17/08/2019 19:39 GMT+7

TP.HCM hợp long cầu Vàm Sát 2, dân Cần Giờ háo hức chờ cầu mới

THU DUNG - NGỌC ẨN
THU DUNG - NGỌC ẨN

TTO - Ngày 17-8, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã tổ chức lễ hợp long nhịp chính cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ), triển khai những công đoạn cuối chuẩn bị đưa cây cầu đi vào hoạt động.

TP.HCM hợp long cầu Vàm Sát 2, dân Cần Giờ háo hức chờ cầu mới - Ảnh 1.

Chính thức hợp long cầu Vàm Sát 2, huyện Cần Giờ - Ảnh: THU DUNG

Theo Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, việc xây dựng cầu Vàm Sát 2 hỗ trợ "chia lửa" và đảm bảo an toàn cho cầu Vàm Sát 1 cũ, trọng tải yếu. 

Đồng thời giúp khai thác hiệu quả trục đường Lý Nhơn, kết nối giao thông giữa các xã An Thới Đông, xã Lý Nhơn với trung tâm TP.HCM. 

Sau khi cầu Vàm Sát 2 đi vào hoạt động, cầu Vàm Sát 1 vẫn tiếp tục hoạt động song song để thêm lựa chọn đi lại cho người dân. 

Có mặt tại buổi lễ, ông Triệu Đỗ Hồng Phước - trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM - chia sẻ: huyện Cần Giờ là một trong những nơi có hạ tầng giao thông kém phát triển tại TP.HCM. Tại đây, việc đi lại của người dân còn nhiều khó khăn. Cầu Vàm Sát 1 quá nhỏ, nay cũng đã xuống cấp không thể nào đáp ứng cho nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế tại huyện. 

TP.HCM hợp long cầu Vàm Sát 2, dân Cần Giờ háo hức chờ cầu mới - Ảnh 2.

Công nhân làm việc trên công trình cầu Vàm Sát 2 ngày 17-8 - Ảnh: THU DUNG

Do đó, việc đầu tư cầu Vàm Sát 2 trong thời điểm này là vô cùng cấp bách. Khi có cầu mới, quá trình vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vục này sẽ có nhiều biến chuyển. Khả năng lưu thông hàng hóa từ huyện Cần Giờ đi các tỉnh lân cận cũng trở nên dễ dàng hơn. 

Nhiều người dân sống tại khu vực này cũng cho biết cầu Vàm Sát 1 đã cũ kỹ, xuống cấp từ lâu. Bề mặt cầu hẹp, mỗi lần có ôtô đi qua là người đi xe máy không còn lối đi lại. Không chỉ vậy, nhiều xe quá tải trọng cho phép (dưới 8 tấn) chạy ào ào qua khiến người dân nơm nớp sợ cầu sập. 

"Người dân ở huyện Cần Giờ mong chờ cầu Vàm Sát 2 từng ngày. Hi vọng khi cây cầu này đi vào hoạt động, giao thông - kinh tế huyện sẽ phát triển hơn, đời sống người dân cũng được cải thiện", chị Nguyễn Thị Mơ - một người dân sống gần cầu Vàm Sát 1 - nói. 

Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cầu Vàm Sát 2 là hơn 342 tỉ đồng, trong đó chi phí di dời giải tỏa khoảng 22,4 tỉ đồng, chi phí dự phòng 43,6 tỉ đồng. Cầu được thiết kế có tuổi thọ 100 năm, chịu được động đất cấp 7 và tốc độ lưu thông qua cầu là 60km/h, không hạn chế tải trọng.

Cầu Vàm Sát 2 nằm cách cầu Vàm Sát hiện hữu khoảng 100m về phía cửa sông Soài Rạp. Điểm đầu dự án là đường Lý Nhơn và điểm cuối là ngã ba đường Lý Nhơn và đường đê Soài Rạp.

Cầu Vàm Sát 2 dự kiến khánh thành vào tháng 6-2020.

TP.HCM khởi công xây cầu Vàm Sát 2 TP.HCM khởi công xây cầu Vàm Sát 2

TTO - Tổng kinh phí đầu tư xây cầu Vàm Sát 2 hơn 342 tỉ đồng, trong đó chi phí di dời giải tỏa khoảng 22,4 tỉ đồng, chi phí dự phòng 43,6 tỉ, còn lại là các chi phí khác.

THU DUNG - NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên