điều khiển bằng giọng nói dễ dàng hơn).

Riêng với các hãng sản xuất truyền hình là cuộc chạy đua smart TV và độ phân giải.

Người xem tìm đúng thứ mình cần

Ngày 31-8, Yahoo Finance giật tít: “Thời đau khổ của ngành truyền hình trả tiền Mỹ là đây: lượng người ngưng thuê bao tăng mạnh”.

Bài báo dẫn báo cáo của Hãng nghiên cứu thị trường SNL Kagan cho thấy quý 2-2016 chứng kiến lượng sụt giảm thuê bao mạnh nhất trong lịch sử ngành truyền hình trả tiền Hoa Kỳ, với 812.000 khách hàng ngưng hợp đồng với nhà cung cấp truyền hình (cả cáp lẫn vệ tinh).

Hiện tượng người xem thôi không dùng truyền hình cáp được gọi là cord-cutting (cắt cáp), và số người tham gia trào lưu này (gọi là cord-cutter) không ngừng gia tăng.

Không khó để chỉ ra nguyên nhân: sự trỗi dậy của hình thức phát video (phim ảnh, chương trình truyền hình, series phim bộ) qua Internet đang giành lấy khách hàng của các hãng truyền hình cáp truyền thống.

Thay vì trả tiền cho cả gói thuê bao với hàng chục kênh có khi chẳng khi nào xem tới, với các dịch vụ video streaming, người dùng có thể xem đúng thứ mình cần, mọi lúc mọi nơi và trên mọi thiết bị. Điều quan trọng nhất vẫn là giá dịch vụ rẻ hơn thuê bao tháng của truyền hình cáp.

Theo dữ liệu của Công ty DEFY Media, 86% người xem Mỹ tuổi từ 22-24 xem video chủ yếu trên YouTube và 67% chọn Netflix. Chỉ có 59% số người tham gia bình chọn xem truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh là nguồn xem video chính.

czowOiIiOw==
Ra lệnh cho Tivi bằng giọng nói

 

Canh bạc của Comcast

Khi vấp phải muôn vàn khó khăn, các nhà sản xuất truyền hình không còn cách nào khác là phải thay đổi. Comcast, nhà cung cấp truyền hình cáp lớn nhất nước Mỹ (22,3 triệu thuê bao tính đến tháng 2-2016), đang có tham vọng “khiến những kẻ suốt ngày lớn giọng “truyền hình cáp đã chết” phải im tiếng”.

Theo Business Insider ngày 9-8, phó chủ tịch Comcast, ông Matt Strauss, đang đặt cược vào X1, đầu thu truyền hình cáp cao cấp của hãng, “để chinh phục một thế hệ người xem truyền hình cáp mới”, thay vì phải mất thuê bao vì trào lưu cord-cutting.

Thiết bị X1, khi được kết nối với TV, cho phép người dùng duyệt xem chương trình mình muốn thông qua giao diện thông minh và có thể điều khiển bằng giọng nói.

Người xem về nhà và nói chuyện với chiếc TV, yêu cầu được xem video hay nghe bản nhạc mình thích mà không phải chạm tay vào remote. Những công nghệ này không quá mới, và Strauss muốn làm hơn thế nữa để chiếc TV (có gắn X1) “vẫn là trung tâm của mọi ngôi nhà”.

Dịp Olympic vừa qua, Comcast X1 đã ra mắt hàng loạt tính năng mới để giữ chân người xem. Với khối lượng video khổng lồ về đấu trường thể thao lớn nhất thế giới, không ai có thể xem hết các buổi đấu tại Olympic, dù tất cả được ghi hình và phát sóng.

X1 vì thế cho phép người xem lựa chọn họ muốn theo dõi quốc gia/vận động viên/môn thể thao nào và phát ngay nội dung tương ứng. Rio 2016 là dịp Comcast “chào sân” các tính năng mà hãng muốn theo đuổi sau này để cạnh tranh với các nhà cung cấp nội dung video qua Internet.

Trong tương lai, theo phó chủ tịch Strauss, Comcast sẽ là “người dẫn đường” cho người xem trong thế giới truyền hình. Nó sẽ tổng hợp tất cả các nội dung từ nhiều nhà phát hành khác nhau (HBO, ESPN và thậm chí Netflix), và đưa ra ngay thứ người xem cần.

Ở một tương lai xa hơn, Strauss muốn X1 “biết được bạn đang muốn xem gì trong từng thời điểm - một vở bi kịch, một bài nhạc hay thậm chí các tin nóng đang được cập nhật trên Twitter và bài hướng dẫn nấu ăn” - ông nói với Business Insider.

Strauss thừa nhận Comcast X1 sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với hai đối thủ sừng sỏ Apple TV và Amazon Fire TV Stick, khi hai ông lớn này cũng có thiết bị phát video qua Internet của riêng họ và sự thông minh của hai trợ lý ảo Siri và Alexa thì không ai phải bàn.

Dù đã có tầm nhìn và triển vọng lạc quan cho tương lai, canh bạc Olympic của Hãng Comcast cho kết quả không như ý. Theo Nielsen, chỉ có 26 triệu người theo dõi 17 ngày diễn ra Rio 2016 qua đài NBCUniversal của Comcast, giảm 15% so với 31,1 triệu ở Olympic London 2012.

LAS VEGAS, NV - JANUARY 07:  Panasonic's 4K curved OLED televisions are displayed at the Panasonic booth at the 2014 International CES at the Las Vegas Convention Center on January 7, 2014 in Las Vegas, Nevada. CES, the world's largest annual consumer technology trade show, runs through January 10 and is expected to feature 3,200 exhibitors showing off their latest products and services to about 150,000 attendees.  (Photo by David Becker/Getty Images)
Tivi màn hình cong 4K của Panasonic 

 

Apple đang toan tính gì?

Apple TV có gì khiến đối thủ phải e ngại? Đừng để tên gọi đánh lừa, Apple TV không phải là... TV, mà chỉ là một set-top box nhỏ gọn (10x10cm) để biến TV thành trung tâm giải trí số thông qua các ứng dụng phát video streaming.

Kể từ khi ra mắt năm 2007, Apple TV đã phát triển đến thế hệ thứ 4 và người xem đang nóng lòng chờ thế hệ thứ 5 (dự kiến cuối năm nay). Theo The Next Web, sở dĩ Apple vẫn chưa tung ra phiên bản mới là vì họ “chờ Siri thông minh hơn nữa”.

Trợ lý ảo trứ danh của Apple đang được dạy để có thể làm nhiều hơn là “nhận lệnh từ người xem (mà phải nói thật rõ ràng) và chọn lấy nội dung mà họ muốn”.

Theo The Next Web, sắp tới đây, người dùng Apple TV có thể khoan thai ngồi trên sofa và nói: “Chiếu cho ta xem bộ phim hành động hay hay nào của Tom Hanks nào”, và Siri sẽ chọn ngay bộ phim thích hợp. (Hiện nay ta phải nói rõ mình muốn xem The Da Vinci Code và Siri sẽ chọn phim này trong kho dữ liệu).

Cải thiện khả năng tìm kiếm, càng nhanh, đơn giản và chính xác càng tốt, của các thiết bị như Apple TV hay Comcast X1 chính là mục tiêu của các nhà sản xuất. Trong tương lai, Apple cũng sẽ cho ra mắt một ứng dụng “dẫn đường” (TV guide) như thế. “Giả sử bạn đã cài các ứng dụng phát video của HBO, BBC và Netflix, bạn phải vào lần lượt từng app để biết các dịch vụ này đang phát chương trình gì.

Apple TV guide sẽ bày ra tất cả cho bạn biết mà lựa chọn” - trang Alphr giải thích. Người dùng hiện tại chỉ có thể ra lệnh cho Siri tìm kiếm một chương trình cụ thể nào đó, nhưng trợ lý ảo này không thể biết chương trình nào đang được phát trực tuyến hoặc lịch phát sóng của một chương trình bất kỳ trên một kênh nào đó. Ứng dụng TV guide sắp tới sẽ giải quyết các vấn đề này.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Theo MacWorld ngày 3-8, CEO của “quả táo cắn dở” Tim Cook đang có tầm nhìn về Apple TV phát triển hơn cả một thiết bị có thể điều khiển bằng giọng nói.

“Các vị chớ nên chỉ nhìn vào những thứ hôm nay mà nghĩ chúng tôi đã làm xong những gì mình muốn - ông Cook nói trong cuộc họp báo cáo doanh thu quý 2 của hãng hồi cuối tháng 7 - Chúng tôi đã xây dựng một nền tảng để có thể làm được những điều to lớn hơn thế”.

“Điều to lớn đó”, MacWorld phỏng đoán là Apple có thể chú trọng hơn vào nội dung (Apple TV hiện chỉ giúp người dùng xem nội dung của bên thứ ba chứ bản thân họ không sản xuất nội dung) hoặc thậm chí sản xuất cả TV để chạy Apple TV.

TV sẽ thông minh đến độ nào?

Truyền hình cáp không nên e ngại

Vẫn có cách để nhà đài ngăn sự trỗi dậy của đối thủ video streaming: tăng giá cước (nhà cung cấp truyền hình cáp thường cũng là nhà mạng Internet băng thông rộng), hay chạy đua bản quyền, ngăn các dịch vụ video streaming không tiếp cận được các bộ phim, series chương trình ăn khách (người xem không còn cách nào khác phải thuê bao truyền hình cáp để xem chương trình yêu thích).

Smart TV đã xuất hiện trên thị trường vài năm nay nhưng vẫn chưa thật sự cuốn hút người tiêu dùng. Tuy vậy, các nhà sản xuất vẫn kiên trì phát triển phân khúc này. Hãng nghiên cứu Gartner dự báo đến năm 2018, 87% TV bán ra hằng năm sẽ là TV thông minh, và những smart TV này có thể kết nối được với 76% các thiết bị gia dụng thông minh (có kết nối Internet) khác.

Tại triển lãm công nghệ CES ở Las Vegas năm nay, các nhà sản xuất như LG, Samsung đã tranh thủ khoe các tính năng mới cập nhật trên sản phẩm của họ.

LG giới thiệu web OS 3.0, hệ điều hành dành riêng cho TV thông minh, có thể hiển thị giờ chiếu các chương trình tiếp theo dựa trên sở thích của người xem nhờ tính năng tự phân tích thói quen của người dùng.

Trong khi đó, dòng sản phẩm mới của Samsung cho phép người dùng chơi trực tuyến hoặc download hơn 500 game trực tiếp từ hệ thống PlayStation mà không phải mua máy chơi game. Nhà sản xuất Hàn Quốc cũng sẽ tung ra nhiều app và nội dung với định dạng 4K, kèm theo remote dùng chung cho cả TV lẫn các thiết bị thông minh khác trong nhà. ■

Hãng PricewaterhouseCoopers dự báo doanh thu quảng cáo trực tuyến sẽ vượt quảng cáo trên TV trong năm 2016.

“Một khi các mạng xã hội thật sự lấy video làm trung tâm và có thể phát trực tiếp các sự kiện thể thao và những chương trình khác, ngành truyền hình sẽ tiến thẳng vào vết xe trước đó của ngành báo in: hoặc phải chuyển hẳn sang dùng mạng xã hội như kênh phát hành chính thức, hoặc vật lộn với cuộc chiến sống còn với doanh thu từ thuê bao và quảng cáo” - Bloomberg bình luận trong bài viết có tựa đề “Mạng xã hội đã sẵn sàng thay thế TV”.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận