17/01/2013 08:45 GMT+7

Trẻ em làm nông bằng công nghệ

HỒNG NHUNG
HỒNG NHUNG

TT - Từ tháng 9-2012, cuộc sống của Thạch Nguyễn Tấn Tài (12 tuổi) cùng 14 bạn nhỏ khác ở xã Thuận Mỹ, Trà Ôn, Vĩnh Long bỗng trở nên thú vị hơn bởi Tài vừa được chọn tham gia dự án truyền đạt thông qua thanh thiếu niên (YMC).

4b3mCoKk.jpgPhóng to
Bé Kim Hồng Thái (11 tuổi) cùng cha ra đồng đo chiều cao cây lúa - Ảnh: Hồng Nhung

Mỗi ngày, công việc mới của Tài là ghi chép nhiệt độ, độ ẩm và thời tiết vào sổ ghi chú rồi dùng điện thoại di động gửi thông tin này lên hệ thống YMC. Mỗi thứ ba và thứ bảy hằng tuần, Tài sẽ đo chiều cao cây lúa, đo màu lá lúa, chụp hình cây lúa, sâu bệnh phá hoại lúa để đến chủ nhật cậu sẽ ra trung tâm văn hóa xã, cùng với các bạn, ngồi vào máy tính nhập những thông tin này và tải các hình ảnh đã chụp vào hệ thống để chuyển cho các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản xem.

Giúp nông dân

Sau đó Tài sẽ gửi những thắc mắc của mình, của ba mẹ về cách chăm sóc lúa, cách trừ sâu bệnh lên hệ thống YMC và nhận câu trả lời của chuyên gia Nhật như đã đến lúc bón phân hay chưa, bón bao nhiêu là đủ, cây lúa đang bị bệnh gì, phải chữa ra sao, dùng thuốc gì.

Tài kể: “Nhà em có bốn công ruộng, trước đây em chỉ giúp mẹ làm cỏ, nhổ cỏ gần bờ, kể từ khi được chọn vào dự án, mỗi ngày ra ruộng em lại thương ba mẹ hơn vì thấy việc làm nông cực quá nhưng em vui lắm vì đã giúp được ba mẹ chút chút. Mỗi tuần em thường gửi cho giáo sư hai đến ba câu hỏi, khi giáo sư trả lời, em sẽ ghi vào sổ về đọc cho ba mẹ nghe. Ba mẹ bảo em hỏi làm sao để chữa bệnh đạo ôn, trừ bọ chét, sâu, làm sao để phòng và trừ sâu bệnh cho lúa đã trổ bông và kết hạt. Còn em thắc mắc khi chúng ta phun thuốc thì con cua, con cá dưới ruộng có chết không. Em bắt con cua con cá này về ăn thì có bị sao không?”. Tấn Tài được các chuyên gia trìu mến gọi là Tài “siêu quậy”.

Cô Yumiko Mori, chủ tịch Tổ chức phi chính phủ Pangaea, là người khởi nguồn dự án YMC khi cô và các thành viên đi thăm một làng quê ở Thái Lan để nghiên cứu về việc sử dụng công nghệ thông tin ở Đông Nam Á. Khi tiếp xúc với người nông dân, cô nhận thấy họ không thật sự thoải mái, khi tìm hiểu cô phát hiện rất nhiều trong số đó không biết chữ hoặc khó khăn trong việc đọc chữ nên không thể đọc các tài liệu khuyến nông. Trong khi đó, con cái của họ lại rất thích thú khi dùng máy tính và đọc văn bản trên máy tính. Ý tưởng dùng những đứa trẻ làm cầu nối đưa kiến thức khoa học nông nghiệp đến với người nông dân đã ra đời và VN được chọn thử nghiệm dự án.

45 đứa trẻ thuộc các hộ nghèo ở Trà Ôn, Vĩnh Long được chọn tham gia dự án trong hai vụ lúa đông xuân 2011, 2012 đã rất vui sướng khi được tặng bộ đồ nghề xinh xắn bao gồm sổ ghi chép, thước đo, nhiệt kế, máy đo độ ẩm và điện thoại di động để tác nghiệp, và mỗi sáng chủ nhật được ra Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm huyện Trà Ôn. Các em được ngồi máy tính trao đổi với chuyên gia ở Nhật Bản qua hệ thống YMC, được chơi những trò chơi dễ thương liên quan đến cây lúa, trồng trọt, được đọc các kiến thức về mùa màng, cây lúa, côn trùng... trên máy.

Với cha mẹ các em, những nông dân nghèo đều nói việc làm theo hướng dẫn của chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản thông qua con cái họ đã giúp việc đồng áng tốt hơn. Ông Kim Rọt Tha, cha bé Kim Hồng Thái (11 tuổi), hồ hởi: “Tui thấy lúa mùa này ngon hơn mùa trước, cách làm lúa theo mấy ông Nhật khác trước nay tui vẫn làm nhưng nghe theo họ giảm thuốc trừ sâu, phân bón nhiều, bớt được tiền mua thuốc, mua phân nhưng lại thấy cây lúa tốt hơn”.

Niềm khích lệ

Để 45 đứa trẻ ở Trà Ôn, Vĩnh Long có thể gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia Nhật mà không bị cản trở bởi rào cản ngôn ngữ, khoảng cách địa lý là những nỗ lực của các chuyên gia tại phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), Đại học Kyoto, ĐH Tokyo (Nhật Bản), Tổ chức Pangaea và các cơ quan tổ chức khác.

Mỗi sáng chủ nhật, anh Toshi (theo cách gọi thân thương của bọn trẻ về ông Toshiyuki Takasaki, giám đốc công nghiệp Tổ chức NPO Pangaea) sẽ ngồi trên máy tính ở Nhật, đảm bảo cho hệ thống YMC thông suốt để các em có thể nhập liệu và đặt câu hỏi cho chuyên gia. Trong buổi gặp trực tiếp bọn trẻ vào ngày 6-1 vừa rồi, anh Toshi đã xin lỗi bọn trẻ vì trong suốt vụ mùa đã có hai sáng chủ nhật huyện Trà Ôn bị cúp điện làm bọn trẻ mất công đến trung tâm rồi lại phải đi về. Còn anh Toru (giáo sư Toru Ishida, Trường ĐH Kyoto), thầy Quân (PGS.TS Vũ Hải Quân, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) và các cộng sự sẽ đảm bảo cho hệ thống tự động chuyển ngữ Việt - Nhật dịch thật dễ hiểu để các chuyên gia Nhật có thể hiểu những câu chữ ngây thơ của bọn trẻ và bọn trẻ cũng có thể hiểu được những hướng dẫn chuyên môn của chuyên gia một cách dễ dàng. Cậu Yaz (ông Yasukazu Okano, đồng giám đốc chương trình Pangaea), giáo sư Nino (giáo sư Seishi Ninomiya, ĐH Tokyo) sẽ trả lời thắc mắc của các em và cung cấp cho các em kiến thức nông nghiệp. “Niềm vui, ánh mắt rạng ngời của bọn trẻ đã khích lệ chúng tôi” - các chuyên gia tham gia dự án chia sẻ.

Bảo vệ đồng ruộng

Giáo sư Seishi Ninomiya cho biết trong nông nghiệp không thể có một đáp án chung cho các cánh đồng mà phải chăm sóc theo cụ thể từng vùng đất, thời điểm trong điều kiện khí hậu khác nhau. Nông nghiệp thế kỷ 21 đã bùng nổ các công cụ hỗ trợ nhưng kèm theo đó là việc sử dụng hóa chất tràn lan. Nông dân có xu hướng sử dụng rất nhiều hóa chất làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, các cánh đồng sẽ bạc màu vì hóa chất và người dân cố dùng nhiều phân bón để tăng sản lượng và họ lại hủy hoại cánh đồng. Cái vòng luẩn quẩn này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, an toàn thực phẩm và tiêu tốn năng lượng.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vĩnh Long, hiện có rất nhiều tài liệu hướng dẫn trồng trọt nhưng người nông dân không tiếp cận được do không biết đọc hay tài liệu dài, khó đọc, việc gặp trực tiếp chuyên gia cũng khó khăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân cũng rất khó vì trình độ thấp, sống rải rác ở xa và trang thiết bị không có. Mỗi năm tỉnh tổ chức nhiều chương trình tập huấn cho nông dân nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại cũng chỉ những gương mặt cũ, những nông dân tiên tiến theo học, còn những người cần học là nông dân nghèo không đi vì đi thì mất một ngày công làm thuê.

Vụ mùa năm nay, ở những cánh đồng có trẻ tham gia YMC, năng suất tăng từ 3-5 tạ/ha so với cánh đồng không tham gia chương trình và chi phí giảm do giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình hỗ trợ nông dân qua con cái họ là một ý tưởng rất hay bởi con cái và cha mẹ có mối quan tâm, chia sẻ chung cuối mỗi ngày, những đứa trẻ khi lớn lên, nếu không nối nghiệp nghề nông, chúng vẫn hiểu, chia sẻ với những vất vả của cha mẹ trên ruộng đồng nhờ trải nghiệm từ thời thơ ấu. “Tuy không có điều kiện vật chất, công nghệ cao nhưng chúng tôi sẽ áp dụng cách truyền thông qua trẻ em bằng những phương tiện hiện có để khuyến nông” - ông Liêm cho biết.

HỒNG NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên