07/12/2022 19:00 GMT+7

Tôi đã thâm nhập chuỗi cung ứng Samsung thế nào?

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH DM Vina
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH DM Vina

TTO - Nhiều năm làm việc với các đối tác Hàn Quốc, tôi hiểu rằng nếu doanh nghiệp Việt Nam không vươn lên, thay đổi tư duy, tầm nhìn, có lẽ sẽ không bao giờ có thể đặt chân được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tôi đã thâm nhập chuỗi cung ứng Samsung thế nào? - Ảnh 1.

Dây chuyền rework màn hình điện thoại được lắp đặt trong phòng sạch hoàn toàn, đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ - Ảnh: T.H

Đặt chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã khó, vươn lên vị trí hàng đầu trong chuỗi lại càng khó hơn. Bởi vậy không có nguồn lực hỗ trợ, không có sự đầu tư bài bản, nghiêm túc thì công nghiệp điện tử Việt Nam sẽ chỉ mãi… giậm chân tại chỗ.

Bởi vậy ngay khi thành lập nên DM Vina vào năm 2018, chúng tôi xác định sẽ phải bắt tay, liên kết và hợp tác với doanh nghiệp của nước ngoài, đặc biệt là các công ty Hàn Quốc để nhận chuyển giao công nghệ gốc về việc tái tạo (rework) các loại màn hình của điện thoại, tivi, tablet và lắp ráp sản phẩm linh kiện điện tử.

Riêng đầu tư phòng sạch đã mất tới 5-6 tỉ đồng, chưa kể máy móc, công nghệ "đặc chủng", đều phải nhập khẩu lên tới hàng trăm tỉ đồng. Việc chuyển giao công nghệ cũng phải thực hiện từng bước, từ việc chuyên gia Hàn Quốc đã trực tiếp sang vận hành, hỗ trợ cho đến khi người Việt tiếp quản hoàn toàn và làm chủ động nghệ.

DM Vina - doanh nghiệp có vốn của người Việt Nam chi phối trở thành công ty hiếm hoi là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung. Nhưng ít ai hiểu được, kết quả đó là cả quá trình gian nan và chấp nhận những rủi ro trong đầu tư để đáp ứng các vòng kiểm tra năng lực chặt chẽ, ngặt nghèo của Samsung. Từ quá trình sản xuất chạy thử, đến vận hành, nhiều tiêu chí về sản phẩm, tính minh bạch, an ninh an toàn… được đặt ra buộc nhà máy phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Từ sản xuất thử nghiệm một số lượng nhỏ vài trăm sản phẩm tới sản xuất hàng loạt mà vẫn giữ được hiệu suất ổn định là bài toán khó. Bởi phải tuân thủ quy trình sản xuất chặt chẽ, thường xuyên hoàn thiện máy móc, thiết bị, đảm bảo dòng chảy sản phẩm thông suốt, hiệu suất cao, tiết kiệm chi phí, chất lượng. Vì thế khi đã có chứng nhận là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung vào đầu năm 2021, DN vẫn phải thêm 5 tháng để đánh giá hiệu suất, khi tất cả các hạng mục đạt trên 80%, hiệu suất sửa chữa đạt trên 70%, thì mới đi vào sản xuất mở rộng theo đơn hàng.

Tôi đã thâm nhập chuỗi cung ứng Samsung thế nào? - Ảnh 2.

Công ty DM Vina có vốn của người Việt chiếm vai trò chủ đạo đã hợp tác với doanh nghiệp Hàn Quốc để nhận chuyển giao công nghệ, trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung.

Tuy vậy, dù đã trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung, nhưng không đồng nghĩa là doanh nghiệp sẽ "chắc chân" trong chuỗi cung ứng. Trong khuôn viên nhà xưởng rộng 6.000 m2, dây chuyền sửa chữa, lắp ráp màn hình điện thoại được đi vào vận hành hơn 2 năm, nhưng sản lượng mới đạt được khoảng 50% công suất thiết kế.

Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường, những yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao đặt ra thách thức cho DM Vina phải luôn hoàn thiện mình. Bởi vậy, doanh nghiệp theo đuối mục tiêu xây dựng nhà máy thông minh, đáp ứng yêu cầu của đối tác là "cái tiến, cải tiến liên tục". Bởi vậy, đến nay dù đã đi vào ổn định sản xuất, hàng tuần các chuyên gia của Samsung vẫn trực tiếp đến nhà máy để hỗ trợ cải tiến, khắc phục lỗi phát sinh trong quá trình sản xuất nhằm tối ưu hóa các công đoạn, tăng hiệu suất cao hơn và giảm chi phí.

Những cũng có điều còn suy tư, khi mà mọi sự nỗ lực của doanh nghiệp đều là "tự thân vận động" hoặc nhờ trợ lực từ đối tác liên kết. Mặc dù DM Vina đã "đi tắt đón đầu", đầu tư ứng dụng công nghệ cao để tái tạo lại màn hình điện thoại thông minh, giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường, tái sử dụng lại sản phẩm hỏng, nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng bất cứ chế độ, chính sách nào của doanh nghiệp công nghệ cao. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời kỳ COVID-19 như cấp bù lãi suất, giảm lãi suất, việc tiếp cận cũng khó khăn, khi yêu cầu phải có tài sản đảm bảo.

Chúng tôi nguồn lực eo hẹp, nguồn vốn tập trung cho đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, cải tiến công nghệ… Thiệt thòi của doanh nghiệp Việt Nam là yếu công nghệ, yếu vốn, nên để có thể bứt phá thì việc liên doanh, liên kết với bên ngoài sẽ tạo nên nền tảng tốt, nhưng để doanh nghiệp phát triển vững mạnh hơn vẫn cần nhà nước hỗ trợ, đầu tư.

Chúng tôi mong Nhà nước chính sách như vườn ươm khởi nghiệp, có quy định tiếp cận tín dụng, công nghệ cởi mở hơn, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, thúc đẩy phát triển thị trường… để mở thêm nhiều cơ hội, tăng năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng.

Lan tỏa Chuyện nghề thời 4.0

Nằm trong tuyến diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ" năm 2022, báo Tuổi Trẻ và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khởi động cuộc thi "Chuyện nghề thời 4.0", với sự đồng hành của Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt Hàn (VITASK).

Cuộc thi là diễn đàn ghi nhận những chuyện đời, chuyện nghề trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, qua đó nhằm khơi dậy tinh thần xã hội sản xuất.

Chương trình nhằm tạo sân chơi, cơ hội cho những người công nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, công nghiệp hỗ trợ chia sẻ về công việc, nghề nghiệp, câu chuyện tìm hiểu và ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, mở rộng quy mô, giá trị để phát triển doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về ngành nghề được xem là "khô khan" như công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ.

Bài dự thi có thể là câu chuyện của chính bạn đọc hay kể lại câu chuyện của những doanh nghiệp trong và ngoài nước chia sẻ về việc kinh doanh, khởi nghiệp bằng nghề cơ khí, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Những câu chuyện đời thường trong hoạt động sản xuất công nghiệp, như việc người công nhân, kỹ sư mày mò tìm hiểu, tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật, hướng đến sản xuất thông minh để đạt được hiệu quả năng suất và thành công, với những kế hoạch định hướng cho tương lai, những góp sức cho sự phát triển của nền công nghiệp nước nhà.

Cuộc thi cũng tiếp nhận đăng tải những bài viết chia sẻ và tôn vinh những người lao động, người thợ lành nghề trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trên khắp cả nước. Chia sẻ những kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà quản lý nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, từ đó hiến kế những giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp ngành công nghiệp.

Đối tượng tham gia: Người Việt Nam hoặc người nước ngoài đều có thể tham gia, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp.

Yêu cầu bài dự thi:

- Bài viết tối đa 1.500 chữ, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa.

- Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt.

- Tác giả ghi rõ địa chỉ, số điện thoại, email, số tài khoản (nếu có) để ban tổ chức liên lạc.

- Bài dự thi chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào và chưa từng đăng tải trên tất cả các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Bài dự thi được chọn đăng trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ sẽ được ban tổ chức trả nhuận bút.

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải nhất: 20 triệu đồng.

- 1 giải nhì: 10 triệu đồng.

- 1 giải ba: 5 triệu đồng.

- 2 giải phụ đặc biệt: 10 triệu đồng mỗi giải (dành cho doanh nghiệp ngành công nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả trong sản xuất).

Lễ trao giải: dự kiến tháng 12-2022.

Quy định chung:

- Tác giả chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin trong bài viết và bản quyền

bài viết.

- Cán bộ, phóng viên, công nhân viên báo Tuổi Trẻ và nhân viên đơn vị đồng hành chương trình cùng những người trong gia đình được tham gia viết bài nhưng không được xét chấm giải.

- Ban tổ chức được quyền sử dụng bài dự thi đoạt giải cho mục đích tuyên truyền, quảng bá trong và sau cuộc thi.

- Ban tổ chức giữ quyền xem xét và quyết định các giải thưởng.

- Các bài được đăng coi như vào vòng sơ khảo, ban giám khảo gồm các chuyên gia có uy tín sẽ xét duyệt chấm giải từ những bài vào sơ khảo.

Địa chỉ nhận bài: Bạn đọc gửi bài dự thi về địa chỉ email: chuyennghecongnghiep@tuoitre.com.vn hoặc gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ghi rõ tiêu đề tham gia cuộc thi viết "Chuyện nghề thời 4.0".

Thời gian nhận bài dự thi đến hết ngày 10-12-2022.

BAN TỔ CHỨC

Tôi đã thâm nhập chuỗi cung ứng Samsung thế nào? - Ảnh 4.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH DM Vina
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên