15/12/2018 10:08 GMT+7

Tôi đi nghị án ở Úc

NGUYỄN CHI ANH ĐÀI
NGUYỄN CHI ANH ĐÀI

TTO - Tôi không phải là luật sư, càng chẳng dính líu tới các cơ quan công quyền của Chính phủ Úc. Ấy vậy mà vừa rồi tôi được mời tham gia tiến trình nghị án ở tòa án thành phố Melbourne.

Tôi đi nghị án ở Úc - Ảnh 1.

Một ban bồi thẩm công dân ở Úc - Ảnh: AFP

Tương tự ở Mỹ, tham gia bồi thẩm đoàn được coi là một nghĩa vụ của công dân Úc đủ tuổi bầu cử. 

Để tránh sự tham nhũng hay những hình thức hối lộ với công quyền và để bảo đảm tính dân chủ, bình đẳng và công minh của luật pháp, một phiên tòa từ cấp quận/thành phố trở lên thường sẽ có sự tham dự của một bồi thẩm đoàn gồm 12 thành viên được máy vi tính lựa chọn ngẫu nhiên từ danh sách cử tri.

Những người được chọn không cần phải có kiến thức chuyên môn về luật, mà tòa chỉ cần những ý kiến/nhận định của họ dựa trên những quan niệm/ý thức chung của xã hội, kết hợp với những kiến thức chuyên môn về luật pháp sẵn có của tòa để cuối cùng bồi thẩm đoàn sẽ đưa ra nhận định "có tội" hay "không có tội"!

Không được phép từ chối

Việc tham gia bồi thẩm đoàn được gọi là "nghĩa vụ" vì đó là bắt buộc khi được/bị chọn. 

Nếu không có lý do chính đáng thì việc từ chối tham dự có thể bị phạt tiền lên đến vài ngàn đôla Úc (tùy bang). "Bận đi làm" không được xem là lý do chính đáng để từ chối.

Tuy vậy, bạn sẽ được trả một khoản thù lao nhỏ trong thời gian làm việc ở tòa và nơi bạn đang làm việc phải có trách nhiệm trả phần tiền còn lại theo mức lương ngày làm việc của bạn. 

Chỗ làm cũng không được phép đuổi việc hay gây khó dễ cho những nhân viên phải nghỉ làm để tham gia bồi thẩm đoàn.

Tôi có mặt ở tòa lúc 9h sáng, phải qua hệ thống an ninh kiểm soát nghiêm ngặt. Đến bàn đăng ký, tôi được phát cho tấm thẻ ghi "số báo danh" rồi ra phòng tập trung ngồi chờ. 

Trong phòng có 50-60 người ngồi chờ như tôi. Có vài ông bà tuổi xấp xỉ 70, ít thấy ai trẻ hơn 25 tuổi, phần lớn là trung niên 25-60 tuổi. 

"Dân Á châu" như tôi chỉ độ 3, 4 người. Nghe nói đa số người Việt khi nhận giấy mời vào bồi thẩm đoàn thường từ chối tham dự với lý do trở ngại ngôn ngữ.

Hầu hết mọi người đều là đến đây lần đầu và chưa từng trải qua kinh nghiệm làm việc với tòa án, nên nhìn ai cũng như có vẻ rất hồi hộp. Không khí có vẻ "nghiêm trọng" vì hình như chẳng ai quen biết ai và dường như ai cũng đang thắc mắc sắp tới đây mình sẽ phải làm những gì.

Bà người Úc ngồi bên cạnh tôi thì thầm hỏi: "Cô hồi hộp không? Tui thấy hồi hộp quá!". Rồi bà cười cười, như có vẻ vừa rất hồi hộp vừa lại rất thích thú khi nghĩ đến việc sắp được trải nghiệm một điều thú vị.

Tính công bằng hàng đầu

Việc lập bồi thẩm đoàn cho mỗi phiên xử được dựa trên bốc thăm "phiếu báo danh" mà từng người đã nhận được ở bàn đăng ký. 

Sau khi được chọn xong, chúng tôi đến phòng xử án đầu tiên. Tòa bắt đầu giải thích lần nữa về nhiệm vụ và cách thức làm việc của bồi thẩm đoàn. Sau đó, tòa bắt đầu đọc sơ qua cáo trạng và danh sách tên của những bên liên quan.

Thư ký tòa làm tiếp việc kiểm tra xem những người tham gia bồi thẩm đoàn có quen biết dù thân hay sơ với bất cứ ai, từ bị cáo đến nạn nhân, từ luật sư đến chánh án hay bất cứ ai có liên quan đến vụ xử. 

Chánh án sẽ cân nhắc mức độ quen biết để quyết định người đó có nên tiếp tục tham dự vụ xử kiện này hay không.

Chánh án cũng sẽ ước lượng thời gian phiên xử, để những người tham dự có thể xin rút lui nếu lý do trở ngại khi tham dự phiên tòa là chính đáng. 

Phiên tòa tôi tham gia dự kiến kéo dài 10 ngày. Một người trong đoàn xin được rút lui vì lịch trình du lịch của cô, đã được đặt vé trước, sẽ rơi vào những ngày gần cuối của phiên tòa, nên nếu phiên tòa kéo dài lâu hơn dự định thì cô sẽ không tham dự được. 

Tòa đồng ý cho cô rút lui và có thể tham dự những phiên tòa ngắn ngày hơn nếu được chọn.

Sau khi lọc lại danh sách những người xin rút lui, vị thư ký tòa bốc thăm lần nữa để chọn ra chỉ 12 vị (nhóm chúng tôi được chọn ban đầu gồm 26 người) vào bồi thẩm đoàn tham gia tiến trình nghị án và đưa ra phán quyết tại tòa. 

Khi nghe thư ký đọc to con số, người có "số báo danh" được gọi sẽ trả lời "Có mặt" và đứng lên đi về phía dãy ghế riêng dành cho 12 vị bồi thẩm đoàn. 

Lúc này, bị cáo hay luật sư đại diện có quyền phản đối không cho phép người vừa được gọi tham dự tiến trình nghị án. 

Họ có ba lần được phản đối không cần giải thích lý do. Sau ba lần, nếu muốn phản đối thì cần phải có lời giải thích hợp lý.

Việc tham gia bồi thẩm đoàn với người này có thể là một niềm vinh dự, nhưng với người khác có khi lại là một sự phiền hà. 

Vì là máy tính lựa chọn ngẫu nhiên nên có người "bị" gọi nhiều lần, nhưng cũng có người cả đời chờ mãi vẫn không "được" gọi đến. 

Có người đồng tình với hình thức bồi thẩm đoàn vì cho là dân chủ, nhưng cũng có người phản đối vì không muốn phần quyết định có tội hay không có tội được bàn luận bởi những người không mấy am hiểu về kiến thức luật pháp.

Dù đồng tình hay phản đối thì cũng phải nhìn nhận rằng hệ thống luật pháp với phán quyết dựa trên đa số biểu quyết của bồi thẩm đoàn, gồm những người được lựa chọn ngẫu nhiên trong quần chúng, thể hiện rõ một nền luật pháp công bằng.

Sau khi chọn đủ 12 vị vào bồi thẩm đoàn, những người còn lại sẽ rời tòa để trở lại phòng chờ đầu tiên. Vị đại diện tòa tiếp tục bốc thăm như vòng đầu để chọn người cho vụ xử thứ hai. Sau khi đã chọn đủ người, vị đại diện thông báo hôm nay không còn vụ xử nào nên mọi người có thể ra về.
NGUYỄN CHI ANH ĐÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên