25/08/2022 05:45 GMT+7

TP.HCM tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công

D.N.HÀ - CẨM NƯƠNG
D.N.HÀ - CẨM NƯƠNG

TTO - Tại phiên giải trình trước HĐND TP về thực hiện pháp luật trong đầu tư công trên địa bàn TP.HCM ngày 24-8, lãnh đạo UBND TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thủ tục cũng như tiến độ giải ngân đầu tư công năm 2022 chậm.

TP.HCM tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công - Ảnh 1.

UBND TP sẽ khai thác quỹ đất công dọc hai bên tuyến rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh, TP.HCM để tạo vốn thực hiện dự án - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP, công tác lập, thẩm định, triển khai, đánh giá đầu tư công thời gian qua còn chậm, trách nhiệm trước hết là của UBND TP, của chủ tịch UBND TP, đồng thời cho biết tập trung tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy nhanh việc triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn.

Điều chuyển vốn cho dự án triển khai nhanh

Đánh giá công tác đầu tư công tại TP.HCM thời gian qua, HĐND TP cho rằng đã có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Các công trình, dự án được lựa chọn đầu tư có trọng tâm, tác động sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của người dân.

Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm lại. Chẳng hạn, trong năm 2021 chỉ giải ngân đạt 61,3% kế hoạch, 7 tháng đầu năm 2022 đạt 26,5% kế hoạch và có 100 dự án chưa giải ngân được đồng nào. Trước thực tế đó, HĐND TP đặt ra nhiều vấn đề yêu cầu UBND TP giải trình.

Cụ thể, công tác lập kế hoạch đầu tư công chưa sát với khả năng thực hiện, UBND TP giao vốn chậm, quyết toán vốn đầu tư của các dự án cũng chậm. HĐND TP chất vấn giải pháp để hấp thu hết 100% vốn từng năm trong giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời phải có những biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA.

Đặc biệt, cần có giải pháp bổ sung vốn cho những công trình dang dở để tránh lãng phí và giải quyết tình trạng sử dụng lãng phí nhà, đất công, đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thúc đẩy tiến độ đầu tư và tiến độ giải ngân của các dự án.

Trả lời những nội dung chất vấn của HĐND TP, ông Phan Văn Mãi đưa ra nhiều giải pháp thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả và tiến độ đầu tư công trong thời gian tới. Theo đó, UBND TP sẽ thường xuyên đôn đốc chỉ đạo các đơn vị hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài ra, sẽ tổ chức hiệu quả các hội nghị giao ban để rà soát, kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công định kỳ hằng tháng để đánh giá kết quả, lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn.

"UBND TP sẽ linh hoạt trong công tác điều hành kế hoạch vốn, kịp thời tham mưu điều chuyển vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh. Đồng thời sẽ thường xuyên rà soát, kiểm điểm tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chống lãng phí trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư", ông Mãi nói.

Bên cạnh đó, UBND TP sẽ chủ động cân đối các nguồn vốn từ đầu năm, các nguồn vốn được bổ sung hằng năm, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích, kêu gọi đầu tư xã hội hóa. "Ngoài ra, UBND TP sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công", ông Mãi cho biết.

Chủ vốn cho các dự án trọng điểm

Cũng tại phiên giải trình, các đại biểu HĐND TP đặt ra nhiều vấn đề như làm sao để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư công của UBND các quận huyện và TP Thủ Đức trong giai đoạn 2021-2025, biện pháp tăng nguồn vốn ngân sách thời gian tới để đáp ứng nhu cầu vốn của các địa phương?

Đại diện các sở ngành chức năng cho biết sẽ tăng cường hợp tác công - tư ở những dự án có tiềm năng. Với UBND các quận/huyện, cần chọn lọc dự án cấp thiết, có trọng điểm để đầu tư. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - giám đốc Sở KH&ĐT - cho biết hiện mô hình hợp tác công - tư đang có dấu hiệu chựng lại.

Không còn hợp tác theo hình thức BT, dự án BOT giao thông trong nội thành khó thu hút đầu tư. Trong khi đó, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư không cho phép đầu tư công - tư các dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Sắp tới, UBND TP sẽ đề xuất đưa các dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao được đầu tư theo hướng hợp tác công - tư trong nội dung điều chỉnh nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù của TP.HCM.

Với hai dự án trọng điểm là cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, theo bà Mai, UBND TP được tự chủ tài chính nên quyết tâm để có vốn đầu tư cho hai dự án này vì đó là nhu cầu bức xúc của cử tri. "Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đã được UBND TP thông qua vốn chuẩn bị đầu tư. Với dự án rạch Xuyên Tâm, UBND TP sẽ khai thác quỹ đất công dọc hai bên tuyến kênh này để tạo vốn thực hiện dự án", bà Mai thông tin.

Bà Phạm Thị Hồng Hà, giám đốc Sở Tài chính, cho biết UBND TP tiếp tục thực hiện các kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế để tăng thu ngân sách, tháo gỡ khó khăn của các dự án bất động sản để thu thuế, thu tiền sử dụng đất trong thời gian tới. UBND TP cũng đang đẩy nhanh tiến độ sắp xếp phương án sử dụng đất công để đưa đất vào sử dụng hiệu quả, xử lý nhà, đất dôi dư của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn TP và đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Ông Phan Văn Mãi nhận trách nhiệm về việc tiến độ đầu tư công của TP trong hai năm gần đây bị chậm. "Công tác lập, thẩm định, triển khai, đánh giá đầu tư công thời gian qua chậm, trách nhiệm trước hết là của UBND TP, của chủ tịch UBND TP", ông Mãi nói và cho biết nhận thức rõ vai trò của mình trong vấn đề này nên đã tập trung tháo gỡ khó khăn. Trong thực tế, dù tốn nhiều thời gian nhưng chuyển biến chưa được nhiều, việc này cần nhìn nhận lại.

"Những vướng mắc liên quan đến chính sách và thẩm quyền của các cơ quan trung ương thì UBND TP sẽ tập hợp kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền. TP đang tổng kết nghị quyết 54 và sẽ đưa những nội dung hợp lý vào đây để xin ý kiến trung ương, bên cạnh đó sẽ phát huy cơ chế sẽ báo cáo từng sự việc cụ thể để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công", ông Mãi nhấn mạnh.

7 tháng, tỉ lệ giải ngân chỉ đạt 26,5%

Giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn đầu tư công theo nhu cầu của UBND TP là 672.000 tỉ đồng, nhưng nguồn vốn mà địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ có 142.000 tỉ đồng, đáp ứng khoảng 21% nhu cầu.

Cũng trong giai đoạn này, số dự án đầu tư công chuyển tiếp từ giai đoạn trước sang là 1.191 dự án, được bố trí tổng vốn gần 68.000 tỉ đồng, chiếm 48% tổng vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 của TP.HCM. Đến nay, có 298 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. UBND TP cho biết đa số các dự án đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025 đều là các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước sang, ít dự án mới. Điều này nhằm phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư công.

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 chỉ đạt 61,3% trong tổng kế hoạch đầu tư công của TP (đã giải ngân được 19.721,157 tỉ đồng, trong tổng kế hoạch vốn giao 32.262,986 tỉ đồng). Bảy tháng đầu năm 2022, tốc độ giải ngân chỉ đạt 26,5% (8.472,275/31.648 tỉ đồng), trong đó có 100 dự án đến nay chưa giải ngân được đồng nào.

Lãnh đạo TP.HCM đề ra 7 giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công Lãnh đạo TP.HCM đề ra 7 giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công

TTO - Sáng 24-8, HĐND TP.HCM tổ chức giám sát về kết quả đầu tư công năm 2022. UBND TP đã đưa ra nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

D.N.HÀ - CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên