28/10/2020 08:16 GMT+7

Tổng công ty Thái Sơn và VietPow hợp tác đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch

T.D.V - HIỀN TRANG - VĂN BÌNH
T.D.V - HIỀN TRANG - VĂN BÌNH

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết qua báo cáo cân đối cung - cầu điện cho thấy do hệ thống điện gần như không có dự phòng nguồn điện, nên năm 2021 có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện trong nhiều tình huống.

Tổng công ty Thái Sơn và VietPow hợp tác đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch - Video: HIỀN TRANG

Để đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%/năm (sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỉ kWh/năm), mỗi năm công suất nguồn điện cần bổ sung tối thiểu 4.500-5.000MV nguồn nhiệt điện hoặc 14.000-16.000MV nếu sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, để đảm bảo đủ nguồn điện năm 2030, Việt Nam dự kiến phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn LNG, 35,1 triệu tấn than vào năm 2025 và tăng dần tới 8,5 triệu tấn LNG và 45 triệu tấn than vào năm 2030.

Trong bối cảnh ấy, đặc biệt là các nguồn điện như nhiệt điện, thủy điện cơ bản đều đã khai thác hết hoặc có những giới hạn phát triển, việc đầu tư năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán khó khăn này.

Tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) với tầm nhìn chiến lược của mình đã quyết định đầu tư phát triển mạnh mẽ các dự án năng lượng tái tạo cũng như các dự án khí thiên nhiên theo xu hướng thời đại ấy.

Hôm nay 27-10, Tổng công ty Thái Sơn và Công ty cổ phần Tập đoàn năng lượng VietPow đã thống nhất ký kết hợp tác toàn diện trên lĩnh vực dự án năng lượng tái tạo và đầu tư phát triển khu công nghiệp.

Tổng công ty Thái Sơn và VietPow hợp tác đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch - Ảnh 2.

Lãnh đạo 2 công ty ký kết thỏa thuận hợp tác - Ảnh: HIỀN TRANG

Đại tá, tiến sĩ Phạm Gặp - chủ tịch, tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn - cho biết vừa qua nghị định 55 của Bộ Chính trị đã định hướng và phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch cho đất nước trong giai đoạn 2021 - 2045. Căn cứ vào chức năng ngành nghề của tổng công ty thì việc triển khai lĩnh vực này rất tốt, theo đánh giá của lãnh đạo tổng công ty.

"Chúng tôi và VietPow sẽ cố gắng khoảng 5 năm sắp tới phấn đấu là những doanh nghiệp đạt tỉ đôla trong phát triển năng lượng. Đây là tâm huyết của cả hai đơn vị. Với tinh thần tiên phong là người lính, chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng sự phát triển của quốc gia để làm sao tạo nên sự ổn định phù hợp với cả an ninh năng lượng của đất nước" - đại tá, tiến sĩ Phạm Gặp nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại buổi lễ còn diễn ra lễ ký kết hợp đồng tổng thầu EPC về thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị và thi công dự án điện mặt trời mái nhà giữa Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Lê Cao Phát và Công ty cổ phần Tập đoàn năng lượng VietPow.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phạm vi ranh giới quy hoạch là quy hoạch phát triển nguồn điện lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220kV trở lên trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, bao gồm các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.

Mục tiêu phát triển điện lực nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện thời kỳ 2021-2030, có xét đến năm 2045. Theo đó, nghiên cứu các phương án phát triển nguồn và lưới điện, lựa chọn phương án có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tốt và có tính khả thi cao, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.

Đồng thời đánh giá tác động môi trường và lập báo cáo môi trường chiến lược trong phát triển điện lực, nghiên cứu đề xuất các giải pháp chủ yếu về cơ chế, chính sách phát triển ngành điện, tổ chức thực hiện quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững ngành điện.

T.D.V - HIỀN TRANG - VĂN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên