29/10/2020 16:51 GMT+7

TP.HCM cam kết hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số

TỰ TRUNG
TỰ TRUNG

TTO - Sáng 29-10, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã gặp gỡ thân mật 20 kiều bào về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch COVID-19.

TP.HCM cam kết hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi gặp gỡ - Ảnh: TỰ TRUNG

Sau khi lắng nghe và tâm đắc với nhiều ý kiến đóng góp của kiều bào, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá các góp ý của kiều bào về định vị thương hiệu quốc gia rất sâu sắc bởi thời buổi này làm gì cũng cần phải chú ý hình ảnh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo TP.HCM cũng cần định vị lại mình, quan tâm đến cảm xúc của người dân trên từng lĩnh vực, quan tâm đến sự an toàn, an tâm của nhà đầu tư nước ngoài và trong nước về môi trường đầu tư và quản trị để tạo tiền đề cho doanh nghiệp thành công trên nhiều lĩnh vực.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng cho biết mong muốn nhận thêm những phân tích, mổ xẻ các vấn đề về chuyển đổi số.

"Tôi mong muốn nhận được các ý kiến mổ xẻ, phân tích sâu sắc với tinh thần chân tình, thẳng thắn, không né tránh để TP.HCM tiếp thu và biến thành hành động cụ thể để kiều bào yên tâm hơn, có nhiều cơ hội, cảm thấy tự hào khi trở về hợp tác với quê hương", ông Nên bày tỏ.

Bên cạnh những lợi thế, Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng nhìn nhận công cuộc chuyển đổi số ở TP.HCM gặp phải nhiều khó khăn như mức chi ngân sách cho công nghệ thông tin (CNTT) chỉ khoảng 0,4%, trong khi đó trung bình các quốc gia khoảng 1% ngân sách, đặc biệt như Hàn Quốc chi 2% ngân sách cho CNTT.

Mặt khác cộng đồng DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa, nhận thức về chuyển đổi số còn khác nhau, còn nhiều DN e ngại, né tránh hoặc chưa dám tiếp cận do gặp khó khăn vì thiếu về vốn, con người.

"Lãnh đạo TP.HCM cam kết thực hiện vai trò kiến tạo, hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số", ông Nên khẳng định.

TP.HCM cam kết hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi gặp gỡ - Ảnh: TỰ TRUNG

Trước đó, tại buổi trò chuyện thân mật, ông Steve Bùi, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc, cho rằng TP cần ứng dụng công nghệ số trong giám sát an ninh để tạo sự an tâm, an toàn cho nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào TP.

Còn GS.TS Đặng Lương Mô đề nghị TP có chính sách yêu cầu nhà đầu tư chuyển giao công nghệ để làm cơ sở cho doanh nghiệp trong nước sản xuất ra sản phẩm có giá trị cao, làm giàu cho đất nước.

Dẫn chứng từ kinh nghiệm của Ấn Độ dành hàng chục năm để nghiên cứu phần mềm nhưng thu nhập đầu người cũng chỉ đạt 2.200 USD, thấp hơn Việt Nam (hiện khoảng 2.800 USD). Những năm gần đây, Ấn Độ đã chuyển dần sang phát triển phần cứng, tạo ra sản phẩm vật chất nhiều giá trị kinh tế hơn.

Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết đối với chương trình chuyển đổi số, mục tiêu tổng quát là phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành.

TP.HCM xác định sẽ là đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới; phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, phong trào đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước.

Về kinh tế số, ông Phong cho biết TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25%. Để đạt mục tiêu đó, ngay từ bây giờ phải triển khai các giải pháp, trong đó cần phải chủ động lắng nghe chuyên gia ở lĩnh vực này để có thêm giải pháp thực hiện mục tiêu đề ra. 

TỰ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên